image advertisement
image advertisement





























 

Viện Kinh tế, Viện Thổ nhưỡng, Viện Chăn nuôi, Viện Văn học và Viện Đánh thơ* (trao đổi) - Văn Chinh

Viện Kinh tế, Viện Thổ nhưỡng, Viện Chăn nuôi, Viện Văn học và Viện Đánh thơ*


 

 

Văn Chinh

 

 

NVTPHCM- Trần Đăng Khoa cũng thừa nhận sự quá đáng của Trần Mạnh Hảo mà tôi gọi là cú đánh vỗ mặt Cái Đẹp, khi bảo đấy là những câu thơ dâm nhưng an ủi tôi rằng, ông không địch nổi Trần Mạnh Hảo đâu, lão ấy một ngày viết mấy nghìn chữ, in bài của ông, lão ấy lại viết một bài như thế nữa, không in không được, mà in thì Văn Nghệ Quân Đội thành ra tạp chí đánh nhau à. Tôi thôi. Nhưng hóa ra tôi bị ông Khoa dùng kế rút củi đáy nồi…

 

Quan sát Trần Mạnh Hảo gần 30 năm qua, tôi thấy một chuyển động brown đã làm nên sự nổi tiếng mang tên “Hiện tượng Trần Mạnh Hảo” được họa sĩ CHÓE (không biết tôi nhớ có đúng không, hay là ai) đã biếm họa thành Trần Mạnh Hảo (TMH) với con dao to bự đang sắp phang ai đó. Tôi đọc bài của TMH nói thơ Lê Đạt là thơ dâm, bài ấy do Trần Đăng Khoa biên tập, in trên Văn Nghệ Quân Đội. Những câu thơ dâm TMH trích:

 

Yếm trúc mẩy măng đôi núm sừng bò
Và:
Một ngôi sao mới lớn
mải gương mơ kỳ thi hoa hậu
Sơ ý lăn tùm giếng
(…) niềm trần
Lấp lánh


Tôi có viết bài tranh luận lại nhưng không được đăng. Trần Đăng Khoa cũng thừa nhận sự quá đáng của TMH mà tôi gọi là cú đánh vỗ mặt Cái Đẹp, khi bảo đấy là những câu thơ dâm nhưng an ủi tôi rằng, ông không địch nổi TMH đâu, lão ấy một ngày viết mấy nghìn chữ, in bài của ông, lão ấy lại viết một bài như thế nữa, không in không được, mà in thì Văn Nghệ Quân Đội thành ra tạp chí đánh nhau à. Tôi thôi.


Nhưng hóa ra tôi bị ông Khoa dùng kế rút củi đáy nồi.


Vì sau đấy, Trần Đăng Khoa (TĐK) cũng đánh vỗ mặt Thơ Hay, là khi ông Khoa bảo thơ Nguyễn Quang Thiều là thơ Tây gỗ. Đó là khi TĐK nói về những câu thơ sau đây, trích từ bài Trên đại lộ:


Những chiếc dậm đan bằng tre trên vai họ như những vầng trăng khuyết vớt từ bùn lên
Những cái giỏ bên hông như những cái đầu trọc lắc lư theo nhịp bước
Bóng họ đổ xuống đường thành những vũng đen
 Họ lắc lư đi như đội quân thất trận
Cán dậm chúi xuống mặt đường. Những nòng súng hết đạn
Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng rã đám
Vẩy cá bám trên áo họ lấp lánh như những tấm huân chương
Họ chẳng cần tung hô, cũng chẳng đợi đón chào

Như mây trước cơn giông trôi nặng nề, oi bức
Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ 

Dăm năm trước, Nguyễn Quang Thiều đã viết khoảng mười bài báo xung quanh số phận những người nông dân mất đất, cái làng quê yên ả của họ đã bị lấy đi làm đại lộ, làm đô thị hóa và làm công nghiệp hóa. Tôi có đọc cả, có khoảng dăm ba bài đăng ở lethieunhon.com, nhưng không lấy bài nào về trang nhà, cũng không lấy về cho vanvn.net, với tôi, 30.000 chữ của mươi bài báo ấy, không gây ám ảnh, không thể có hiệu ứng thẩm mỹ xã hội bằng khoảng 100 chữ vừa dẫn, từ cái mà Trần Đăng Khoa bảo là cái nhìn Tây gỗ. 


Nhưng cái điều khiến tôi cảm thấy mình bị Khoa lừa nó chỉ hiển hiện khi Trần Manh Hảo đánh tập Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều. Nó y hệt giọng Trần Đăng Khoa, giời ạ. Chỉ có không coi thơ là cái thá gì, chỉ có không thấu cảm trước mọi biến thiên nó đẩy người nông dân về phía cơ hàn, đi khép nép về bên phải sát mép đại lộ và chỉ có vô cảm trước đứa con tận hiếu của làng quê cứ khư khư một tình yêu cố hương mới đủ sức cơ bắp/ tâm đánh vỗ mặt những câu thơ vừa dẫn/ và đây nữa:


Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi


Đấy là kiếp sau. Còn là nhà thơ, bất cứ một nhà thơ tử tế nào, cũng không được phép để ngọn lửa lịm đi, ngủ đi trước một dự cảm bi thương nhường ấy.


Vâng, động cơ đánh thơ cách tân có thể không phải như vậy, và tôi cũng mong muốn nó không phải như vậy. Vì, trên thực tế, nhị vị thi gia họ Trần vẫn nói rất hay khi nhân danh nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Cho nên tôi chỉ có thể đoan quyết nó có lợi ích nhóm trong động cơ. (Xin xem lời dẫn cho bài của Đặng Thân trên vanchinh.net**)


Gần đây cái chuyển động brown – Trần Mạnh Hảo có chiều tăng tốc. Năm 1993 -94 TMH đánh thơ. Cỡ 10 năm liền sau đó, TMH đánh giáo sư. Từ năm bị Đỗ Minh Tuấn đặt cho cái tục danh rất khó gọi, TMH bèn nghỉ, ra cái chiều làm ơn để trong nước được yên, xuất khẩu đánh nhau ra nước ngoài trên talawas, Gió O, Tiền Vệ… bây giờ lại quay về đánh thơ và đánh Tiến sĩ. Để cắt nghĩa hiện tượng TMH, tôi phải vận dụng một tiến bộ khoa học như sau: Trong chuyển động brown, nếu nâng lượng hạt cầu lên ngang bằng lượng chất lỏng, thì hạt có thể “ghi nhớ” được chuyển động trước đó của chúng. Như nhìn lâu vào cái lộn xộn, ta quen dần và chẳng những hết sợ, ta còn nghe nhìn được quy luật chuyển động của sự lộn xộn từng làm ta hoảng sợ ấy. 
Ví dụ: Như bạn đã biết, thập kỷ 80 (XX) thiếu đói lưu cữu, chúng ta có bất công người ngay sợ kẻ cắp. Vì sợ bị trả thù nên làm ngơ khi nó móc túi người bên cạnh, để rồi cuối chót, nó móc túi minh. Khi đánh các giáo sư, TMH in bài trên Văn Nghệ. Khi đánh các nhà lý luận nhăm nhe bàn về cách tân thơ, TMH in bài trên Văn Nghệ. Khi đánh thơ của nguyên tổng biên tập Văn Nghệ, TMH in bài trên lethieunhon.com và đánh tiến sĩ trên Bà Đầm Xòe của Đỗ Hoàng - cái người từng đòi đẻ lại đứa con tinh thần của người khác. Khi người cuối chót bị móc túi, theo lý thuyết chuyển động brown cũ, tôi đoán rằng không còn đất để con dao trong tay TMH có đất múa. Hóa ra không. Sự khát nổi tiếng vẫn “ghi nhớ” được đường đi của chúng và chúng đã gặp nhau. Vâng, đây là thời ca sỹ trắng trợn xin các bạn một tràng pháo tay đã thành mốt, xin các bạn click chuột bầu chọn cho mình là ca sỹ được yêu thích nhất, và nhớ ném đá vào ca sỹ chân tài khác.
Do quan sát Trần Mạnh Hảo lâu đến thế, tôi “học lỏm” được vài chiêu. Xin mượn để hầu chuyện ông:


Ông TMH chê Viện Văn học là dốt chữ, muốn không dốt chữ thì phải thêm chữ nghiên cứu vào đằng trước chữ Văn học. OK, ta gọi chân lý này là A. Vậy nếu chân lý là A thì Viện Thổ nhưỡng cũng dốt chữ. Theo Đại từ điển Đế Quốc, thổ nhưỡng là nơi sinh trưởng thích hợp hay không thích hợp cho một giống cây nào đó. Vậy Viện Thổ nhưỡng cần thêm chữ nghiên cứu. Và vì chân lý là A nên Viện Kinh tế Việt Nam cũng dốt chữ. A đã nói, Kinh tế - nguyên nghĩa là người có tài kinh bang tế thế, nghĩa hiện giờ là sáng tạo ra tiền của cơm gạo, vậy Viện Kinh tế là viện làm ra tiền của thóc gạo ư, dốt chữ. Viện Chăn nuôi cũng dốt chữ. Đại từ điển Độc Tài nói, chăn nuôi là một nghề sáng tạo ra thịt gia súc gia cầm để con dao Trần Mạnh Hảo có đất dụng võ, vậy cần thêm chữ nghiên cứu mới không bị coi là dốt. Vì chơi với TMH 30 năm nay, tôi đánh liều cãi ông:


  - Thưa ông, vậy chữ viện có nghĩa gì?


  - À, nó gần nghĩa với Trung tâm Văn học và cuộc sống của nhà thơ Đỗ Hoàng, dốt, có thế mà cũng phải hỏi.


  - Vâng thế trung tâm là gì?


  - Là nơi người ta nghiên cứu, nó cũng như là viện ấy. Dốt, có thế mà cũng phải hỏi.


  - Thì dốt mới phải hỏi. Lâu nay, tôi lại cứ tưởng đã Viện thì hẳn nhiên là để nghiên cứu rồi, nhưng như ông đã nói ở chân lý A, mà ông đã nói thì sao có thể sai được, vậy thì viện của chúng ta, Viện Đánh thơ cũng cần thêm hai chữ nghiên cứu chứ ạ?


  TMH vỗ vai tôi, khen:


  - Thằng này khá, đúng là gần đèn thì sáng.


  Được khen sướng, bèn có thơ rằng:


GỬI TRẦN MẠNH HẢO

 

Hảo ơi Hảo thấy sướng chưa?
Số ít không muốn, dây dưa ồn ào
Bức xúc thì có làm sao?
Không còn bức xúc thì đâu thành người?
Nguyễn Hưng Quốc nó nói chơi
Thơ nhiều người thuộc, hẳn rồi thơ hay
Vậy thì Con cóc thơ hay
Còn thơ hay Hảo thì bay ra rìa
Con dao hai lưỡi đừng đùa
Đứt tay thì đã, còn thơ thì đừng
Mới đọc họ thì phát khùng
Trưa nay ngồi nghĩ lại thương chúng mình
Bao giờ có dịp lai kinh
Nhớ nhau thì gọi, mà khinh thì đành...

 

____________

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả đã đăng trên vanchinh.net

(**)  Chỉ với 1/3 (hình như là quá nhiều) bước qua cái áo lưới để nghe vào cái cần nghe, ta cũng thấy có người ghét Thiều. Những kẻ ghét vô tư rất dễ chịu. Nhưng có những kẻ ghet vì không chịu kẻ khác khác mình. Ngay tập thơ được Giải của Hội, sự mất ngủ, Khoa đã gọi nó là Tây gỗ, dù Khoa biết chắc nó chỉ là tâm thức phì nhiêu của Cánh đồng, bà Góa và giun dế bên dòng sông Đáy. Tôi biết Khoa biết nó, vì nó chỉ là âm bản của chính Cánh đồng, giun dế bên dòng sông Kinh Thầy mà thôi. Và Khoa biết nó mới chỉ là cái vỉa còn lộ thiên nhưng đã hé lộ sâu dầy chửa biết đến mấy mươi. Tôi thấy dòng chảy của hình thái ý thức sau đây mấy chục năm qua không hề bị ngắt: 

Người có thành tựu trước dìu dắt những ai cùng giọng điệu với mình, chính Xuân Diệu vào lúc uất nhất đã buột miệng nói ở Khóa 1, Trường Viết văn Nguyễn Du: “Cứ dăm năm chúng tôi lại lăng xê lên tận Trời một lứa các nhà thơ để rồi, còn lại chỉ có chúng tôi” và mặt khác, đánh những ai viết theo thi pháp khác họ. 

-    Khi các tài năng Thế Lữ, Xuân Diệu, Hoài Thanh hết thời, họ hè nhau đánh Nguyễn Đình Thi, Lê Đạt, Trần Dần.

-    Khi liên minh hàng ngang tỉnh dần, chỉ còn Xuân Diệu hùng hổ đánh Hữu Thỉnh khi ông này nhận Giải thưởng Hội 1980.

-    Khi Lê Đạt Trần Dần tái xuất hiện rồi sau đó là Nguyễn Quang Thiều, thì Trần Đăng Khoa và Trần Mạnh Hảo lôi kéo số đông đánh họ, là Tây gỗ.

 

V.C

(nhavantphcm.com.vn)

BÀI KHÁC
1 2 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị