Căn nguyên
sâu xa của vấn đề
Triệu Lam
Châu
Hai tháng nay các báo mạng và báo giấy có rất
nhiều bài viết tâm huyết, gay gắt , quyết liệt… chứa chan nỗi bức xúc cao ngất
đến tận trời xanh – về việc Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng thơ 2011 –
2012 cho các tác giả làm thơ cách tân Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thuý, Đỗ Doãn
Phương… Và đặc biệt nhất là sau sự kiện Viện Văn học Việt Nam tổ chức Hội thảo
“Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” ngày 28 tháng 6 vừa qua – thì nỗi
bức xúc của các quan niệm như đối chọi nhau giữa thơ truyền thống và thơ cách
tân – được bùng nổ đến cao trào. Suy ngẫm về sự bùng nổ này, tôi thấy nó nảy ra
một số vấn đề chúng ta cần phải quan tâm.
Một là: Dân Việt Nam ta còn
yêu thơ nồng nàn và say đắm lắm. Bởi vì thơ là máu thịt và hồn cốt thiêng liêng
của toàn dân tộc từ ngàn xưa. Do đó những giá trị chân chính của thơ ca của cha
ông chúng ta còn sống mãi đến ngày nay. Chừng nào còn dân tộc Việt nam trên mặt
đất này, thì ca dao dân ca và thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ
Xuân Hương… còn sống mãi. Thời thế như thế nào thì sẽ có thơ song hành với nó
như vậy – nhưng vẫn cần đảm bảo tiêu chí là phải hay. Cái hay này phải được tâm
thế chân chính và trong sáng của người Việt Nam cùng thời với sự xuất hiện của
tác phẩm (và đời sau nữa) – chấp nhận và dung nạp nó vào làm tài sản tinh thần
của dân tộc.
Thơ là một thuộc tính tâm hồn thiêng liêng và
hết sức mãnh liệt của người Việt Nam. Do vậy người ta quan tâm đặc biệt tới mọi
động thái, dẫu rằng rất nhỏ mơ hồ đối với ngôi đền thơ thiêng liêng của họ. Và sự
đối chọi quyết liệt của hai quan niệm thơ truyền thống và thơ cách tân – đã làm
bùng nổ sự bức xúc trong lòng người yêu thơ chân chính – cũng là điều dễ hiểu.
Sự quan tâm của bạn đọc, bạn viết đối với thơ như vậy – đó cũng là niềm vinh dự
và hạnh phúc cho người cầm bút. Còn gì buồn hơn khi một tác phẩm thơ tâm huyết,
được thai nghén bao tháng ngày – nay chào đời mà chỉ nhận được cái nhìn dửng
dưng của người đời. Theo tôi nghĩ, dẫu bạn đọc nhỡ có chê thơ mình dở chăng
nữa, thì cũng chẳng nên lấy đó làm buồn. Chỉ nên buồn thoảng qua thôi, vì dù
sao, như vậy là họ có quan tâm đến mình, đọc thơ của mình và mới nhận ra
đó là thơ gì theo cảm nhận của họ. Thời buổi này, nào ti vi, nào chiếu bóng,
nào khiêu vũ… và vô khối các trò chơi quyến rũ khác chi phối khán thính giả. Vì
lẽ đó, có người để mắt tới thơ mình, đã là vui rồi. Người ta chê thơ mình – đó
là sự cảnh tỉnh yêu dấu. Người làm thơ (trong đó có tôi, Triệu Lam Châu) cần
hết sức tỉnh táo và bình tĩnh mà vui vẻ nhận lấy những lời chê yêu dấu ấy, để
phấn đấu nỗ lực hơn nữa. Thể nào rồi ông trời cũng có mắt…
Hai là: Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Việt Nam từ
ngày thành lập đến nay vẫn là những ngôi đền thiêng trong lòng bạn đọc yêu thơ
cả nước và cả bạn bè quốc tế nữa. Suốt mấy chục năm qua hai cơ qua văn học lớn
này đã có những chiến lược lớn và thực hiện những chiến lược ấy có bài bản, có
hệ thống và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong vấn đề gìn giữ và phát
huy những giá trị văn chương cao quý của cha ông chúng ta. Những thành tựu ấy
đã được toàn thể dân tộc và bạn bè quốc tế công nhận. Đó là một niềm tự hào
chính đáng.
