Trần Mạnh Hảo – từ đánh tráo khái niệm đến nhầm lẫn khái niệm (trao đổi) - Liêu Thái
Trần Mạnh Hảo – từ đánh tráo khái niệm đến
nhầm lẫn khái niệm
Liêu Thái
Trong bài viết Sự dễ dãi không làm nên giá trị thi ca của
tác giả Trần Mạnh Hảo, đăng tại trannhuong.com, có một số ý sau đây làm tôi hết
sức bất ngờ cho sự hiểu và viết của ông Hảo. Ở sự hiểu của ông, chỉ với riêng
bài viết của tôi cũng có lắm vấn đề để bàn, và sự viết của ông thì miễn bàn, vì
nó xuất phát từ sự hiểu. Một sự hiểu lệch lạc sẽ dẫn đến sự viết lệch lạc. Và,
nó không dừng ở đánh tráo khái niệm (dành cho người có khả năng hiểu đúng khái
niệm nhưng cố tình bẻ/bóp méo nó theo hướng chủ quan) mà là hiểu lệch lạc khái
niệm, chính vì vậy đâm ra câu chữ lệch lạc, trôi dạt lung tung…
Tôi xin chứng minh:
Sự dễ dãi không làm nên giá trị thi ca có
một số ý kiến/luận điểm sau đây, tôi sẽ phân tích cho “tường minh” như ông mong
muốn:
“Rất lạ, hai bài viết của chúng tôi đã in
trên các blog và website, tuy chúng tôi có gửi cho Tiền Vệ nhưng web này không
cho in; cớ sao nay Tiền Vệ lại dùng Liêu Thái để lên án chúng tôi bằng những từ
ngữ ghê gớm mà không hề chứng minh”
Riêng ý này, ông có thể email trực tiếp với ban biên tập Tiền Vệ
để hỏi cho ra lẽ phải, bản thân tôi cũng không rõ vì sao họ lại không đăng bài
của ông. Khi tôi gửi bài cho Tiền Vệ, có 2 ý nghĩa: Tôi tin rằng đây là trang
văn học tự do, có giá trị và có ban biên tập đủ khá năng để biên tập những dạng
bài mới, lạ, từ dạng tầm chương trích cú, hàn lâm cho tới sáng tác bộc phá, độc
sáng…; Một bài viết tốt với đầy đủ tình thần khoa học, sáng tạo thì chắc chắn
ban biên tập sẽ không bao giờ bỏ lơ (không đăng). Về phần bài viết của tôi, nếu
ông chưa tìm thấy đâu là luận cứ chứng minh cho “những từ ngữ ghê gớm” thì ông
nên tham khảo những độc giả khác, họ sẽ chỉ cho ông được tường minh.
“Trước hết chúng tôi xin thưa với ông Liêu
Thái về một từ rất lạ, một khái niệm mới ông đưa ra là từ “Phê bình “ Phán
rơm””. Khái niệm “ phê bình phán rơm” chưa có trong từ điển, càng chưa có trong
các khái niệm học thuật, của riêng ông Liêu Thái khiến chúng tôi chửa minh tường.
Ông Liêu Thái có thể trình lên Uỷ ban từ điển quốc gia, xin cấp bằng phát minh
ra từ ngữ mới, khái niệm học thuật mới; hi vọng ông có thể được thưởng tiền.
Nhưng trong đơn xin cấp bằng phát minh ra từ vựng mới, ông nên nghe chúng tôi
mà chua những lời gợi mở này. Lời ấy như sau :
Khái niệm “phê bình “ phán rơm” “ là một khái
niệm đa ngữ nghĩa chiết ra từ phương pháp luận hậu hiện đại, gồm các nghĩa con
được trích ( triết) ra từ nghĩa mẹ như sau:
-nghĩa một : “phê bình “ phán rơm” là cách
gọi những tay ngứa mồm hay đả kích những người phơi rơm trên đường
- nghĩa hai : diễu cợt những kẻ hay chỉ trích người khác mà đầu óc mình rối
tung như có rơm rạ lợp trên đầu
- nghĩa ba chê trách những người nông dân không biết đánh đống rơm cho đúng
cách
- nghĩa bốn : chê bai những nhà phê bình hay phán lung tung như rơm như rác
-nghĩa năm : diễu cợt các ông phán thời xưa giàu nhưng ngô nghê như bù nhìn
rơm…
Thưa ông Liêu Thái, trong các ý nghĩa con của
khái niệm từ ngữ mẹ “ Phê bình phán rơm” trên của ông, ông dành cho chúng tôi ý
nghĩa nào ạ ?”
Thiết nghĩ, mỗi từ vựng, đều có một lần mới của nó, đó là lần đầu
tiên nó được nói, viết ra. Nếu chỉ vì cầu may “được thưởng tiền” mà “xin cấp
bằng phát minh”, trình lên Ủy ban từ điển quốc gia thì e rằng ủy ban này sẽ
không có chỗ để chứa đơn và đất nước này thêm một lần nữa nghèo đói vì tiền
thưởng ông Hảo ạ! Tại sao cứ phải nghĩ ngay đến Ủy ban từ điển quốc gia và tiền
thưởng nhỉ?!
Và, năm nghĩa ông đưa ra, gợi mở cho “phán rơm”, rất tiếc, không
có nghĩa nào đúng cả. Tôi đã hứa với ông là sẽ giải nghĩa cho “phán rơm” trong
bài tới. Vậy xin ông cho tôi giữ đúng lời hứa, không đưa ra nghĩa gốc “phán
rơm” trong mấy lời này.
“Sau khi kết tội chúng tôi một lô một lốc
những sai trái, bậy bạ mà không hề dẫn chứng, ông Liêu Thái đùng đùng trích dẫn
rất dài nhiều đoạn trong hai bài viết của chúng tôi vừa dẫn trên. Do ông không
đọc kỹ hai bài viết của chúng tôi, mắt nhắm mắt mở vì phương pháp luận “ phê
bình phán rơm” đắc ý ông vừa tìm được, bụng dạ hí hửng tên Trần Mạnh Hảo già mồm
kia có mà ngạt thở vì rơm ngôn từ Liêu Thái ta phủ nhà ngươi ngạt thở, nên ông
đã chữ tác đánh chữ tộ, nhầm lẫn cho những lời nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên và nhà
văn Nguyễn Hiếu là lời của Trần Mạnh Hảo. Và thế là TMH tôi tự nhiên bị thế
mạng cho hai đồng nghiệp kia. Chao ôi, là ông Liêu Thái, rơm với chẳng rạ, phê
với chẳng bình…
Xin ông Liêu Thái đọc kỹ bài của chúng tôi,
xem ông đang “ đánh ai” : Trần Mạnh Hảo hay Nguyễn Hiếu hay Đỗ Ngọc Yên ? Ông
trích ra lời Nguyễn Hiếu và Đỗ Ngọc Yên trong bài viết của tôi rồi đổ cho tôi
viết. Phê bình phê bèo như vậy mà ông cứ giả vờ tỏ ra uyên với bác, khoa với
học, thưa ông Liêu Thái . Ông Liêu Thái trông chàng hiu ngỡ có tía mà viết với
chả lách lầm lẫn tức cười…
Nói chung, hầu như trong hai phần ba bài
viết, Liêu Thái toàn dẫn lời nhà văn Nguyễn Hiếu hoặc Đỗ Ngọc Yên ( do tôi
trích) ra để cho là chính Trần Mạnh Hảo đã viết thế, rồi thay vì “chơi” Nguyễn
Hiếu, Liêu Thái lại dùng món võ rơm “ chơi” Trần Mạnh Hảo …”
Ý này tôi cảm nhận ông nói rất thành thật, không có ý đánh tráo gì
cả. Vì ông thấy tôi viết “mắt nhắm mắt mở”, “trông chàng hiu ngỡ cóc tía” (ông
viết là ‘có tía’, tôi đoán là ‘cóc tía’, vì không có thành ngữ “trông chàng hiu
ngỡ có tía”, tôi đoán vậy chắc không sai?!) mà viết nhầm lẫn…
Thưa với ông Hảo là ông hoàn toàn chính xác trong cách nhìn của
ông, vì ông không hiểu được là tôi đang nói về ông hay Nguyễn Hiếu, Đỗ Ngọc
Yên. Tôi xin nói rõ: Bài này tôi viết và bàn về lối viết phê bình văn học của
ông, chỉ riêng ông. Và tôi cũng nói rất rõ ý định của tôi, có lẽ do ông đọc
lướt hoặc đọc không cẩn thận đến mức trích ngay vấn đề tôi đã nêu vào để dẫn
chứng mà vẫn không nhìn ra. Tôi có viết ở mỗi đầu luận điểm, bây giờ tôi xin
bôi màu cho chỗ cần chỉ rõ: “Và, trong một luận điểm khác, ông viết/trích:”. Ở đây
tôi đã chỉ ra ông vừa viết, lại vừa trích, và tất cả những gì ông trích không
nằm ngoài mục đích bổ sung cho luận diểm ông sắp hoặc đã nêu ra để phê bình các
tác giả ông đề cập. Vậy thì trên bình diện luận chứng và luận cứ, tất cả những
trích dẫn của ông đóng vai trò thế vị cho luận cứ ông cần viết để chứng minh
cho luận điểm của ông.
Ông đã đọc đến chỗ tôi viết và trích dẫn nó, mà vẫn không nhìn
thấy, chứng tỏ có sự nhầm lẫn về mặt nội hàm ở ông, điều này dẫn đến nhầm lẫn
khái niệm, hoàn toàn thành thật và không đánh tráo nhưng chắc chắn sẽ đi đến
lệch lạc trong bài viết. Và những thắc mắc của ông đã chứng minh điều đó.
“Gần một phân nửa bài, ông Liêu Thái dùng để giải nghĩa, có ý dạy
chúng tôi hiểu đúng khái niệm “vô thức” của S.Feud…và khái niệm viết ( làm thơ
kiểu) “lối viết Automatic VIẾT NHƯ MỘT CHIẾC MÁY TỰ ĐỘNG là lối viết khai thác
Siêu Thức triệt để” của trường phái siêu thực Pháp đầu thế kỷ thứ 20 đã bị bỏ
qua…
(phương pháp sáng tạo tự động (automatic writing), liên tưởng tự do (free
association) và các giấc mơ)
Chỉ cần một học sinh lớp chín biết dùng con chuột, vào http://google.com đánh
máy từ khóa : Phân tâm học S.Feud hay thơ siêu thực Pháp Automatic là có thể
tường minh hơn nhiều cái bài vớ vẩn ngô nghê ông Liêu Thái giảng cho tôi về
phâm tâm học với vô thức....
Đoạn, Liêu Thái lấy những câu thơ của trường phái thơ “ Tân …con
cóc” ( hậu…con cóc) ra bình bừa phứa, khen ngợi tù mù, vô lối…”
“VIẾT NHƯ MỘT CHIẾC MÁY TỰ ĐỘNG là lối viết khai thác siêu thức triệt
để”? Tôi xin trích lại nguyên văn câu tôi viết: “Nếu là tôi, tôi sẽ nói rằng
họ viết theo lối Automatic, lối ‘vô thức mặc định’. Cụ thể, yếu tố mặc định này
liên quan đến sự cộng hưởng của ba yếu tố Ý Thức, Vô Thức và Tiềm Thức thông
qua hành bút tự nhiên, không cần đến sự can thiệp của lý trí về mặt vần điệu,
cấu tứ, nhạc tính, họa tính, dung lượng từ trên câu và trường độ cảm xúc… Ở một
góc độ khác của phân tâm học, lối viết Automatic là lối viết khai thác Siêu
Thức triệt để (đương nhiên sự “triệt để” này lại phụ thuộc vào căn tính, tài
năng của mỗi cá thể sáng tạo).” . Không có ý nào nhắc đến “viết như một
chiếc máy tự động” cả. Vì lẽ, khi tôi viết bài này, tôi đặt thi ca trên vị trí
nghiêm trang, nghiêm mật, huyền áo, và những thi sĩ, người sáng tạo thi ca là
những thực thể người, có đầy đủ tính người cùng với trái tim chưa ngừng đập của
họ, nên tôi chẳng bao giờ xếp hành vi sáng tác/sáng tạo của họ ngang với “chiếc
máy tự động”, tuyệt nhiên họ là một con người, hơn nữa là con người mang tính
thể thi ca, lối viết tự động của một con người không bao giờ ví như chiếc máy
tự động được. Thử hỏi có chiếc máy nào có Vô Thức, Tiềm Thức, Ý Thức và Siêu
Thức? Ý này của ông viết ra từ một sự hiểu sai ý niệm/khái niệm nên dẫn đến
trích sai ngay cả văn bản gốc và hệ quả của nó là suy diễn lệch lạc.
“Qủa là xứng đào, xứng kép : những câu thơ dễ dãi viết linh tinh
vô lối theo trường thơ “ Tân …con cóc” của Mai Văn Phấn thật xứng với
những lời bình tơ lơ mơ, tù lù mù cũng rất vô lối, rất sống sượng, rất sến, rất
vớ vẩn vi vu, áp đạt theo trường phê bình “ hậu…con cóc” này của Liêu Thái…
Chúng tôi xin ra mắt lối thơ Automatic- tân máy tự động, tân…con
cóc bằng hai bài tặng ông Liêu Thái và các thi hữu trường thơ viết như máy tự
động không cần tâm hồn, tư tưởng hay cảm xúc, cóc cần hay dở, cóc cần tài năng.
Nè thơ tôi mô phỏng trường phái đại dễ dãi, đại bông phèng của các ông…”
Cám ơn ông về bài thơ mô phỏng “trường phái đại dễ dãi, đại bông
phèng…”, và tôi cảm nhận nó rất hay vì nó được viết ra từ chiếc máy tự động
Trần Mạnh Hảo, một bài thơ con cóc như thế thì tuyệt cú mèo, không có từ ngữ
nào đủ để khen!
Rất tiếc, khai sinh của nó thì hơi tệ, vì nó được sinh ra từ một
sự hiểu nhầm, đọc không tới nơi tới chốn, nên nó mang số phận của kẻ “sinh
nhầm”.
“Những gì tạo ra bằng sự dễ dãi hầu như rất
ít giá trị
Thơ viết một cách dễ dãi, linh tinh, tào lao chi khươn như trường phái viết như
một chiếc máy tự động phi tâm hồn phi truyền cảm phi ý tứ phi hàm súc như
trường phái thơ các ông đang theo, tôi xin lấy cả mặt trăng liềm đang nghiêng
qua cửa sổ phòng tôi ngay lúc này mà cá với ông rằng, những ngữ thơ đó hoàn
toàn vô giá trị.,.”
Ý này ông hoàn toàn đúng, tôi xin mượn bài thơ của ông để chứng
minh cho mệnh đề rất ư “chân lý” của ông (Những gì tạo ra bằng sự dễ dãi hầu
như rất ít giá trị):
CON CÓC CỦA ĐỜI TÔI
Ơi
những con cóc Làng Chiền vẫn ồm ộp thơ tôi
Ồm ộp cả đời tôi những vần thơ cóc cáy
Những con cóc chết vẫn phơi trong lòng tôi nỗi ngoại tình nhái bén
Ai chết rồi biến thành cóc cho tôi
Kìa thơ tôi nhảy trên đường làng đớp mối
Con giun ơi hãy canh giữ cho hồn tôi những con cóc bữa ăn của cậu ông trời
nghèo khổ xù xì thiên lương núp gầm giường thế sự
Những
con cóc canh giữ tuổi thơ tôi tháng ba cả đất trời giao hợp cóc
Những con cóc dạy thơ tôi úp thìa, dạy thơ tôi sáng tạo nòng nọc chữ
Cóc chết rồi một trăm năm tôi vẫn quay hồn về làng cũ để thương tâm
Cóc
khóc đêm đêm đẫm lệ dế mèn cố hương ơi lầm lũi
những người đàn bà ăn thịt cóc thay cơm nhảy chồm chồm ra ruộng cấy
Làng Chiền của em nâu da cóc bọc tâm hồn diễm lệ
Tôi khóc rống lên lời sông Đáy thủy triều nứng mưa nguồn em tái giá
Mai
này chết đi cho hồn tôi về Làng Chiền canh giữ những con chó cái mồ côi chồng
đêm đêm hóa bướm
Cho
tôi làm con cóc tía của đời tôi
Hồn tôi cũng ăn giun ăn mối ăn kiến mà trường tồn cùng Làng Chiền với cóc
Tôi khóc nấc lên khúc thi ca Automatic Làng Chiền
Hết
phỏng thơ Automatic tân…con cóc…hậu …con cóc…
Xin ông Liêu Thái thương cho chúng tôi mà cho mấy công án “phê bình phán
rơm” ạ.
Kính tặng ông Trần Mạnh Hảo bài thơ này! Và kính mong ông hãy cứ từ tốn chờ tôi
viết bài về “phán rơm”, ông cũng nhớ đọc thật kỹ câu cú của tôi, ngỏ hầu khỏi
phải rơi vào tình trạng hiểu nhầm khái niệm, suy diễn lệch lạc – một tình trạng
không đáng có và tuyệt nhiên không được có ở người viết phê bình văn học!
Quảng Nam, 21/6/2012
L.T
(http://tienve.org)