image advertisement
image advertisement





























 

Sự dễ dãi không làm nên giá trị thi ca (trao đổi) - Trần Mạnh Hảo

Sự dễ dãi không làm nên giá trị thi ca

 

 

Trần Mạnh Hảo


  

trannhuong.com: Chúng tôi vừa nhận được bài phản hồi ý kiến của Liêu Thái của nhà thơ TMH. Chúng tôi tôn trọng những ý kiến khác nhau và cố giữ một thái độ khách quan. Chỉ xin các bài tranh luận không nên động chạm đến đời tư như thói quen của một số tờ báo, nhà đài yếu lí lẽ.

 

Nhân đọc bài của tác giả Liêu Thái trên báo mạng của nhà văn Trần Nhương: http://trannhuong.com  

 

Tuy nhiên, bài này ông Liêu Thái đã in trước tiên trên website Tiền Vệ


Mở đầu, Liêu Thái viết :

 

Trong các bài “Trạng nguyên thơ, hay là Trạng... nguyên hình?” và “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?”, ông đưa ra và trích những luận điểm cơ bản để cho thấy: Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương, Từ Quốc Hoài không phải là những tài năng thi ca, sự cách tân của họ là “vô lối”, và những trạng nguyên thơ này không xứng đáng.”

 

Rất lạ, hai bài viết của chúng tôi đã in trên các blog và website, tuy chúng tôi có gửi cho Tiền Vệ nhưng web này không cho in; cớ sao nay Tiền Vệ lại dùng Liêu Thái để lên án chúng tôi bằng những từ ngữ ghê gớm mà không hề chứng minh .


“ông Trần Mạnh Hảo là người viết cẩu thả, thiếu tính khoa học, võ đoán và có đôi chút hằn học nào đó ẩn chất bên trong bài viết của ông.”…“mặc sức la lối, chê bai, thậm chí mắng nhiếc tác giả”…“oang oang chê, oang oang mắng nhiếc người khác.”…“Đây là gì nếu không phải ông rất rành kĩ thuật tìm đồng minh để đánh hội đồng một ai đó bằng cách xếp người sắp bị đánh vào phe đối lập, “phe đỏ”, vào vị trí việt gian rồi sau đó mặc sức đấu tố, sỉ vả, khiến cho người ta tối mặt tối mày, không có đường ra vì ra hướng nào cũng gặp cửa tử?!”…“ông đã bịp độc giả, lừa mị họ bằng thứ ngôn ngữ rỗng tuếch, đao to búa lớn… Ông đã rơi vào loại phê bình võ đoán, phán rơm”.

“Chính vì thái độ quá xem thường độc giả (trong đó có tôi) của ông Trần Mạnh Hảo mà tôi buộc phải ngồi vào bàn viết những ý rời này.”.. “luận điểm không logic”…“biết kĩ thuật đánh người”…“thiếu thao tác phân tích khi đưa ra những phán xét có tính sinh sát tới tác giả mà ông nhắc đến;”… “Cố tình bóp méo những khái niệm hầu chứng minh là mình đúng”…” Viết bằng một thái độ hằn học của lối phê bình ‘phán rơm’.”… “gắp lửa bỏ tay người” hoặc “ngậm máu phun người”


Trước hết chúng tôi xin thưa với ông Liêu Thái về một từ rất lạ, một khái niệm mới ông đưa ra là từ “Phê bình “ Phán rơm””. Khái niệm “ phê bình phán rơm” chưa có trong từ điển, càng chưa có trong các khái niệm học thuật, của riêng ông Liêu Thái khiến chúng tôi chửa minh tường. Ông Liêu Thái có thể trình lên Uỷ ban từ điển quốc gia, xin cấp bằng phát minh ra từ ngữ mới, khái niệm học thuật mới; hi vọng ông có thể được thưởng tiền. Nhưng trong đơn xin cấp bằng phát minh ra từ vựng mới, ông nên nghe chúng tôi mà chua những lời gợi mở này. Lời ấy như sau:

 

Khái niệm “phê bình “ phán rơm” “ là một khái niệm đa ngữ nghĩa chiết ra từ phương pháp luận hậu hiện đại, gồm các nghĩa con được trích ( triết) ra từ nghĩa mẹ như sau:

 