Tôi hiểu Ban lãnh đạo ngày nay của hai cơ
quan lớn này rất muốn tạo ra một bước đột phá mới đầy ngoạn mục trong việc sáng
tác văn học nói chung và làm thơ nói riêng. Sự đột phá này chủ yếu nhằm vào sự
cách tân thi pháp thơ. Các vị ấy mong mỏi (và bạn đọc chúng ta cũng mong mỏi
không kém) là sẽ tạo ra một bước ngoặt vĩ đại tương tự như là bước ngoặt 1930 –
1945 với phong trào thơ mới, đã từng có trong lịch sử văn học nước nhà. Đó là
một động cơ hết sức trong sáng và đáng trân trọng vì sự nghiệp chung, sự nghiệp
phát triển văn học nước nhà.
Trước thực trạng rất nhiều nhà thơ làm thơ
theo phong cách truyền thống (chắc là do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là tài
năng hạn chế) – đã công bố những bài thơ mang vị nhạt, không còn nhiều lửa lòng
trong tác phẩm như xưa nữa – Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thơ năm 2011 –
2012 cho những tác giả làm thơ cách tân, với hy vọng tạo ra một phong trào cách
tân thơ – để nền thơ ta hay lên chăng? Ý tưởng ấy thật nhân hậu, thật giàu tinh
thần trách nhiệm! Trước khi nói đến chất lượng của giải thưởng thơ Hội Nhà văn
Việt Nam năm 2011 – 2012, chúng ta cũng cần phải ghi nhận ý tưởng nhân hậu và
giàu tinh thần trách nhiệm ấy của Lãnh đạo Hội.
Ba là: Theo các nhà nghiên cứu, thì trong xã hội ta hiện nay và
cả trong văn học nghệ thuật nữa – đang có sự loạn chuẩn. Những giá trị cách đây
không lâu được tôn vinh, thì nay bị lờ đi, thậm chí bị loại khỏi đời sống của
một số người chạy theo thời thượng. Thí dụ lòng chung thuỷ trong tình yêu đôi
lứa. Từ xưa giá trị này luôn được đề cao trong xã hội ta. Còn bây giờ hẳn dân
chúng vẫn coi lòng chung thuỷ là giá trị thiêng liêng, nhưng trong thơ và trong
nhạc (nhất là của các tác giả trẻ), thậm chí có những câu: Tình yêu đến
ta không mong đợi gì. Tình yêu đi ta không hề nuối tiếc….
Tôi không đi sâu vào nguyên nhân
phát sinh sự loạn chuẩn này. Tôi chỉ muốn nói chúng ta phải ứng xử như thế nào,
để bớt đi sự loạn chuẩn ấy. Hồi xưa đã có chuẩn mực của việc làm thơ, theo tôi
hiểu như sau:
Thơ là thiêng liêng là
tâm huyết và vô cùng cao quý. Chính vì vậy nó rất sang trọng, nó không dung nạp
sự vô văn hoá. Và nhờ vậy, đọc thơ như là sự thanh lọc tâm hồn. Thơ là thuốc bỗ
dưỡng tâm hồn.
Trước tiên hãy làm một
con người tốt và một công dân tốt đã, rồi mới làm thơ. Phải có sự trải nghiệm
cuộc sống sâu xa và có tài năng, có tâm huyết, đồng thời phải lao động nghệ
thuật nghiêm túc – thì mới có cơ hội có thơ hay.
Thơ phải mang những nỗi
niềm của đông đảo dân chúng và của lòng mình.
Do những chuẩn mực cơ
bản như vậy về nội dung, nên hình thức thơ phải làm sao tác động hiệu quả nhất
đến tâm hồn người đọc tri âm. Người đọc sẽ cảm thơ, hiểu thơ, yêu thơ, rồi cuối
cùng là thuộc thơ. Xưa nay thơ hay thường là thơ trong sáng, giản dị, đẹp đẽ và
ngân vọng trong lòng ta như tiếng hát tri âm không bao giờ phai.
Hẳn là còn nhiều chuẩn mực khác nữa của việc
làm thơ, nhưng tôi chỉ nêu khái quát vài điều như vậy theo cách hiểu của mình.
Những giá trị của lối làm thơ theo phong cách
truyền thống, thì đã được khẳng định bằng những tác phẩm tuyệt vời trong quá
khứ. Ai cũng thống nhất điều này. Làm thơ theo phong cách truyền thống, mà để
có thơ hay trong thời đại ngày nay – là điều khó vô cùng. Người làm thơ phải
lao động với một tinh thần nỗ lực khổng lồ trong nhiều năm, nhằm lĩnh hội tương
đối đầy đủ cái vốn của truyền thống để lại – để rồi từ đó kế thừa một cách đắc
đạo nhất. Đổi mới thơ theo kiểu kế thừa như vậy, theo tôi, Triệu Lam Châu, là
một con đường cách tân thơ đúng hướng và chân chính nhất. Và như vậy sản phẩm
thơ theo hướng này vừa mới mẻ lạ lẫm, vừa quen thuộc và hẳn sẽ không có sự bức
xúc của bạn đọc và bạn viết như hai tháng vừa qua.
Công bằng mà nói chúng ta cần ghi nhận sự nỗ
lực đổi mới thơ của các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Đinh Thị như
Thuý… Họ cũng lao động thơ ghê gớm lắm, mới làm ra những vần thơ mới và lạ như
vậy. Chắc chắn họ lao động nghệ thuật cũng không phải là hời hợt đâu. Tôi chưa
khẳng định thơ của mấy nhà thơ này hay hay không hay – mà cứ kiên trì chờ thời
gian và công chúng thẩm định.
Giữa lúc chuẩn mực mới của thơ cách tân, chưa
được hình thành và bám rễ vững chắc trong cảm nhận của người yêu thơ chân chính
ngày nay – thì việc đề cao một cách thái quá, cổ vũ mãnh liệt như là ép trái
chín, để mong có một phong trào thơ cách tân đạt chất lượng sáng láng – đã gây
sốc chính đáng trong lòng bạn đọc. Và nhiều bạn đọc bạn viết phản ứng, cũng lại
là điều dễ hiểu.
Có lẽ chuẩn mực mới chưa thống nhất, chưa
được khẳng định, nên trong tình cảnh bức xúc đối chọi mãnh liệt giữa hai quan
niệm thơ truyền thống và thơ cách tân như vậy – mà vẫn chưa có những bài viết
phê bình thuyết phục để nêu lên cái tinh hoa của thơ cách tân của mấy nhà thơ
trên đây chăng?
Tôi không bàn đến những bài viết không mấy
thuyết phục nhằm đề cao thơ cách tân vừa qua. Tôi chỉ xin nói đôi lời về những
bài viết tỏ ra băn khoăn, chưa thống nhất với chất lượng của giải thưởng thơ
năm 2011 – 2012 của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho Mai Văn Phấn, Đinh Thị như
Thuý và Đỗ Doãn Phương…(Nhà thơ Từ Quốc Hoà cũng nhận giải kỳ này. Nhưng có lẽ
thơ ông cách tân đúng hướng theo lối kế thừa truyền thống, nên dễ được
bạn đọc chấp nhận).
Sau khi giải thưởng thơ năm 2011 – 2012 của
Hội Nhà văn Việt Nam được công bố, thì liền có ngay một số bài viết về chất
lượng của giải này. Tôi xin điểm lại một số bài đáng chú ý như sau: Nhìn
lại giải thưởng thơ 2011 ( của ông Đỗ Ngọc Yên), Sao Hội Nhà văn Việt Nam lại
hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài (nhà thơ Trần mạnh Hảo), “Hoan ca” của Đỗ
Doãn Phương làm hỏng tiếng Việt và thơ Việt (nhà thơ Đỗ Hoàng), Lạm phát thơ và
cố trao giải cho thơ (nhà văn Nguyễn Hiếu), Trường hợp Đỗ Doãn Phương, khen quá
lời (nhà thơ Nguyễn Hữu Quý).
Tôi thấy bài viết của ông Đỗ Ngọc Yên khi
nhìn lại giải thưởng thơ 2011 là hết sức dè dặt và chừng mực, song vẫn toát lên
một sự băn khoăn về chất lượng của giải.
Còn các bài viết của các nhà thơ Trần Mạnh
Hảo, Đỗ Hoàng và bài của nhà văn Nguyễn Hiếu thì phản đối kịch liệt, có lúc đến
mức cực đoan, khi Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thơ 2011 – 2012 cho các tác
giả Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thuý, Đỗ Doãn Phương… Họ coi đó là thơ chất
lượng kém, là lạm phát thơ, thậm chí không phải là thơ… Chính vì do việc Hội
Nhà văn Việt Nam trao giải thơ năm 2011 – 2012 cho các tác giả trên, mà Trần
Mạnh Hảo bức xúc quá và viết lên rằng “ Sao Hội Nhà văn Việt Nam lại hè
nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài (nhà thơ Trần mạnh Hảo)”
Dẫu lời lẽ trong các bài viết trên nhiều khi
rất căng thẳng và khó nghe, nhưng rõ ràng các tác giả đều có một mong muốn
trong sáng và chính đáng. Đó là thơ được trao giải thưởng của một Ngôi đền văn
học lớn và thiêng liêng như Hội Nhà văn Việt Nam – thì thơ đó phải hay và phải
được mọi người công nhận. Các tác giả các bài viết trên coi thơ cách tân còn
đang ở dạng thể nghiệm, chưa được thẩm định của công chúng và thời gian – là
thơ không hay, thậm chí không phải là thơ.
Viết đến đây tôi lại chạnh buồn, buồn vô hạn.
Vì sao vậy? Việc trao giải thưởng thơ hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, là một
công việc lớn và hệ trọng, vì chất lượng của giải thơ sẽ mang tính định hướng
cho sáng tác và tác động trực tiếp đến tâm hồn yêu thơ của cả một dân tộc. Vấn
đề lớn như vậy, thế mà nằm ngoài tai những nhà thơ đã được Đảng, nhà nước và xã
hội tôn vinh (vì những thành tựu của họ trong quá trình sáng tác). Đó là những
nhà thơ lão thành đã trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc trong thế
kỷ 20. Đó là những nhà thơ đã nhận giải thưởng Hồ chí Minh và giải thưởng nhà
nước về văn học nghệ thuật. Những vị ấy thật sự có uy tín trong văn giới và
trong xã hội. Tôi và bạn đọc cầu mong những vị này lên tiếng về chất lượng giải
thơ năm 2011 – 2012 của Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu thơ hay, thì các vị cần phân
tích rõ ràng cho bạn đọc thấy và coi đó là một chuẩn mực mới. Nếu thơ chưa hay,
thì bằng kinh nghiệm dồi dào của mình, các vị cũng cần cho ý kiến định hướng đi
ra sao?...
Cá nhân tôi thấy nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà
thơ Đỗ Hoàng và nhà văn Nguyễn Hiếu tâm đắc và có trách nhiệm vô cùng với sự
phát triển đúng hướng của thơ – nên các vị ấy mới cầm bút viết những bài như
trên.
Tôi muốn bạn đọc lưu ý thêm bài viết có tình,
có lý của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Anh viết có tâm huyết, có lý luận thuyết phục
về cái được và chưa được trong thơ Đỗ Doãn Phương (Trường hợp Đỗ Doãn
Phương, khen quá lời). Lời văn trong bài viết của nhà thơ Nguyễn hữu Quý
chừng mục, điềm đạm, thuyết phục người đọc bằng chân lý là chủ yếu, chứ không
phải bằng nỗi bức xúc có thật của mình. Dẫu tôi biết Nguyễn Hữu Quý cũng bức
xúc lắm với chất lượng của giải thơ 2011 – 2012. Song anh vẫn bình tĩnh viết “Tôi
cũng không xếp được thơ anh. Đỗ Doãn Phương không có cái dòng mạch cuồng nhiệt
mê đắm của Vi Thùy Linh, không có cái tinh tế kiệm lời của Phan Huyền Thư,
không có cái liên tưởng phong phú của Nguyễn Phan Quế Mai, không có cái ngồ ngộ
của Du Nguyên, không có những vòng đồng tâm trong thơ như Nguyễn Quang Hưng,
không có sự bung mở tươi mới của Lữ Thị Mai…Thơ Đỗ Doãn Phương chất nghĩ nhiều
quá, lại khô khan, thiếu sự khám phá tươi tắn của tuổi trẻ.
Xin nhắc lại, tôi thích
bài Ngày cô mất của Đỗ Doãn Phương. Một bài thơ tình ý quyện vào
nhau, tự nhiên, chân thật, không cao giọng triết luận mà người ta vẫn nhận ra
cái đẹp của cuộc sống, của con người qua mối quan hệ sinh-tử…Chỉ thế thôi. Và,
tôi hy vọng anh sớm quên đi giải thưởng vừa được nhận của Hội Nhà văn Việt Nam
để có những tác phẩm hay”.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý viết như vậy là thoả
đáng. Riêng cái ý anh hy vọng Đỗ Doãn Phương sớm quên đi giải thưởng
vừa được nhận của Hội Nhà văn Việt Nam – nghe sao mà cay đắng và chua
xót thế? Vị cay đắng và chua xót này, hẳn còn dai dẳng đeo bám lòng người yêu
thơ chân chính trong một thời gian dài nữa.
Rồi sự kiện Viện Văn học tổ chức Hội thảo
“Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” ngày 28 tháng 6 vừa qua, tính đến
thời điểm này (ngày 12 tháng 7) – đã có những bài viết đáng chú ý như
sau: Nguyễn Quang Thiều đá phản lưới nhà (nhà văn, dịch giả PhạmViết
Đào), Hội thảo thơ hay là thổi kèm đám ma nền thi ca Việt Nam (Nguyễn Đình
Chúc), Thơ du dương hay tụng ca du dương (nhà thơ Nguyễn hữu Quý).
Hai bài viết của nhà văn, dịch giả Phạm Viết
Đào và của ông Nguyễn Đình Chúc chỉ chăm chăm soi vào những nét hạn chế của thơ
Nguyễn Quang Thiều. Còn bài viết của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý lại một lần nữa thể
hiện cái cái tâm sáng của mình đối với thơ. Ông viết như sau: “…Thơ Thiều có
những hình ảnh lạnhư: Sông gục mặt vào bờ đất lần đi…, những sự liên
tưởng độc như: Những con cá thiêng quay mặt khóc/ Những chiếc
phao ngô chết nổi hoặc ý tưởng thâm thúy: Và cá thiêng lại quay mặt
khóc/ Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi…Ghi nhận Nguyễn Quang Thiều, theo
tôi, là ở những chỗ đấy chứ không phải là sự chối bỏ, khước từ sự véo von
nhễ nhại, du dương tội nghiệp như ai đã nói.
Tôi nhớ Hữu Thỉnh có
những bài thơ, câu thơ giàu nhạc tính và nhờ thế mà nó được nhiều người nhớ,
nhiều người thuộc, nhiều người thích. Bài Phan Thiết có anh tôi tràn
ngập sự đớn đau da diết là một ví dụ rõ ràng về điều tôi vừa nói hay câu thơ
này cũng vậy: Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường níu
chiếu đợi anh. Cái sự ngân rung vang vọng trong câu thơ ấy đã rọi chiếu
vào nỗi xót xa, nhẫn nhịn thăm thẳm và sức chịu đựng kỳ vỹ của con người Việt
Nam. Nếu cũng cái ý ấy, cảm xúc ấy mà viết như thế này: “Hai mươi năm, ba mươi
năm, bốn mươi năm, đời người trải qua bao cuộc chiến chinh / Những người đàn bà
đất nước tôi níu chiếu, níu giường đợi người trở lại” thì chắc ai cũng bĩu môi
chê dỡ. Sẽ là vụng về biết bao khi câu thơ này của Trần Đăng Khoa: Mái
gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương bị biến
thành: “Mái gianh ơi, mái gianh hỡi, ngấm bao nhiêu mưa, ngấm bao nhiêu nắng/
Mà thành quê hương tôi”…Tuy nhiên, là nhà thơ có nghề không ai viết như thế cả.( Thơ du dương hay tụng ca du dương - nhà thơ Nguyễn hữu
Quý).
Tóm lại sở dĩ có sự bùng nổ đến mức cao trào
đối chọi nhau của hai quan niệm về thơ truyền thống và thơ cách tân, là do chưa
có sự thống nhất về các chuẩn mực của việc làm thơ cách tân hiện nay.
Bốn là: Trước sự bùng nổ bức xúc không nên có như trên của bạn
đọc và bạn viết đối với giải thưởng thơ năm 2011 – 2012 của Hội Nhà văn Việt
Nam, tôi xin mạo muội đề xuất một phương án thực hiện mới, để sang năm đến mùa
trao giải thơ thì tránh lặp lại việc đáng tiếc vừa qua.
Ngày từ bây giờ (tháng 7 năm 2012) Hội đồng
thơ Hội Nhà văn Việt Nam cần thông báo ngay cho mọi tác giả có thơ thì gửi đến
Hội để dự giải. Những tác phẩm lọt qua vòng sơ khảo và chung khảo của Hội, thì
phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, để mọi
người yêu thơ biết và tìm đọc. Dịp đó cũng công bố luôn dự định của Ban chung
khảo sẽ trao giải cho những tác phẩm thơ nào, kèm theo những nhận xét đánh giá
của Ban chung khảo về những tác phẩm dự định trao giải ấy.
Đồng thời Hội Nhà văn Việt Nam cần thành lập
một Ban tiếp nhận ý kiến phản hồi của bạn đọc về những tác phẩm thơ dự định sẽ
được trao giải. Các ý kiến phản hồi có trách nhiệm sẽ được báo cáo tổng kết chu
đáo và dựa vào đó Ban chung khảo xem xét lại dự định trao giải đã công bố của
mình, để quyết định lại cho thuận lòng người, thuận với chất lượng của
giải thơ cần trao.
Theo thiển nghĩ của tôi, nếu làm được như
vậy, thì đến mùa giải thơ sang năm 2013 hẳn sẽ không có sự bùng nổ bức xúc đến
mức cao trào không đáng có như mùa trao giải năm 2012 này. Mong mỏi lắm thay.
Tuy Hoà, chiều 12 tháng
7 năm 2012
T.L.C
(http://phongdiep.net)