Trần Mạnh Hảo – một kiểu “phán rơm” trong phê bình văn học (trao đổi) - Liêu Thái
Trần Mạnh
Hảo – một kiểu “phán rơm” trong phê bình văn học
Liêu Thái
Những lỗ hổng cơ bản
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước
khi đặt tựa cho bài viết này, nhưng cuối cùng, tựa hợp nhất có lẽ là tựa trên
đây. Vì lẽ, với thâm niên viết già dặn, với tên tuổi cũng không phải thuộc hàng
làng nhàng gốc mít bụi tre, mà là một cái tên từng gây trận nổi đình nổi đám
trong làng văn, từng tạo ấn tượng không ít cho tôi thời sinh viên. Nhưng rồi,
càng đọc, càng thấy ông Trần Mạnh Hảo là người viết cẩu thả, thiếu tính khoa
học, võ đoán và có đôi chút hằn học nào đó ẩn chất bên trong bài viết của ông.
Có lẽ đây là điều đáng buồn nhất ở một cây bút phê bình như ông.
Xin nói rằng lẽ ra cũng không có
bài viết này, nhưng chính vì thái độ quá xem thường độc giả (trong đó có tôi)
của ông Trần Mạnh Hảo mà tôi buộc phải ngồi vào bàn viết những ý rời này.
Gần đây nhất, đọc loạt bài viết
nhận định/phê bình về các giải thơ của năm 2010-2011, nhìn cách ông đánh giá
tài năng, giá trị thi ca, dẫn luận và phán xét trong bài viết thì chỉ cho thấy
đôi điều: Ông viết bằng hệ thống luận điểm không logic nhưng chuyển tải bằng
giọng văn hùng hồn và biết kĩ thuật đánh người; hoàn toàn thiếu thao tác phân
tích khi đưa ra những phán xét có tính sinh sát tới tác giả mà ông nhắc đến; cố
tình bóp méo những khái niệm hầu chứng minh là mình đúng; Viết bằng một thái độ
hằn học của lối phê bình ‘phán rơm’.
Tôi xin chứng minh:
Trong các bài “Trạng nguyên thơ, hay là Trạng... nguyên hình?” và “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn
đầu đài?”, ông đưa ra và trích những luận điểm cơ bản để cho
thấy: Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương, Từ Quốc Hoài không phải
là những tài năng thi ca, sự cách tân của họ là “vô lối”, và những trạng nguyên
thơ này không xứng đáng.
Ông đã viết/trích:
“Xin quý vị
đánh tên bốn vị trạng nguyên thơ này lên trang tìm kiếm http://google.com sẽ
thấy hiện ra hàng trăm bài khen ngợi rất kinh hãi và đao to búa lớn. Tất nhiên,
cũng có một số bài chê bốn vị trạng nguyên này là trạng nguyên dỏm, trạng
nguyên bịp vì thơ của họ không phải là thơ vì nó thiếu hàm súc, thiếu hình
tượng, thiếu cấu tứ, thiếu tư tưởng, dễ dãi, linh tinh lang tang và quan trọng
là nó thiếu nghệ thuật, tức nó không hay.
Nhà phê bình
văn học Đỗ Ngọc Yên, trong http://lethieunhon.com đã coi hai tập thơ được giải
Hội nhà văn VN năm 2011: “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương và “Ngày
linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như Thúy là hai tập thơ làng nhàng, nếu
không nói là thơ dở, như sau:
“Nhìn lại
giải thưởng thơ 2011”: “Theo ý kiến của nhiều người, Hoan ca và Ngày linh hương
nở sáng là 2 tập thơ có một số bài đọc được, còn lại phần lớn chỉ ở mức trung
bình, thậm chí có những bài chưa thể xếp vào thơ được, xét trên mọi khía cạnh.
Còn nhà thơ Đỗ Hoàng thì gọi đây là 2 tập thơ “vô lối”.
Sự “vô lối”
đầu tiên thể hiện ở chỗ là cả hai tập thơ không hề có bất cứ một cảm quan gì
mới về thực tại, dù chỉ là mô tả về những điều mắt thấy tai nghe bằng ngôn ngữ
thi ca hoặc những suy tư triết học. Vẫn là cách chối bỏ thực tại, chối bỏ những
“lẽ phải thông thường”, chối bỏ cái không thể chối bỏ được bằng một lối nói dễ
dãi, không hề có xúc cảm từ phía chủ thể, cũng không có hình thức thể hiện mới
lạ, nên rất khó để có thể truyền dẫn cái hồn của thơ đến với công
chúng: Đột nhiên không muốn trồng chuối/ Cũng bỏ nốt trồng màu/ Nơi này
không cuốc cày vun xới/ Bằng phẳng dải đất ven đê/ Chiều, sau khi trẻ đá bóng/
Đất bằng ngửa mặt mênh mông/ Đón nỗi trống không/ Bằng bầu trời (Đỗ Doãn
Phương - Bãi đất ven đê). Điều đáng nói là những bài thơ theo lối trẻ em “tập
viết” như thế này trong Hoan ca của Đỗ Doãn Phương rất phổ biến. Ngay ở
bài Hoan ca về đất được coi là bài “đinh” trong tập thơ của anh, ta
vẫn thấy sự dễ dãi đến lạ thường: “... Hoa cỏ, gạch đá, bãi rác, hàng cây,
hồ ao và xa xa dãy núi/ Đâu là nơi đất đai sẽ bị đào lên khiến mạch nước đứt
tung tứa máu/ Đâu là nơi mặt đất sẽ mở ra và mím thắt lại/ Đâu là nơi cốt nhục
ta sẽ hóa đất đời đời?,...”
Có thể nói,
ở bài thơ này, người thơ thấy gì nói ấy, không cần chắt lọc, chưng cất, càng
không cần sự tham gia của xúc cảm thẩm mỹ, mà chỉ là một lối nói huỵch toẹt cho
xong. Vậy mà không ít người lại cho rằng đấy đích thị là những bài thơ có sự
“sáng tạo” (!?).”
(Trích: “Trạng nguyên thơ, hay là
Trạng... nguyên hình?”)
Với những ý kiến đưa ra trong bài
viết, ông hoàn toàn không phân tích được ngôn ngữ, cấu trúc, nội hàm, phức cảm,
ý niệm cũng như tư tưởng của những tác phẩm nhận giải thơ, mà ông chỉ làm một
thao tác đơn giản là tách mấy bài trong những tập thơ của người đoạt giải và so
sánh (mặc dù trong thao tác so sánh này, ông cũng không dẫn luận được cú pháp,
ngữ nghĩa, cấu trúc, ý niệm, phức cảm ngôn từ, phức thể tác phẩm và phức niệm
toàn tập của từng tác giả!) với một tác giả khác, rồi sau đó viết bài giễu nhại
để đi đến chê bai dở hay.
Đó là chưa muốn nhắc đến quan
niệm, thẩm mỹ của ông khi ông đưa ra luận điểm dở - hay, chuẩn thơ, sự trong
sáng của tiếng Việt… để phán xét, dựa vào giọng văn khá hùng hồn, cuốn hút, đặc
biệt là đánh vào tâm lý độc giả (trong đó có tôi) chẳng ưa gì những thứ giải
nhà nước, giải “chính thống”… để mà lôi độc giả về phía mình bằng cách cào bằng
hàng loạt giải nằm chung một sàn, sau đó mặc sức la lối, chê bai, thậm chí mắng
nhiếc tác giả.
Một khi rơi vào tình thế này, cho
dù tác giả những tập thơ trên có thấy ông vô lý họ cũng đành ngậm bồ hòn với
ông vì lẽ, nếu họ lên tiếng, họ sẽ rơi vào trạng huống: Chứng minh mình hay
hoặc chứng minh cái giải thơ của mình là hợp lý, là xứng đáng, là khoa học. Mà,
với một người viết có lương tri, một người cầm bút có lòng tự trọng, chẳng ai
đủ “gan” để lên tiếng chứng minh những điều trên. Kết quả là ông vẫn tiếp tục
oang oang chê, oang oang mắng nhiếc người khác.
Đây là gì nếu không phải ông rất
rành kĩ thuật tìm đồng minh để đánh hội đồng một ai đó bằng cách xếp người sắp
bị đánh vào phe đối lập, “phe đỏ”, vào vị trí việt gian rồi sau đó mặc sức đấu
tố, sỉ vả, khiến cho người ta tối mặt tối mày, không có đường ra vì ra hướng
nào cũng gặp cửa tử?!
Và, trong một luận điểm khác, ông
viết/trích:
“Ngôn ngữ,
tư duy của người Việt ta khác hẳn ngôn ngữ, cách tư duy nước ngoài. Vậy mà
Nguyễn Quang Thiều và nay Mai Văn Phấn lại tung ra những đoạn chữ mà
người ta gọi là thơ cùng những suy nghĩ gần như rập lại các nói cách, tư duy
của người nước ngoài cụ thể là tư duy của dân đất mới châu Mỹ. Trong suy nghĩ
người Việt rất kiêng kị khi nói về quạ (quan điểm cổ xưa đó là loài chuyên mang
điều gở) nay Mai Văn Phấn lại mô phỏng cách nghĩ nước ngoài cũng nói
về con quạ với những câu gọi là thơ giống như thơ dịch, với kiểu tư duy và cách
đặt câu xa lạ với ngôn ngữ, tư duy truyền thống của người đọc xứ ta kiểu “Con
cá nhẩy vào đám mây tự vẫn (Biến tấu con quạ); Rồi lảm nhảm, loằng ngoằng nói
về mái nhà như một người đang học nói tiếng Việt: “Thùng rác quay mắc phải
khung ảnh, quạt trần, dây điện thoại. Chiếc quần lót mặc kẹt giữa tủ bát đĩa và
máy tập thể hình. Chổi cùn, bình diệt muỗi, đĩa CD chui vào tủ lạnh …” (Chạy
theo mái nhà). Trời ạ, thế mà người ta dám gọi là thơ thì thật là liều...”
(Trích: “Trạng nguyên thơ, hay là
Trạng... nguyên hình?”)
Riêng luận điểm này, ông chỉ nêu
mà không hề phân tích và chứng minh Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn và một số
nhà thơ liên đới giống nước ngoài chỗ nào, việc dẫn thêm tập Lá
Cỏ của Walt Whitman trong loạt bài phê bình này cũng chẳng có phép so sánh
hay đối chiếu nào từ ý tưởng, cảm quan, ngôn ngữ, ý niệm, khái niệm, tư tưởng
giữa những nhà thơ này, ông chỉ phán đúng một vấn đề “xanh rờn” là họ học lối
viết nước ngoài, giọng thơ của họ lai căn nước ngoài. Độc giả có đọc nổ con mắt
cũng không thấy được một câu thơ nào của Walt Whitman trong bài, càng mù tịt về
cái sự mà ông gọi là lai căn của Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn Phấn.
Và, không biết ông đào đâu ra cái
điềm gở của loài quạ trong quan niệm chỉ có duy nhất người Việt mà nước ngoài
không kiêng kị loài quạ? Xin thưa với ông là tôi kính nhờ ông nêu thử có bao
nhiêu nước trên thế giới này không lồng ghép hình ảnh loài quạ với xác chết,
với điềm gở? Hơn nữa, ông bảo rằng Mai Văn Phấn “lại mô phỏng cách nghĩ nước
ngoài cũng nói về con quạ với những câu gọi là thơ giống như thơ dịch, với kiểu
tư duy và cách đặt câu xa lạ với ngôn ngữ, tư duy truyền thống của người đọc xứ
ta kiểu “Con cá nhẩy vào đám mây tự vẫn (Biến tấu con quạ); Rồi lảm nhảm, loằng
ngoằng nói về mái nhà như một người đang học nói tiếng Việt…” Vậy, cụ thể
Mai Văn Phấn đã học kiểu tư duy này của nước nào? Của ai? Hơn nữa, thế nào là
tư duy truyền thống của xứ ta?
Nếu ông trả lời chuẩn xác được ba
câu hỏi trên, thì chí ít ông cũng tránh được một mâu thuẫn của bản thân ông, đó
là vừa chê bai người khác không có gì mới, không có sự cách tân, lại vừa cổ xúy
cho cái gọi là “truyền thống”. Ngược lại, nếu ông không phân tích, chứng minh
một cách cụ thể, có khoa học những gì ông nêu ra thì e rằng lâu nay ông đã bịp
độc giả, lừa mị họ bằng thứ ngôn ngữ rỗng tuếch, đao to búa lớn… Ông đã rơi vào
loại phê bình võ đoán, phán rơm.