- nghĩa một : “phê bình “ phán rơm” là cách gọi những tay ngứa mồm hay đả kích những người phơi rơm trên đường


- nghĩa hai : diễu cợt những kẻ hay chỉ trích người khác mà đầu óc mình rối tung như có rơm rạ lợp trên đầu


- nghĩa ba chê trách những người nông dân không biết đánh đống rơm cho đúng cách


- nghĩa bốn : chê bai những nhà phê bình hay phán lung tung như rơm như rác


-nghĩa năm : diễu cợt các ông phán thời xưa giàu nhưng ngô nghê như bù nhìn rơm…

 

Thưa ông Liêu Thái, trong các ý nghĩa con của khái niệm từ ngữ mẹ “ Phê bình phán rơm” trên của ông, ông dành cho chúng tôi ý nghĩa nào ạ ?

 

Sau khi kết tội chúng tôi một lô một lốc những sai trái, bậy bạ mà không hề dẫn chứng, ông Liêu Thái đùng đùng trích dẫn rất dài nhiều đoạn trong hai bài viết của chúng tôi vừa dẫn trên. Do ông không đọc kỹ hai bài viết của chúng tôi, mắt nhắm mắt mở vì phương pháp luận “ phê bình phán rơm” đắc ý ông vừa tìm được, bụng dạ hí hửng tên Trần Mạnh Hảo già mồm kia có mà ngạt thở vì rơm ngôn từ Liêu Thái ta phủ nhà ngươi ngạt thở, nên ông đã chữ tác đánh chữ tộ, nhầm lẫn cho những lời nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên và nhà văn Nguyễn Hiếu là lời của Trần Mạnh Hảo. Và thế là TMH tôi tự nhiên bị thế mạng cho hai đồng nghiệp kia. Chao ôi, là ông Liêu Thái, rơm với chẳng rạ, phê với chẳng bình…

 

Xin ông Liêu Thái đọc kỹ bài của chúng tôi, xem ông đang “ đánh ai” : Trần Mạnh Hảo hay Nguyễn Hiếu hay Đỗ Ngọc Yên ? Ông trích ra lời Nguyễn Hiếu và Đỗ Ngọc Yên trong bài viết của tôi rồi đổ cho tôi viết. Phê bình phê bèo như vậy mà ông cứ giả vờ tỏ ra uyên với bác, khoa với học, thưa ông Liêu Thái . Ông Liêu Thái trông chàng hiu ngỡ có tía mà viết với chả lách lầm lẫn tức cười như sau :

 

“Và, trong một luận điểm khác, ông viết/trích: “Ngôn ngữ, tư duy của người Việt ta khác hẳn ngôn ngữ, cách tư duy nước ngoài. Vậy mà Nguyễn Quang Thiều và nay Mai Văn Phấn lại tung ra những đoạn chữ mà người ta gọi là thơ cùng những suy nghĩ gần như rập lại các nói cách, tư duy của người nước ngoài cụ thể là tư duy của dân đất mới châu Mỹ. Trong suy nghĩ người Việt rất kiêng kị khi nói về quạ (quan điểm cổ xưa đó là loài chuyên mang điều gở) nay Mai Văn Phấn lại mô phỏng cách nghĩ nước ngoài cũng nói về con quạ với những câu gọi là thơ giống như thơ dịch, với kiểu tư duy và cách đặt câu xa lạ với ngôn ngữ, tư duy truyền thống của người đọc xứ ta kiểu “Con cá nhẩy vào đám mây tự vẫn (Biến tấu con quạ); Rồi lảm nhảm, loằng ngoằng nói về mái nhà như một người đang học nói tiếng Việt: Thùng rác quay mắc phải khung ảnh, quạt trần, dây điện thoại. Chiếc quần lót mặc kẹt giữa tủ bát đĩa và máy tập thể hình. Chổi cùn, bình diệt muỗi, đĩa CD chui vào tủ lạnh … (Chạy theo mái nhà). Trời ạ, thế mà người ta dám gọi là thơ thì thật là liều...” (Trích: Trạng nguyên thơ, hay là Trạng... nguyên hình? ).”


 
Nói chung, hầu như trong hai phần ba bài viết, Liêu Thái toàn dẫn lời nhà văn Nguyễn Hiếu hoặc Đỗ Ngọc Yên ( do tôi trích) ra để cho là chính Trần Mạnh Hảo đã viết thế, rồi thay vì “chơi” Nguyễn Hiếu, Liêu Thái lại dùng món võ rơm “ chơi” Trần Mạnh Hảo …


Xin quý vị đọc tiếp đoạn ông Liêu Thái nhầm Nguyễn Hiếu ra Trần Mạnh Hảo, theo phương pháp luận “ trông gà hóa quạ”:

 

“Và, không biết ông đào đâu ra cái điềm gỡ của loài quạ trong quan niệm chỉ có duy nhất người Việt mà nước ngoài không kiêng kị loài quạ, xin thưa với ông là tôi kính nhờ ông nêu thử có bao nhiêu nước trên thế giới này không lồng ghép hình ảnh loài quạ với xác chết, với điềm gở? Hơn nữa, ông bảo rằng Mai Văn Phấn “lại mô phỏng cách nghĩ nước ngoài cũng nói về con quạ với những câu gọi là thơ giống như thơ dịch, với kiểu tư duy và cách đặt câu xa lạ với ngôn ngữ, tư duy truyền thống của người đọc xứ ta kiểu “Con cá nhẩy vào đám mây tự vẫn (Biến tấu con quạ); Rồi lảm nhảm, loằng ngoằng nói về mái nhà như một người đang học nói tiếng Việt…”  Vậy, cụ thể Mai Văn Phấn đã học kiểu tư duy này của nước nào? Của ai? Hơn nữa, thế nào là tư duy truyền thống của xứ ta?”

 

Gần một phân nửa bài, ông Liêu Thái dùng để giải nghĩa, có ý dạy chúng tôi hiểu đúng khái niệm “vô thức” của S.Feud…và khái niệm viết ( làm thơ kiểu) “lối viết Automatic VIẾT NHƯ MỘT CHIẾC MÁY TỰ ĐỘNG là lối viết khai thác Siêu Thức triệt để” của trường phái siêu thực Pháp đầu thế kỷ thứ 20 đã bị bỏ qua…


(phương pháp sáng tạo tự động (automatic writing), liên tưởng tự do (free association) và các giấc mơ)

 

Chỉ cần một học sinh lớp chín biết dùng con chuột, vào http://google.com đánh máy từ khóa : Phân tâm học S.Feud hay thơ siêu thực Pháp Automatic là có thể tường minh hơn nhiều cái bài vớ vẩn ngô nghê ông Liêu Thái giảng cho tôi về phâm tâm học với vô thức....

 

Đoạn, Liêu Thái lấy những câu thơ của trường phái thơ “ Tân …con cóc” ( hậu…con cóc) ra bình bừa phứa, khen ngợi tù mù, vô lối như sau :

 

Tôi xin phép phân tích ngắn để so sánh giữa Cửa Mẫu của Mai Văn Phấn và Khép Lại của ông để thấy sự khác biệt hoàn toàn giữa hai thứ mà ông cho rằng nó giống nhau, ông có thể mô phỏng, làm cả ngàn bài…


Mẫu nâng niu con ánh trăng
Tiếng chuyền cành tiếng hú
Da thịt con yêu trải sâu đêm tối
Dựng tầng mây mưa nguồn


Mở đầu của đoạn thơ này là một phức cảm, đi từ ánh sáng đến âm thanh, nhục thể, và ý hướng Hình nhi thượng… Nhằm mô tả một thứ âm thanh, hình ảnh khác được khởi lên từ vô thức, tiềm thức thông qua sự chứng nghiệm, trải nghiệm của ý thức để rồi phác họa trên câu chữ, con chữ ở đây đóng vai trò minh họa, mô phỏng cho dòng chảy của phức cảm phía sau nó.


Cành cây la đà mặt nước
Một con chim vừa đậu

Tiếp theo là một nét chấm phá, được tách riêng thành một khổ (đương nhiên kĩ thuật tách khổ hoàn toàn dựa vào ý thức) nhằm mô phỏng một cái bóng khác của đời sống vừa mang mang chiêm bao vừa ngây ngây thực tại. Nó hiện hữu cũng đồng nghĩa với sự hiện hữu của người thơ.


Chỉ mình con thấy chú chim nhỏ kia rất xa con đường
Xa mảnh vườn những đàn chim khác
Con lặng lẽ đi qua vầng mặt trời đáy nước
Nhìn hương bầu trời mở đôi cánh
Ngọn cây vườn mỏ con chim
Đang cúi xuống mớm vào miệng con từng hớp gió
Tiếng hạt vỡ trong ngực
Bãi trống và quả xanh
Qua rừng sâu tán lá rậm rạp
....

Đây là một lời giải bày, một kiểu tự sự chông chênh giữa mộng và thực, giữa một thực thể phi ý thức này (Con) với một biểu tượng phi thời gian kia (Mẫu). Toàn bộ khổ thơ là một sự hàm ơn, nỗi hân hoan của một thực thể vừa trực nhận, vừa được quán chiếu vào sự sống thường hằng, vừa nhìn thấy ý nghĩa của đời sống cùng mối tương quan sinh tử của nó trong một khoảnh khắc dị biệt chỉ riêng người thơ nắm chớp.

 

Qủa là xứng đào, xứng kép : những câu thơ dễ dãi viết linh tinh vô lối theo trường thơ “ Tân …con cóc”  của Mai Văn Phấn thật xứng với những lời bình tơ lơ mơ, tù lù mù cũng rất vô lối, rất sống sượng, rất sến, rất vớ vẩn vi vu, áp đạt theo trường phê bình “ hậu…con cóc” này của Liêu Thái…

 

Chúng tôi xin ra mắt lối thơ Automatic- tân máy tự động, tân…con cóc bằng hai bài tặng ông Liêu Thái và các thi hữu trường thơ viết như máy tự động không cần tâm hồn, tư tưởng hay cảm xúc, cóc cần hay dở, cóc cần tài năng. Nè thơ tôi mô phỏng trường phái đại dễ dãi, đại bông phèng của các ông, xin đọc :


CON CÓC CỦA ĐỜI TÔI

Ơi những con cóc Làng Chiền vẫn ồm ộp thơ tôi
Ồm ộp cả đời tôi những vần thơ cóc cáy
Những con cóc chết vẫn phơi trong lòng tôi nỗi ngoại tình nhái bén
Ai chết rồi biến thành cóc cho tôi
Kìa thơ tôi nhảy trên đường làng đớp mối

Con giun ơi hãy canh giữ cho hồn tôi những con cóc bữa ăn của cậu ông trời nghèo khổ xù xì thiên lương núp gầm giường thế sự

 

Những con cóc canh giữ tuổi thơ tôi tháng ba cả đất trời giao hợp cóc
Những con cóc dạy thơ tôi úp thìa, dạy thơ tôi sáng tạo nòng nọc chữ
Cóc chết rồi một trăm năm tôi vẫn quay hồn về làng cũ để thương tâm

Cóc khóc đêm đêm đẫm lệ dế mèn cố hương ơi lầm lũi 
những người đàn bà ăn thịt cóc thay cơm nhảy chồm chồm ra ruộng cấy
Làng Chiền của em nâu da cóc bọc tâm hồn diễm lệ 
Tôi khóc rống lên lời sông Đáy thủy triều nứng mưa nguồn em tái giá

Mai này chết đi cho hồn tôi về Làng Chiền canh giữ những con chó cái mồ côi chồng đêm đêm hóa bướm

Cho tôi làm con cóc tía của đời tôi
Hồn tôi cũng ăn giun ăn mối ăn kiến mà trường tồn cùng Làng Chiền với cóc
Tôi khóc nấc lên khúc thi ca Automatic Làng Chiền

Hết phỏng thơ Automatic tân…con cóc…hậu …con cóc…
Xin ông Liêu Thái thương cho chúng tôi mà cho mấy công án “phê bình phán rơm” ạ.


Thưa ông Liêu Thái

Những gì tạo ra bằng sự dễ dãi hầu như rất ít giá trị

Thơ viết một cách dễ dãi, linh tinh, tào lao chi khươn như trường phái viết như một chiếc máy tự động phi tâm hồn phi truyền cảm phi ý tứ phi hàm súc như trường phái thơ các ông đang theo, tôi xin lấy cả mặt trăng liềm đang nghiêng qua cửa sổ phòng tôi ngay lúc này mà cá với ông rằng, những ngữ thơ đó hoàn toàn vô giá trị.,.


Sài Gòn ngày 20-6-2012

T.M.H

(http://trannhuong.com)

BÀI KHÁC
1 2 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị