image advertisement
image advertisement





























 

Trạng nguyên thơ, hay là Trạng... nguyên hình? (nhận định) - Trần Mạnh Hảo

Trạng nguyên thơ, hay là Trạng... nguyên hình?


 

Trần Mạnh Hảo

 

Hiện nay, trên các diễn đàn văn học, chúng tôi thấy sự loạn chuẩn, sự đánh tráo khái niệm giữa thơ và phi thơ, giữa hay và dở, giữa thật và giả đang khống chế văn đàn. Các giá trị giả lên ngôi, các trạng nguyên giả lên ngôi. Vài chục năm nay, có hàng trăm cuộc thi thơ trên phạm vi cả nước, ai được giải nhất đều được báo chí tùy tiện gọi là trạng nguyên thơ; ví dụ: trạng nguyên thơ Làng Chùa, trạng nguyên thơ Lá Trầu, trạng nguyên thơ quân đội, trạng nguyên thơ Lá Mít, trạng nguyên thơ Lá Môn… Các giải thưởng nhà nước có trạng nguyên thơ nhà nước, trạng nguyên thơ Hồ Chí Minh, trạng nguyên thơ hội nhà văn, trạng nguyên thơ Bách Việt… Thậm chí 62 tỉnh thành đều có mấy trăm cuộc thi thơ trong hai mươi năm nay, các giải nhất đều được báo chí tôn vinh lên là trạng nguyên thơ…

 

Như vậy, sự lạm phát trạng nguyên thơ đã khủng khiếp hơn cả sự lạm phát của đồng tiền Việt Nam… Cứ đà này, biết đâu người ta lại tôn vinh ông lớn này, bà lớn nọ là trạng nguyên tham nhũng chăng? Xem ra, với cái đà xóa mù tiến sĩ do Ủy Ban nhân dân thành phố Hà Nội phát động: cán bộ công nhân viên trăm phần trăm sẽ đều có học vị tiến sĩ đến năm 2015, chắc Hội nhà văn Việt Nam cũng đang phấn đấu mấy năm nữa, hội sẽ xóa mù trạng nguyên thơ cho hàng vạn người làm thơ trong nước chăng?

 

Nếu chúng ta vào trang mạng http://google.com, rồi đánh vào mấy chữ: trạng nguyên thơ năm 2010-2011 sẽ hiện ra bốn vị trạng nguyên thơ được báo chí cuồng nhiệt phong là các trạng nguyên: trạng nguyên thơ Mai Văn Phấn với tác phẩm “Bầu trời không mái che”, trạng nguyên thơ Đỗ Doãn Phương với tác phẩm“Hoan ca”, trạng nguyên thơ Đinh Thị Như Thúy với tác phẩm: “Ngày linh dương nở sáng”, trạng nguyên thơ Từ Quốc Hoài với tác phẩm “Sóng và khoảng lặng”

 

Xin quý vị đánh tên bốn vị trạng nguyên thơ này lên trang tìm kiếm http://google.com sẽ thấy hiện ra hàng trăm bài khen ngợi rất kinh hãi và đao to búa lớn. Tất nhiên, cũng có một số bài chê bốn vị trạng nguyên này là trạng nguyên dỏm, trạng nguyên bịp vì thơ của họ không phải là thơ vì nó thiếu hàm súc, thiếu hình tượng, thiếu cấu tứ, thiếu tư tưởng, dễ dãi, linh tinh lang tang và quan trọng là nó thiếu nghệ thuật, tức nó không hay.

 

Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, trong http://lethieunhon.com đã coi hai tập thơ được giải Hội nhà văn VN năm 2011: “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương và “Ngày linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như Thúy là hai tập thơ làng nhàng, nếu không nói là thơ dở, như sau:

 

“Nhìn lại giải thưởng thơ 2011”: “Theo ý kiến của nhiều người, Hoan ca và Ngày linh hương nở sáng là 2 tập thơ có một số bài đọc được, còn lại phần lớn chỉ ở mức trung bình, thậm chí có những bài chưa thể xếp vào thơ được, xét trên mọi khía cạnh. Còn nhà thơ Đỗ Hoàng thì gọi đây là 2 tập thơ “vô lối”.

 

Sự “vô lối” đầu tiên thể hiện ở chỗ là cả hai tập thơ không hề có bất cứ một cảm quan gì mới về thực tại, dù chỉ là mô tả về những điều mắt thấy tai nghe bằng ngôn ngữ thi ca hoặc những suy tư triết học. Vẫn là cách chối bỏ thực tại, chối bỏ những “lẽ phải thông thường”, chối bỏ cái không thể chối bỏ được bằng một lối nói dễ dãi, không hề có xúc cảm từ phía chủ thể, cũng không có hình thức thể hiện mới lạ, nên rất khó để có thể truyền dẫn cái hồn của thơ đến với công chúng: Đột nhiên không muốn trồng chuối/ Cũng bỏ nốt trồng màu/ Nơi này không cuốc cày vun xới/ Bằng phẳng dải đất ven đê/ Chiều, sau khi trẻ đá bóng/ Đất bằng ngửa mặt mênh mông/ Đón nỗi trống không/ Bằng bầu trời (Đỗ Doãn Phương - Bãi đất ven đê). Điều đáng nói là những bài thơ theo lối trẻ em “tập viết” như thế này trong Hoan ca của Đỗ Doãn Phương rất phổ biến. Ngay ở bài Hoan ca về đất được coi là bài “đinh” trong tập thơ của anh, ta vẫn thấy sự dễ dãi đến lạ thường: “... Hoa cỏ, gạch đá, bãi rác, hàng cây, hồ ao và xa xa dãy núi/ Đâu là nơi đất đai sẽ bị đào lên khiến mạch nước đứt tung tứa máu/ Đâu là nơi mặt đất sẽ mở ra và mím thắt lại/ Đâu là nơi cốt nhục ta sẽ hóa đất đời đời?,...” 

 

Có thể nói, ở bài thơ này, người thơ thấy gì nói ấy, không cần chắt lọc, chưng cất, càng không cần sự tham gia của xúc cảm thẩm mỹ, mà chỉ là một lối nói huỵch toẹt cho xong. Vậy mà không ít người lại cho rằng đấy đích thị là những bài thơ có sự “sáng tạo” (!?). 

 

Sự dễ dãi theo kiểu này có vẻ như thưa vắng hơn ở Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy. Nhưng cái mà có người gọi sự “điệp” trong thơ Như Thúy dường như đã bị người thơ này sử dụng một cách bừa phứa đến mức trở thành lạm dụng, khiến người đọc chỉ có thể cảm nhận được hoặc là Như Thúy cố tình tạo nên một phong cách thơ “độc đáo” cho riêng mình, mà không ý thức được rằng sự độc đáo quá đà chỉ cách sự lập dị chưa đầy một sợi chỉ, hoặc là chị thiếu vốn từ, nên buộc phải diễn đạt như vậy. Ta hãy đọc bài Và bản nhạc ấy để kiểm chứng: “...Và đêm tối/ Và thời khắc ấy/ Và bản nhạc ấy/ Và cánh cửa ấy/ Đã mở/.../ Và gió đã thổi qua những ống xương rỗng tuếch/ Những ống xương lạnh tê buốt nhức/ Những mỏi mê đã dìu dặt vang ngân/ Và sóng đã từng đợt man dại tràn dâng/ Và gió đã thổi qua những ống xương rỗng tuếch/ Những ống xương lạnh tê buốt nhức/ Những mỏi mê đã dìu dặt vang ngân/.../ Và hải âu với những tiếng kêu sắc nhọn/... 

 

Xin miễn bàn về nội dung cũng như hình thức thể hiện của bài thơ trên. Chỉ biết rằng, trong một bài thơ mà có vô số từ lặp lại, từ nào ít cũng là 2 lần, nhiều có tới cả chục lần, thậm chí trong một câu thơ có từ lặp lại đến 3 lần, mà chẳng hề nói lên điều gì, cũng như không tạo thêm được mảy may một chút xúc cảm thẩm mỹ cho hình tượng thơ, ngược lại chỉ khiến người đọc cảm thấy mệt mỏi vì sự “vô lối” của tác giả. 