Ở bài “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn
đầu đài?”, ông viết:
“…Theo “Đại
từ điển Tiếng Việt” (NXB Văn hóa Thông tin 1999 trang 1827) định nghĩa: “vô
thức: ngoài ý thức của con người, trạng thái vô thức, hành động vô thức”. Nếu
không có sự hiểu, hiểu biết, nhận biết, tức ý thức thì không còn là con người
nữa, vì con người là con vật tự ý thức. Họ phán, chúng tôi làm thơ bằng vô
thức, các ông lại lấy ý thức ra để phê bình thơ chúng tôi theo kiểu ông nói gà
bà nói thóc lép là đánh tráo khái niệm?!
Thưa các quý
ngài CÁCH TÂN THƠ đang làm kinh hãi thi đàn, hóa ra quý vị làm thơ trong giấc
ngủ ư ? Nhưng sau khi quý vị thức dậy, không phải vô thức mà chính ý thức mách
bảo với quý vị nhớ lại bài thơ quý vị viết trong giấc ngủ. Nhớ lại bài thơ viết
trong lúc ngủ chính là một hành vi ý thức đấy. Rồi quý vị cầm lấy bút, viết lên
giấy cái bài thơ được sinh ra bằng giấc mơ (khiếp thật) thì quả là các vị đã
nằm trong vòm sinh quyển của ý thức mất rồi. Nói tôi làm thơ bằng vô thức chung
quy là một cách nói bịp bợm…”.
Ý này ông đã đánh đồng vô thức
với giấc ngủ, vậy ông hiểu gì về vô thức? Ông đọc ở đâu ra cái vô thức với giấc
ngủ là một vậy? Hơn nữa, ông còn cố gắng chứng minh những nhà thơ cách tân là
những người bịp bợm vì họ nói là họ viết bằng vô thức, nhưng khi cầm bút là họ
đang thức, đang hồi tưởng giấc mơ…?
Xin thưa với ông Hảo, ông đã đọc
không tới đầu tới đũa phân tâm học (mặc dù ông dẫn bằng cả tiếng nước ngoài!),
bằng chứng là ông chỉ phân loại trạng thái tâm thức con người thành ba phần: Vô
Thức; Tiềm Thức và Ý Thức. Ông chịu khó đọc thêm, con người, ngoài Vô Thức,
Tiềm Thức, Ý Thức, còn có thêm Siêu Thức. Vấn đề này ông tự tìm thêm sách phân
tâm mà đọc, tôi không có trách nhiệm chỉ cho ông biết cuốn nào đã chia như vậy.
Điều tôi muốn nói ở đây là ông đã hiểu sai về chữ Vô Thức. Giả sử có một nhà
thơ nào đó nói rằng họ viết trong vô thức, thì ông đừng nên hiểu họ đang viết
trong giấc ngủ. Vì Vô Thức hoàn toàn không đồng nghĩa với giấc ngủ, ở một chừng
mực nào đó, khi con người rơi vào trạng thái ngủ, cũng là lúc tiềm thức đồng
thời cộng hưởng với vô thức và hoạt động song hành. Nhưng tuyệt nhiên, giấc ngủ
không đồng nghĩa với vô thức, vô thức ở đây được hiểu là sự can thiệp của hệ
thần kinh thực vật, ví dụ như tim của ông, ông không bảo nó đập nó vẫn cứ đập,
bao tử của ông, ông muốn nó ngừng hoạt động cho đỡ thèm ăn thì nó vẫn cứ co
bóp, tay chân của ông khi gặp lửa, ông có cố không rút lại thì nó vẫn cứ thụt
vào, ông mộng du, u a, ú ớ và bước đi mặc dầu khi tỉnh dậy ông chẳng bao giờ
muốn thế (xin đừng hiểu theo kiểu mộng du xảy ra lúc ngủ, vậy mộng du cũng đồng
nghĩa với giấc ngủ nốt!).
Chữ Vô Thức của người sáng
tạo/tác ở đây cần được hiểu nó không phải là thứ hành động mang tính thực vật,
bởi lẽ, dù sao thì thi sĩ cũng không phải là bác sĩ thần kinh, càng không phải
là nhà phân tâm học, nên cách dùng chữ chuyên môn của họ có thể nhầm lẫn. Rất
tiếc là ở đây ông chỉ nói chung chung, không nêu ra một ai từng tuyên bố sáng
tác bằng vô thức. Kiểu chơi này đôi khi na ná “gắp lửa bỏ tay người” hoặc “ngậm
máu phun người”. Nếu là tôi, tôi sẽ nói rằng họ viết theo lối Automatic, lối
‘vô thức mặc định’. Cụ thể, yếu tố mặc định này liên quan đến sự cộng hưởng của
ba yếu tố Ý Thức, Vô Thức và Tiềm Thức thông qua hành bút tự nhiên, không cần
đến sự can thiệp của lý trí về mặt vần điệu, cấu tứ, nhạc tính, họa tính, dung
lượng từ trên câu và trường độ cảm xúc… Ở một góc độ khác của phân tâm học, lối
viết Automatic là lối viết khai thác Siêu Thức triệt để (đương nhiên sự “triệt
để” này lại phụ thuộc vào căn tính, tài năng của mỗi cá thể sáng tạo).
Cái cách ông đồng nhất giấc ngủ
với vô thức để chứng minh những người sáng tác có ý hướng cách tân là bịp bợm
là một kiểu nói ác ý, nếu không nói là hằn học với đồng nghiệp (sáng tác thơ,
vì ông cũng là nhà thơ), và bịp bợm đối với bạn đọc.
Đây là gì nếu không gọi là bóp
méo khái niệm?
Kiểu viết ‘phán rơm’
Đọc đoạn này của ông:
“Còn đây là
thơ của Mai Văn Phân trích trong tập thơ «Bầu trời không mái che» (NXB Hội nhà
văn 2010) ; xin trích một đoạn đầu trong bài siêu dài của nhà thơ được giải
thưởng Hội nhà văn VN :
CỬA MẪU
(trích từ
bài thơ dài )
Mẫu nâng niu
con ánh trăng
Tiếng chuyền
cành tiếng hú
Da thịt con
yêu trải sâu đêm tối
Dựng tầng
mây mưa nguồn
Cành cây la
đà mặt nước
Một con chim
vừa đậu
Chỉ mình con
thấy chú chim nhỏ kia rất xa con đường
Xa mảnh vườn
những đàn chim khác
Con lặng lẽ
đi qua vầng mặt trời đáy nước
Nhìn hương
bầu trời mở đôi cánh
Ngọn cây
vườn mỏ con chim
Đang cúi
xuống mớm vào miệng con từng hớp gió
Tiếng hạt vỡ
trong ngực
Bãi trống và
quả xanh
Qua rừng sâu
tán lá rậm rạp
....
Có trích cả
nghìn câu văn xuôi tẻ nhạt xuống dòng liên tù tì này mạo nhận là thơ của tập
thơ được giải thưởng của Mai Văn Phấn, cũng tịnh không tìm thấy một câu thơ hay
đích thực. Chúng tôi, với tài hèn sức mọn, xin lỗi, nếu cần phải ngoáy nhanh
hơn chuột chạy, trong một ngày, chúng tôi có thể ngoáy tới cả chục tập thơ được
giải na ná chất lượng như « Bầu trời không mái che » này. Xin ứng tác luôn trên
máy vi tính để thi thố « tài năng » với Mai Văn Phấn bằng một thi pháp bông
phèng của ông Phấn, như sau :
KHÉP LẠI
Em khép lại,
khép lại thời cuộc
Cá nhảy trên
guốc dép
Môi mắt em
muộn phiền con rắn mối
Sông đùn lên
tình anh xanh xanh
Con mèo
hoang bay lên từ buồn buồn
Bướm đậu lên
râu cá trê phi
Khép lại,
khép lại mặt trời sám hối cũ
Ai đang mở
ra mà ta khép lại ha ha
Có thiên lôi
tình ái im phắc
Màu xanh đi
trên đất chan chứa
Mở ra sự
khép lại trinh nguyên...
(Hết thơ bắt
chước Mai Văn Phấn)
Xin quý vị
đọc tiếp đoạn cuối trường ca «NHỊP IX» của tập thơ Mai Văn Phấn viết rất kinh
hãi như sau :
Những con
sơn dương tràn xuống đồng bằng
Phía sau bụi
tung, đá lở
Lao vun vút
mũi tên
Dây cung bật
lên phút chốc
Đây trời cỏ
Đại dương cỏ
Phơi phới
lời sông hồ
Mũi tên xuôi
gió về đích
Từng vạt cỏ
bị bứt tỉa, đốn gục
Nghiền nát trong hàm răng sắc
Bầu trời vỡ tiếng gọi đàn khoái
cảm đêm đen
Bước bước sơn dương
Mặt cỏ phun nhuệ khí trùm lấp
Phấn khích giờ tạo thiên lập địa
Mùa mới đợi chờ cỏ xanh cắt sát
gốc
Những móng vuốt tì chân cỏ bật
căng
Cỏ non kinh động
Càng chồi lên mở lại những chân
trời »
(hết trích «thơ» Mai Văn
Phấn)
Còn đây là «thơ» ứng tác viết
liền của tác giả bài phê bình thơ này, mô phỏng thi pháp bông phèng Mai Văn
Phấn :
MŨI TÊN EROS
Hắn chút chút rình rập vũ trụ
Hắn bắn ai là tình yêu tử thương
Mũi tên hắn ghê gớm hơn bom A bom
H Bắc Triều Tiên
Hắn làm anh và em gục ngã ư ử
Ta rên xiết trong cơn động tình
giãy chết
Em ơi em ơi đi đường nào cũng
tiêu
Đi xuống địa ngục cũng gặp anh
Chết rồi hắn vẫn tìm hồn ta bắn
tên
Chạy đi chạy đi như loài sơn
dương trong thơ Mai Văn Phấn
Hắn be bé mà bay nhanh hơn tên
lửa Tô-Ma-hốc
Nhưng không có hắn
Thế giới này buồn như con chuồn
chuồn
Chúng ta hoan ca, tình ca, quỷ ca
vì có hắn
Không ai rên xiết vì hạnh phúc
Nếu thế giới này thiếu hắn
Hắn là cỏ non, lúa mạch hay rượu
nho ?
Không
Hắn là em và anh vừa hóa thân vào
con rắn
Hắn là thần tình yêu, thấn chiến
tranh của đôi lứa
Eros, em ơi, em ơi »
(hết thơ mô phỏng bút pháp tào
lao của Mai Văn Phấn)
Nếu chê hai tập «Hoan ca» của Đỗ
Doãn Phương và «Bầu trời không mái che» của Mai Văn Phấn vừa đoạt giải thưởng
thơ Hội Nhà văn VN là hai tập thơ dở thì lời chê ấy lại hóa ra lời khen chúng.
Vì hai tập văn xuôi tẻ nhạt năng xuống dòng, dễ dãi, tào lao, bông phèng kia có
phải là thơ đâu...mà bảo nó là thơ dở ?...”.
(Trích: “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn
đầu đài?”).
Tôi xin phép phân tích ngắn để so
sánh giữa “Cửa Mẫu” của Mai Văn Phấn và “Khép Lại” của ông để thấy sự khác biệt
hoàn toàn giữa hai thứ mà ông cho rằng nó giống nhau, ông có thể mô phỏng, làm
cả ngàn bài…
Mẫu nâng niu
con ánh trăng
Tiếng chuyền
cành tiếng hú
Da thịt con
yêu trải sâu đêm tối
Dựng tầng
mây mưa nguồn
Mở đầu của đoạn thơ này là một
phức cảm, đi từ ánh sáng đến âm thanh, nhục thể, và ý hướng Hình nhi thượng…
Nhằm mô tả một thứ âm thanh, hình ảnh khác được khởi lên từ vô thức, tiềm thức
thông qua sự chứng nghiệm, trải nghiệm của ý thức để rồi phác họa trên câu chữ,
con chữ ở đây đóng vai trò minh họa, mô phỏng cho dòng chảy của phức cảm phía
sau nó.
Cành cây la
đà mặt nước
Một con chim
vừa đậu
Tiếp theo là một nét chấm phá,
được tách riêng thành một khổ (đương nhiên kĩ thuật tách khổ hoàn toàn dựa vào
ý thức) nhằm mô phỏng một cái bóng khác của đời sống vừa mang mang chiêm bao
vừa ngây ngây thực tại. Nó hiện hữu cũng đồng nghĩa với sự hiện hữu của người
thơ.
Chỉ mình con
thấy chú chim nhỏ kia rất xa con đường
Xa mảnh vườn
những đàn chim khác
Con lặng lẽ
đi qua vầng mặt trời đáy nước
Nhìn hương
bầu trời mở đôi cánh
Ngọn cây
vườn mỏ con chim
Đang cúi
xuống mớm vào miệng con từng hớp gió
Tiếng hạt vỡ
trong ngực
Bãi trống và
quả xanh
Qua rừng sâu
tán lá rậm rạp
....
Đây là một lời giãi bày, một kiểu
tự sự chông chênh giữa mộng và thực, giữa một thực thể phi ý thức này (Con) với
một biểu tượng phi thời gian kia (Mẫu). Toàn bộ khổ thơ là một sự hàm ơn, nỗi
hân hoan của một thực thể vừa trực nhận, vừa được quán chiếu vào sự sống thường
hằng, vừa nhìn thấy ý nghĩa của đời sống cùng mối tương quan sinh tử của nó
trong một khoảnh khắc dị biệt chỉ riêng người thơ nắm chớp.
Với bài “Khép Lại” của ông Hảo:
Em khép lại,
khép lại thời cuộc
Cá nhảy trên
guốc dép
Môi mắt em
muộn phiền con rắn mối
Sông đùn lên
tình anh xanh xanh
Khổ thơ mở đầu được viết trên một
tâm thế hoàn toàn tỉnh táo, giọng thơ vừa tự sự vừa đẩy mình về một góc khác để
phán xét đối tượng “em” mà có thể đối tượng đó cũng chính là người thơ. Những
hình ảnh cá nhảy trên guốc dép, đôi mắt em muộn phiền con rắn mối và sông đùn
lên tình anh xanh xanh vừa mang tính giễu nhại về một cuộc tình nào đó, vừa là
một kiểu ghi chép cảm xúc, hoàn toàn không mang bóng dáng, hình hài của thực
thể phi ý thức cũng như biểu tượng phi thời gian.
Bước chuyển sang khổ cuối, không
tạo nhịp rớt bằng hai câu chấm phá như “Cửa Mẫu”:
Con mèo
hoang bay lên từ buồn buồn
Bướm đậu lên
râu cá trê phi
Khép lại,
khép lại mặt trời sám hối cũ
Ai đang mở
ra mà ta khép lại ha ha
Có thiên lôi
tình ái im phắc
Màu xanh đi
trên đất chan chứa
Mở ra sự
khép lại trinh nguyên...
Từ hình ảnh “con mèo hoang bay
lên từ buồn buồn”, “bướm đậu trên râu cá trê phi…”, “Ai đang mở ra mà ta khép
lại ha ha”, “thiên lôi tình ái im phăng phắc”, cho đến “Mở ra sự khép lại trinh
nguyên…” Là một kiểu chơi chữ dựa hoàn toàn vào sự can thiệp và phân bổ hình
ảnh, cảm xúc của lý trí. Toàn bài thơ mở ra một sự trống rỗng của ái tình đánh
mất và những cảm nhận, hờn trách, tiếc nuối, đau khổ (đến độ điên điên) của
người thơ. Nó viết thì như điên như dại, nhưng càng đọc, càng cảm càng thấy nó
rất tỉnh và hơi luận đề tình yêu, hơi vô duyên.
Ở đoạn trích trường ca NHỊP IX
của Mai Văn Phấn, đem so sánh với MŨI TÊN EROS của ông, cũng chẳng có điểm nào
giống nhau hoặc na ná nhau từ cấu trúc cho đến cú pháp, ngữ nghĩa, ý niệm, tâm
thế sáng tạo… Vậy tôi không hiểu cái chữ “mô phỏng” hoặc “bắt chước” ở đây ông
dùng theo nghĩa gì?
Và, nếu thật sự ông cho rằng giữa
mấy bài thơ của ông và mấy khổ thơ của Mai Văn Phấn, Đỗ Doãn Phương… là một sự
mô phỏng hay sự bắt chước để thông qua đó giễu nhại họ thì ông hoàn toàn có lý
của ông. Vì đó là cái lý của người không biết, mà không có ai trách người không
biết cả. Trách nhiệm của người thấy/biết là chỉ cho người chưa thấy/biết cái
mình đã sở đắc nhằm tránh tình trạng ‘phán rơm’ như ông đang gặp phải.
Vài lời cùng ông trong một bài
viết ngắn, ý rời, nói chưa hết, xin hẹn gặp ông ở bài tới tôi sẽ phân tích kĩ
hơn cái khái niệm ‘phán rơm’ mà tôi đã ghép cho ông. Xin chúc ông sức khoẻ, vui
vẻ!
Quảng Nam, 19/6/2012
L.T
(http://trannhuong.com)