Văn hóa thơ từ hiện tượng thơ ba câu dậy sóng - Nguyễn Thanh Tâm
Văn hóa thơ từ hiện tượng
thơ ba câu dậy sóng

Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thanh Tâm
Nguyễn Thanh Tâm
Thật thú vị! Thơ ba câu - thơ ngắn của Mai
Văn Phấn, bỗng một ngày làm dậy sóng thi đàn. Hóa ra, cộng đồng vẫn quan tâm
đến thơ, vẫn thấy ở thơ những cơ hội để có thể đọc, tìm hiểu, bày tỏ, chia sẻ
những suy - cảm của mình. Đó chẳng phải là một tín hiệu lạc quan trước các lo
ngại về thái độ thờ ơ, quay lưng, ngoảnh mặt của công chúng đối với thơ hay
sao?
Trở lên, tôi đã lựa chọn cách tiếp cận vấn đề
ít gây xung đột và mang nhiều tính xây dựng, nhằm giải trừ các năng lượng tiêu
cực đang tích tụ trong các diễn ngôn “đòn hội chợ”, “đánh hội đồng”, “cơn lên
đồng tập thể”, “mê sảng tập thể”, “sự mù lòa của đám đông”, “ném đá” (đối với
thơ ba câu của MVP)… khi nhìn về “chiến lũy” của sự đọc những ngày qua. Phía
bên kia, những ý kiến cho rằng người đọc - nhà phê bình đang “vẽ rắn thêm chân”
hay bị ám ảnh bởi “bóng ma” của tác giả, vượt quá sự kiểm soát của ký hiệu -
văn bản, xem thường công chúng, đánh tráo bản chất trong quá trình diễn giải
văn chương (nhằm cổ xúy, bênh vực cho thơ ba câu của Mai Văn Phấn)… cũng cần
được tiết chế để có thể nhìn rõ hơn “chân tướng” của thi ca trong các “tang
chứng/ vật chứng” (thơ) bị cộng đồng cáo buộc.
Trước hết, trong tư cách một người đọc, tôi muốn chia sẻ suy
nghĩ, cảm nhận của mình về thơ ngắn (ba câu) của Mai Văn Phấn. Hành trình dấn
thân và sáng tạo của Mai Văn Phấn đã đi qua cổ điển, hiện đại, hậu hiện đại để đến/
về với tinh thần tân cổ điển trong những tập thơ gần đây như hoa
giấu mặt (2012), thả (2015). Những bài
thơ ngắn - ba câu, kiệm lời nhưng hàm súc, ý và tình đều được giấu kín trong
hình tượng trung tâm. Sự tối giản của hình thức nói lên quá trình lược bỏ/ rũ
bỏ những bộn bề ngổn ngang, những rườm rà chật chội, những biện bày rối rắm.
Tập trung vào điều quan trọng nhất, tứ thơ chụm gọn, tình thơ cô đọng, ngôn ngữ
thơ nhẹ nhàng, thư thái, phảng phất hơi hướng của lời kệ hoặc haiku. Đó là hình
thái của sự thức nhận - minh triết về đời sống và nghệ thuật trong ý nghĩa tinh
tế và sâu xa nhất:
HOA MẬN
TRẮNG
Trời tối
Ghé sát hoa
Đọc nốt trang sách
MONG
MANH
Giọt sương nín thở
Treo
Trên vũng nước bẩn
CUỐI
THU
Những giọt sương
Dìu nhau
Về trái đất
VÔ TÌNH
Ai nỡ phơi rơm
Lên ngôi mộ đơn sơ
Người nằm đó cả đời lam lũ
Tại sao Mai Văn Phấn lại
chọn thể thơ ba câu cho sứ mệnh trở về của mình? “Đứa con đi hoang trở về” (tên
một tác phẩm của A. Gide) sau một hành trình nhọc nhằn. Dừng bước, cúi xuống, ngồi
lại, tựa lưng, nhắm mắt, tĩnh lặng… có lẽ là dạng thái chủ đạo của cái tôi trữ
tình trong phần thơ này. Cái tôi đã tìm thấy cho mình sự an nhiên, tĩnh tại,
khi nhìn về đời sống. Những bất an, hoài nghi, chất vấn đã lắng lại, hoặc ngủ
yên, hoặc được hóa giải. Những mộng mơ, cuồng nhiệt cũng đã được tiết chế (xin
lưu ý, những vận động sáng tạo này cần được nhìn nhận trong tính bao quát của
hành trình thơ Mai Văn Phấn, từ Giọt nắng, Gọi
xanh, Cầu nguyện ban mai, Nghi
lễ nhận tên, Người cùng thời, Vách
nước, Hôm sau, và
đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che, hoa
giấu mặt, thả…). Ngôn ngữ thơ mở vào
thế giới của sự minh triết bằng vẻ tinh tế, cô đọng của nó. Đi qua nhiều biến
cố, chứng kiến những đổi thay, có lúc bất an và bất lực, nhưng, tình yêu thương
và tư tưởng nhân văn cao cả vẫn không hề mất đi. Tư tưởng ấy giờ đây lặng lẽ
tỏa hương trong cái nhìn rất sâu vào từng khoảnh khắc của sự sống. Giá trị nhân
văn vĩnh hằng gắn với đạo đức, trí tuệ/ trí huệ là phẩm hạnh của thơ tối giản
trong ngày về an nhiên, tĩnh lặng của thi sĩ. Đó là cốt lõi trong tinh thần tân
cổ điển - hiểu hẹp như một phương pháp sáng tác, hoặc rộng hơn là tâm thức/
triết lý sống và mĩ học sáng tạo.
Mai Văn Phấn ý thức rất rõ
“tiền kiếp” của mình (không thể nói thơ ba câu của Mai Văn Phấn không phảng
phất dư hương của haiku, bài kệ hay các thành ngữ - tục ngữ cô đọng của dân
gian - kiểu như: Nước chảy đá mòn, Đất lành chim đậu,
Giậu đổ bìm leo…). Không gò mình vào 17 âm tiết với bố cục 5/7/5
như haiku, thơ ba câu của Mai Văn Phấn tìm về sự an nhiên của chữ, sự lắng sâu
của ý, sự tiết chế của tình. Nghĩa là tác giả đã “giảm trừ” đi rất nhiều vật
liệu thuộc về hình thức để chất thơ hiện lên trong hình hài vừa vặn nhất của
nó. Sự tinh giản đến mức tối đa về chữ đặt ra yêu cầu phải có tứ thơ thật sáng,
thật chụm:
*
Tiếng sét
Lay bông huệ
dịu dàng
(Con mắt
nghiêng)
Đó là một thi phẩm trọn
vẹn. Hầu như không có sự diễn giải, chỉ có niềm an nhiên giữa tịch lặng để cảm
biết về sự sống lay động trong khoảnh khắc vi diệu của thời gian. Kẻ ác tâm,
bận lòng khó thấy được những chiếc gai đang thu lại, chúng không đâm vào nhau,
nơi ấy làn hương len qua (Trong bụi gai). Kẻ mưu cầu
không thấy gió vô hình, vô tướng hồn nhiên thổi trên những cạm bẫy (Thế
đấy). Kẻ vô tình không thấy xót xa khi có người phơi rơm lên ngôi
mộ một đời lam lũ (Vô tình),… Sẽ là bất nhẫn khi ta cố giải thích
chất thơ của thơ haiku, hai câu, ba câu. Sẽ mất nhiều ngôn từ hơn nó vốn có và
phá vỡ thế ngưng đọng, tịch lặng vốn là không gian “mĩ niệm” của thể thơ này.
Trong im lặng có tất cả.
Tiếp nhận thơ trước hết là
một trải nghiệm cá nhân. Tôi vẫn luôn cho rằng, nỗ lực cá nhân hóa việc đọc
thơ, trong sự tĩnh lặng nhất có thể, là hành trình tiệm cận với “thần tủy” thi
ca. Thế nên, giữa những ồn ào náo nhiệt, có rất ít sự tỉnh táo thực sự chạm
được đến địa hạt mầu nhiệm của thơ. Dẫu như vậy, cá nhân cũng không phải là
thành trì để cố thủ và bao biện, mỗi người vẫn phải luôn mở rộng, đào sâu, tự
nâng cấp mình trước các thử thách của việc đọc. Trong không gian nghệ thuật
đương đại đan cài các sắc thái tiền hiện đại - hiện đại - hậu hiện đại với rất
nhiều thể nghiệm, lối đọc tri âm, trực cảm, “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”
(Hoài Thanh) cũng dần tự xác lập thế đứng, vai trò của mình chỉ như một kiểu
lối, mà không phải là tất cả con đường để đến với thơ. Đọc có lý thuyết, có
phương pháp, có những trải nghiệm - kinh nghiệm vượt lên trên sự trực nhận
thông thường… là đòi hỏi cần thiết của hoạt động diễn giải văn chương hiện nay.
Phải nói rằng, những bài thơ của Mai Văn Phấn mà cộng đồng đang trình ra (Viếng
mộ ông bà, Ly rượu, Cây
ở nghĩa trang, Nơi đầu gió) thực tình chưa
hoàn toàn thuyết phục được tôi, so với nhiều bài thơ ba câu khác trong tập hoa
giấu mặt và thả của ông. Nhưng, tôi
hiểu, trong tư cách một tha nhân, một người đọc, tôi không có nhiều kinh nghiệm
được bắt rễ vào trường thẩm mĩ - tâm linh của tác giả. Dẫu vậy, sẽ lại là thiếu
trung thực, nếu tôi không bày tỏ rằng, có điều gì đó siêu hình - linh thiêng,
đang hiện diện trong không gian nghệ thuật ở đây. Xin đừng tách bài thơ khỏi
không gian nghĩa trang (địa - văn hóa) với ngôi mộ - hương - vàng - rượu - cây
lá và gió; cũng xin đừng tước bỏ đi mối quan hệ âm - dương của chủ thể trữ tình
và các đối thể được nhắc tới trong thơ. Hãy thử bình tâm mà ngẫm lại, có phải
cảm thức tâm linh rất gần gũi, vẫn thường bao bọc lấy ta khi dừng chân trong
không gian - cảnh huống ấy? Những bài thơ khiêm hạ, tĩnh lặng, phảng phất linh
thiêng, làm xích lại những vời vợi âm dương, làm hé lộ những tương giao bí ẩn,
có thể sẽ khiến lòng kẻ tha hương rưng rưng một chiều cuối năm tất bật trở về
cố thổ. Những bài thơ ấy, tâm tình ấy, lẽ nào không đáng để cho ta trân trọng?
Ứng xử với một bài thơ chính là ứng xử với
một con người, qua đó cũng nói lên trí tuệ và nhân cách của các bên tham gia
giao tiếp nghệ thuật. Tính chất dân chủ của xã hội mở ra các khả năng của lời
nói, nhưng không vì thế mà chúng ta đánh mất niềm ngưỡng vọng cao cả, chân
chính trước các giá trị nhân văn, thẩm mĩ, đạo đức và trí tuệ - vốn là những
phạm trù cốt lõi của tính người. Những đòi hỏi về nghệ thuật, thẩm mĩ, nếu rời
xa tính người sẽ chỉ còn là phù phiếm, nếu không muốn nói là vô nghĩa.
N.T.T
(Nguồn: Báo Văn Nghệ số 10, ra ngày 8/3/2025)

Tranh Langston K