 

Tôi thật sự khó hiểu những bài thơ như vậy lại được khá nhiều người tán dương sự “sáng tạo” và cho rằng đấy là đại diện cho xu hướng thơ trẻ Việt đương đại. Chẳng lẽ thơ trẻ Việt đương đại chỉ có mỗi một con đường là đi vào ngõ cụt của sự dễ dãi và lặp lại, hay là sự cố tình “rối rắm hóa” đến mức tắc tị khiến ai đó ngộ nhận rằng đấy mới chính là sự “cách tân” đích thực của thơ Việt đương đại?” (hết trích) http://lethieunhon.com/read.php/5752.htm

 

Nhà văn Nguyễn Hiếu trong bài: “Nhà nước nên "đầu tư" cho Hội nhà văn VN lập "Trại cai nghiện thơ" để chặn "Lạm phát thơ" trênhttp://phamvietdao2.blogspot.com có đoạn phê bình tập thơ được giải thưởng Hội nhà văn VN “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn là một tập thơ dở, như sau:

 

“Tôi chỉ hơi lạ trong văn xuôi Nguyễn Quang Thiều có những cách viết có cảm hứng hướng về làng quê thôn dã (tiêu biểu là truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông")... Thế nhưng trong thơ để coi như một sự cách tân Thiều lại hướng ngoại, tìm đến sự mô phỏng thơ nước ngoài. Hơn hai hai mươi năm sau, Mai Văn Phấn lại rập lại cách đi đó của đàn anh. Điều này cắt nghĩa vì sao hai ông nhà thơ chủ soái Hội nhà văn bỗng nhiên lại tán tụng thơ Mai Văn Phấn và kéo theo hàng đống các vị một là theo voi ăn bã mía, hai là sợ mình bị đánh giá là ngu dốt khi không tán dương thơ Mai Văn Phấn theo kiểu Trạng Quỳnh đã từng diễu "mả mẹ thằng nào bảo thằng nào"

 

Ngôn ngữ, tư duy của người Việt ta khác hẳn ngôn ngữ, cách tư duy nước ngoài. Vậy mà Nguyễn Quang Thiều và nay Mai Văn Phấn lại tung ra những đoạn chữ mà người ta gọi là thơ cùng những suy nghĩ gần như rập lại các nói cách, tư duy của người nước ngoài cụ thể là tư duy của dân đất mới châu Mỹ. Trong suy nghĩ người Việt rất kiêng kị khi nói về quạ (quan điểm cổ xưa đó là loài chuyên mang điều gở) nay Mai Văn Phấn lại mô phỏng cách nghĩ nước ngoài cũng nói về con quạ với những câu gọi là thơ giống như thơ dịch, với kiểu tư duy và cách đặt câu xa lạ với ngôn ngữ, tư duy truyền thống của người đọc xứ ta kiểu “Con cá nhẩy vào đám mây tự vẫn (Biến tấu con quạ); Rồi lảm nhảm, loằng ngoằng nói về mái nhà như một người đang học nói tiếng Việt: "Thùng rác quay mắc phải khung ảnh, quạt trần, dây điện thoại. Chiếc quần lót mặc kẹt giữa tủ bát đĩa và máy tập thể hình. Chổi cùn, bình diệt muỗi, đĩa CD chui vào tủ lạnh …"(Chạy theo mái nhà). Trời ạ, thế mà người ta dám gọi là thơ thì thật là liều...” “…Trở lại thơ Mai Văn Phấn, để chứng minh thơ Mai Văn Phấn là hiện tượng đổi mới thơ ca, Hội nhà văn không ngần ngại tiến hành một loạt hoạt động để ghi nhận hiện tượng này. Làm hội thảo rồi trao giải thưởng cho Mai Văn Phấn và trao giải cho các cây bút trẻ có lối viết hao hao như Mai Văn Phấn như Đỗ Doãn Phương. Xin lấy mấy câu mà người ta cố gọi là thơ của cây bút trẻ này: “Bây giờ là quãng đường dài nhất / mọi người giúp cô tiền đò, tiền đường / và bắc những cây cầu bằng vải đỏ /hát những câu an ủi dặn dò… / khắc ghi vào đầu khuôn mặt già nua của cô để từ nay nhớ hoặc sợ” (Thăm vườn nhà cũ). Tôi có cảm thấy một chu kì đã thành qui luật là: mỗi khi người ta tôn vinh thứ thơ lai căng này thì cũng là lúc các nhà thơ của ta đang đi vào bế tắc cả trong tư tưởng và cách biểu hiện. Thơ Mai Văn Phấn và một số tập thơ nhận giải thưởng của Hội nhà văn năm 2011 không chỉ là những ví dụ cho sự bế tắc mà còn vô tình tạo ra một thứ sai lầm khi làm hỏng thẩm mỹ về thơ của người đọc Việt Nam, làm rối ngôn ngữ nước ta trong khi đáng ra với chức phận nhà thơ phải làm cho ngôn ngữ này ngày càng đẹp hơn, dân tộc và trong sáng hơn. Khi viết đến thơ Mai Văn Phấn tôi tự nhiên lại nghĩ đến đề xuất về thu phí phượng tiện giao thông cá nhân của ông BT Đinh La Thăng vừa vô lý, cửa quyền, tai hại đến đời sống người dân đến bao nhiêu. Hiện tượng này vô tình hao hao giống với sự Hội nhà văn cố cưỡng thiên hạ phải công nhận thơ Mai Văn Phấn và một số nhà thơ trẻ đang viết một cách lai căng được công nhận là thành tựu của nền thơ Việt Nam đương đại.” (hết trích) http://phamvietdao2.blogspot.com/2012/06/nha-nuoc-au-tu-cho-hoi-nha-van-vn-lap.html#more

 

Cứ đà này, thiên hạ sẽ mô phỏng lối thơ dễ dãi, cung quăng cùng quằng, lung tung lang tang rồi đeo cho nó thứ mặt nạ hậu hiện đại, hậu hậu tương lai, thi thi hậu đậu… này mà sản xuất mỗi người mỗi ngày năm bảy tập thơ, tạm gọi là thơ trạng nguyên, thì than ôi, nước nhà có thể phải đổi tên là nước cộng hòa xã hội trạng nguyên mất thôi.

 

Hãy xem một trong bốn vị trạng nguyên đáng kính trên sau khi giật giải trạng nguyên thơ hội nhà văn, đã giật luôn giải trạng nguyên thơ Làng Chùa, được các web, các blog thi nhau ca ngợi trên Internet, ví như mạng Văn chương + quảng cáo và trích gần hết tác phẩm dài gần như vô tận của nữ trạng nguyên ăn cú đúp, như sau: 

 

“NHÀ THƠ ĐINH THỊ NHƯ THÚY – TRẠNG NGUYÊN GIẢI THƯỞNG THƠ LÀNG CHÙA VÀ TRƯỜNG CA “NƠI NGÀY ĐÔNG GIÓ THỔI” 

 

Vừa ẵm giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy lại chơi thêm cái giải trạng nguyên thơ làng Chùa nữa. Nhưng là làng thơ được cả nước biết tên tuổi. Quả là phúc trùng lai. Cái làng này lạ, tổ chức thi thơ mà đến cả Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều về làm thư ký thơ làng. 

 

Ban Giám Khảo thì toàn cây đa, cây đề như Viện trưởng Viện văn học Nguyễn Đăng Điệp, Phó GĐ Nxb Hội Nhà văn Trần Quang Quý, nhà thơ Mai Văn Phấn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội - Dương Kiều Minh, rồi nhà thơ Y Phương... nhìn vào BGK mà suy ra kết quả giải thưởng cuộc thi. Giải làng mà quy tụ được quá nhiều anh hùng và giai nhân về chơi hội. Sáng nay 9h ngày 17/3/2012, tại Làng Chùa, Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội diễn ra Lễ trao giải thơ rất độc đáo này. Trân trọng giới thiệu, bài thơ đoạt giải nhất của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy với bạn đọc. (Văn chương +)

 

Nơi ngày đông gió thổi (trích thơ Đinh Thị Như Thúy)

 

 

T.M.H

 

(https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com)

 

BÀI KHÁC
1 2 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị