Cơ sở hình thành các hiện tượng văn học (tiểu luận) - Văn Chinh

Cơ sở hình thành các hiện tượng văn học

   

 

Nhà văn Văn Chinh

 

 

 

 

maivanphan.vn: Nhà văn – nhà phê bình văn học Văn Chinh vừa gửi tôi tiểu luận “Cơ sở hình thành các hiện tượng văn học”. Đây là bài viết đầy đủ nhất, được công bố lần đầu trên website maivanphan.vn. Xin cảm ơn Nhà văn – nhà phê bình văn học Văn Chinh! Trân trọng giới thiệu tiểu luận này với Quý Bạn đọc.

 

 

 

 

Văn Chinh

 

 

Lời thưa

 

Không phải tất cả những nhà thơ tôi chưa nhắc đến đều đã thua thời gian. Đây mới là phần II.1, phần Cơ sở hình thành hiện tượng thơ chống Mỹ nằm trong kết cấu bài tổng luận Một thời đại nữa, trong thơ của tuyển tập Tiểu đội thơ chống Mỹ tôi đang soạn. Hy vọng tôi sẽ trả nợ xong món nợ tình yêu, món nợ ký ức tôi đã vay để hình thành nên khuynh hướng thẩm mỹ cho văn nghiệp của mình. Vả lại, chắc gì những ghi nhận của tôi đều đúng cả? Vậy nên chỉ dám trộm nghĩ, là một số hồn thơ đã cạn hoặc còn nhưng bị cuốn theo những việc khác hấp dẫn hơn, thì cũng chỉ là ý kiến của riêng tôi. Nhưng vẫn phải mượn câu thơ Trần Đăng Khoa viết năm 1973 làm khiên mộc vậy:

 

Cái còn thì vẫn còn nguyên

Cái tan thì tưởng vững bền vẫn tan

    

1. Cơ sở hình thành

 

Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XII, 2014, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Triển lãm thế hệ thơ chống Mỹ gồm trên 40 nhà thơ. Quy chế chọn của Ban tổ chức là, tác giả phải là một nhà thơ đến nay đã có thành tựu rõ rệt nhưng nhất thiết phải xuất hiện trong 10 năm, từ 1964, năm Mỹ ném bom xuống miền Bắc đến hết ngày 30 – 4 – 1975, dù trong khoảng thời gian đó, họ chưa đủ độ chín để có thơ hay. Dù bạn đồng ý với quy chế này hay không, con số trên 40 vẫn tự nó so sánh với trên 40 nhà thơ của Hiện tượng thơ Mới 1932 – 1941 và nảy sinh một vấn đề: Vì sao hầu hết các nhà thơ Mới tài năng đã nở rộ, đã chín ngay trong 10 năm còn các nhà thơ chống Mỹ thì chưa? Tôi biết, trả lời câu hỏi này là không dễ và buộc phải dài dòng. Quả thực, yếu nhân của thế hệ thơ chống Mỹ là Thanh Thảo, Hữu Thỉnh thì mãi đến năm 1979 – 1980 mới có Những người đi tới biểnĐường tới thành phố, hai trường ca sẽ đưa tác giả lên hàng đầu của thế hệ mình. Hiện tượng thơ chống Pháp cũng vậy, những tập thơ trụ cột của nó, Người chiến sĩ của Nguyễn Đình Thi, Đây! Việt Bắc của Trần Dần và Đầu súng trăng treo của Chính Hữu…chỉ được xuất bản sau 1954. Những Gió Tuy hòa, Nhớ máu (Trần Mai Ninh) Đèo Cả (Hữu Loan) Tây tiến (Quang Dũng) Bà bủ (Tố Hữu) Nhớ (Hồng Nguyên) Viếng bạn (Hoàng Lộc) Nhớ (Nguyễn Đình Thi) Chiều mưa đường số 5 (Thâm Tâm) Bài ca vỡ đất, Bộ đội về làng (Hoàng Trung Thông) Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ) Thăm lúa (Trần Hữu Thung)…thì đó chỉ là các bài thơ lẻ; tuy về mặt thi pháp và ngôn ngữ thơ, nó đã bỏ rất xa thơ Mới. Từ điểm nhìn thi pháp có thể thấy, một Tố Hữu tạt ngang vào thơ Mới khi nó đang thoái trào, thổi vào đó ngọn lửa lòng yêu nước khát vọng độc lập, kéo vắt nó sang đến thời chống Pháp. Ở sứ mệnh thi ca của họ, Tố Hữu giống Tản Đà hơn 20 năm trước, đã “dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỷ đương sắp sửa.” để tạo đà cho thơ thời chống Pháp. Đã không có buổi hòa nhạc như thế diễn ra trên thực tế, sấm hứa hẹn chân mây mà cơn mưa bay mất (Hữu Thỉnh), tất cả là tại chiến tranh ác liệt, thậm chí đơn giản chỉ là những bậc tài danh đầy hứa hẹn như Trần Mai Ninh, Thâm Tâm, Hồng Nguyên, Hoàng Lộc…đã anh dũng hy sinh. Chiến tranh du kích với đặc điểm phân tán nhỏ lẻ, khi có điều kiện tập hợp thì các cuộc sinh hoạt văn nghệ tập thể, nơi thơ đành ưu tiên cho hát đồng ca, vừa vỗ tay vừa hát tập thể, độc tấu hò vè kiểu “đóng nhanh lúa tốt.” Trong điều kiện như thế, nhà phê bình lớn Hoài Thanh đi nói chuyện thơ bộ đội, nhà thơ tượng trưng Thanh Tịnh sáng tạo thể tài nghệ thuật độc tấu thô sơ rồi sẽ để lại sở hữu trí tuệ cho Phùng Quán – người em nuôi của ông thừa kế, phát triển thành giọng điệu thơ quảng trường.

 

Vâng, nếu máy móc so sánh hai khoảng thời gian 1932 – 1941 và 1964 – 1975 thì thật không công bằng. Mặt khác, âm hưởng chủ đạo của thế hệ nhà thơ này, sau 1975 vẫn là đề tài chiến tranh; có điều kiện để đào sâu hơn cái hiện thực khốc liệt mà trong thời chiến nó bị che khuất, bị phiến diện, mọi cung bậc tình cảm, mọi tìm tòi thi pháp đều bị làm mờ đi cho cảm hứng anh hùng, chiến thắng sáng rõ lên trở thành ngọn cờ tập hợp tinh thần của toàn dân tộc. Với độ lùi thời gian, mọi bức xúc bột phát Đường ra trận mùa này đẹp lắm, Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ, Hơn nghìn trang giấy luận văn chương…mới có thể lắng xuống, tâm có tĩnh như mặt hồ thu, mới có thể soi chiếu toàn bộ hiện thực. Vả chăng, liệu chúng ta gọi tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolstoy là gì nếu nó không là đề tài chiến tranh chống Pháp, mặc dù Cutuzov đánh bại Napoleon từ hơn 50 năm trước?

 

Đến đây, theo lẽ thường, tôi cần bàn về các giá trị nổi bật của thế hệ nhà thơ này để tự nó so sánh với hiện tượng thơ Mới. Nhưng một mặt, âm vang của nó vẫn còn là ấn tượng, có khi còn là ký ức của nhiều người; mặt khác, các nhà phê bình nghiên cứu trong đó có thể là chính các bạn đã nói và nói rất hay, với rất nhiều góc nhìn nghệ thuật về thành tựu của nó.  Chỉ xin được nói thêm một điểm: Không phải ai khác, người yêu thơ Mới nhất nước Nam ta là Hoài Thanh đã nói, để làm Thi nhân Việt Nam, ông đã phải đọc một vạn bài thơ, trong đó có ngót một vạn bài dở. Ông nói: “Chế Lan Viên hoàn toàn bất mãn với Điêu tàn…”Ông còn nói: “4.000 người có thơ in sách báo, chừng 40 người có thơ trích trong quyển này, và may mắn 4 người sẽ có tên lưu truyền hậu thế!” Vâng, kẻ vãn sinh này xin kính theo tiên sinh. Nhưng bằng vào trực cảm, tôi thấy có khoảng mười nhà thơ Mới đang cùng một tiểu đội thơ chống Mỹ đều bước trên hành trình đến mai sau.(1)  Trước khi lên đường, Chế Lan Viên nhặt rất ít ở Điêu tàn, không nhiều hơn ở Ánh sáng và Phù sa hay Hoa trên đá, nhất là so với Di cảo I II để biên chế trong hành trang.

 

Cũng như thơ Mới - Tự lực Văn đoàn, hiện tượng Thơ chống Mỹ có khát vọng độc lập tự do được nâng lên thành lý tưởng, cuộc chiến tranh đối với họ, là bảo vệ khát vọng ấy cộng với bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước:

 

Ta đến hôm nay đã không là sớm

Đất nước hành quân mấy chục năm rồi

Ta đến hôm nay cũng không là muộn

Đất nước còn đánh giặc chưa thôi

                                                  Phạm Tiến Duật

 

Sao Tổ quốc mà  chỉ còn nửa nước

Dẫu địa lý chúng con thường ít thuộc

Nhưng nỗi đau này chúng con nhớ hơn

                                      Nguyễn Khoa Điềm 

 

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc được sống dưới một chế độ ưu việt đến mức, ngay cả sai lầm Cải cách ruộng đất và vụ án Nhân văn giai phẩm vẫn chỉ là những chấn thương không có tính hận thù đối với thế hệ học đường. Tôi không rõ lắm những người trực tiếp chịu oan ức thì sao, chứ tâm thế tôi, con cháu địa chủ thì là như thế. Xã viên ngày công vẫn còn được 10 kg lúa, chủ nhiệm chưa xây nhà xây sân; trẻ em miễn phí học đường, học sinh xuất sắc còn có học bổng 3 đồng mỗi tháng (hối đoái Ngân hàng tại thời điểm ấy = 4,2 USD, mãi lực = 300.000 VNĐ bây giờ); ra đường nhặt được của rơi đua nhau trả lại, mỗi ngày đến trường với chúng tôi là một ngày vui, nghe thầy giảng Lên miền Tây:

 

Buồm tổ quốc có hồn ta làm gió

Sự nghiệp anh hùng ta vinh dự góp bàn tay

                                                    Bùi Minh Quốc

 

Lòng cứ là phơi phới lãng mạn. Cần nói rõ, cái ăn vẫn thiếu, cái mặc chưa thật lành  chứ không ê hề đến phát khiếp như hôm nay. Nhưng cuộc đời thật đẹp, khiến ai ai cũng nghĩ, cứ hăm hở mà đi, chỉ từ sáng đến chiều là tới được chân trời hạnh phúc:

 

Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh

Vẽ cả ngày mai thành bức tranh

                                                  Hoàng Trung Thông

 

Vậy nên trưa ngày 5 – 8 – 1964 Mỹ mang bom đến ném ở Quảng Bình, Quảng Ninh là ném vào chân trời hạnh phúc của chúng tôi, ném vào độc lập tự do của toàn dân tộc; tiếng nổ của nó lay động cả hồn thiêng sông núi. Chính nó, tạo thành xung lực văn hóa, từ tâm trí mỗi người văng ra, vọng vào vách đá lịch sử để dội lại, khi đến được mỗi trái tim tuổi trẻ, nó biến thành sức mạnh và cộng hưởng thành sức mạnh dân tộc. Nhiều sử gia, nhiều nhà thơ thời Việt Nam cộng hòa vẫn nói cuộc chiến ấy là chiến tranh ý thức hệ và có thể họ không sai trên lý thuyết, nhưng trên thực tiễn, với riêng tôi và với thế hệ thơ chống Mỹ như tôi quan sát thấy là khác hẳn, như đã nói ở trên.

 

Có một điểm khác nhưng không khác xa với Tự lực Văn đoàn: Mặc dù thế hệ thơ chống Mỹ hiếm người có thể đọc trực tiếp thơ thế giới, nhưng nhờ chế độ văn hóa ưu việt, mọi trường thơ phương Tây, cổ điển như Pushkin, Byron tượng trưng như Baudelaire, vị lai như Maiakovsky đến modern tân kỳ như Walt Whitman, Pablo Neruda…thế hệ này đều được đọc bằng những bản dịch chất lượng cao, trong các ấn phẩm rất hiếm khi sai lỗi chính tả. Như thế, trên cái nền giáo dục còn được quản lý bởi những Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu; với một đội ngũ thầy dạy văn từng được đào tạo bởi nền giáo dục kết tinh phương Tây trên nền tảng Hán Việt thâm hậu, tài năng thi ca nẩy nở rầm rộ; tình yêu thi ca đông đảo hơn, đồng đều hơn thời thơ Mới ra đời.

 

Một điểm khác nữa, có lợi thế so sánh là thành tựu của thơ Mới – Tự lực Văn đoàn trở thành điểm tựa của thế hệ thơ chống Mỹ; thành một truyền thống mà tính tích cực của nó còn gần như nguyên vẹn. Nền tảng tiếng Việt được chính họ góp phần chuẩn hóa, được tiếp tục sinh sôi qua 9 năm chống Pháp với cư dân các vùng luân chuyển do tản cư, do hành quân hay dân công phục vụ chiến dịch…đã trở nên giàu có trong sáng. Hệ thống thư viện phổ cập đến các trường cấp II, tức là hầu hết các làng xã đều đọc thơ chống Mỹ, đặc biệt là được ngâm qua Đài tiếng nói Việt Nam với một lượng người nghe khổng lồ. Vào cái phút bốn câu thơ Tố Hữu ngân lên trên nền nhạc đệm:

 

Ôi tổ quốc giang sơn hùng vĩ

Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi

Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ

Có miền Nam anh dũng tuyệt vời

 

Câu thơ có hay đâu, vậy mà làm nao nức lòng người; có thể nói, 30 phút tiếng Thơ của Đài TNVN với 4 câu thơ ngân cùng nhạc hiệu thì đó là khoảng thời gian đất nước tràn ngập thơ ca. Khẩu hiệu văn hóa hóa kháng chiến khởi từ thời chống Pháp, cho đến bấy giờ mới thật đi vào từng ngõ nhỏ và đến lượt mình, văn hóa dân tộc trở thành nhiên liệu nuôi dưỡng chính khí ngùn ngụt cháy dài hơn một cuộc chiến tranh.

 

Điều đáng nói là, mặc dù không nhiều thi pháp mới được khai triển, cái vần điệu của thơ Mới từng bị các nhà thơ trên chiến khu giễu nhại, nhưng do đã biệt vô âm tín gần 20 năm mà với tuyệt đại đa số bạn đọc thì còn là mới, rất mới khi chúng được tái sử dụng trong các thi phẩm thời kỳ này. 

 

Có hai yếu tố đặc biệt làm nên diện mạo thơ chống Mỹ không có trong thời thơ Mới:

 

1.1 Truyền thống thơ chiến tranh của Đại Việt, một trường thơ hùng tâm tráng chí từ thời Lý vắt qua Trần, đến đầu Lê thì bùng nổ cùng với văn chính luận của Nguyễn Trãi chợt trở thành nền tảng lý luận, phổ âm hưởng chính khí ca cho thơ chống Mỹ, góp gia cố vóc dáng khỏe khoắn mà bất ngờ hiện đại, như trường hợp thơ Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo là khá rõ rệt. Cũng Lý Trần với cái thích thảng của thơ Thiền, cái hồn nhiên của Đạo Mẫu cư dân được sống ở thời hào hùng có những ông vua nổi tiếng thân dân đã phổ vào thơ chống Mỹ, khiến cái chính khí ca nhuần nhị hơn ở Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, giúp lược bỏ cái lùa thùa véo von của thơ Mới. Vẫn là thơ tám chữ lưu hành trên diện rộng thời thơ Mới, nhưng đến Bằng Việt đã gần như khác lạ. Có lẽ, giọng của thơ khiến nhớ đến giọng của Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã:

 

Sông Hồng ơi giông bão chẳng thay màu

Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp

Chùa Một Cột đổ trên đầu giặc Pháp

Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen

 

 

Cái Tôi từ thơ Mới đã hòa trở lại vào cái Ta, nhưng chuyển hóa tài tình để vẫn còn là nó, thậm chí là rất Tôi ở chỗ không còn rên rỉ yếm thế trước thời cuộc; mà Tôi chấp nhận đối diện với thách thức ngoại cảnh, trong thơ Xuân Quỳnh:

        

Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi

Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt

      

ngoại cảnh, ở đây là lá chuối, thành phố đã kết thành tổ cho cái Tôi, trong thơ Lưu Quang Vũ:

 

Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm

Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc

Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất

Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi

 

và trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thì Tôi đối diện với lịch sử:

 

Từ đây đến đấy xa thay 

Đầu xưa ai đứng cuối này là tôi

Bao nhiêu thời đại qua rồi

Chỉ còn vọng giữa đất trời tiếng ngân

 

 

Tôi muốn mượn lối nói của Hoài Thanh, người lái buôn thứ nhất mang cây đinh từ phương Tây vào Việt Nam đã gieo một cái mầm cho thơ mới, để hiểu câu thơ Xuân Quỳnh như một trực cảm thiên tài về cái nhân tính đến một ngày kia có thể chỉ còn là quả chuối ni lông của thị trường, hôm nay (1973) chị thấy trên miệng một hố bom ở Quảng Trị:

 

Quả chuối ni lông rơi

Đứa trẻ khóc trong hầm

      

Hoài Thanh, lại là Hoài Thanh từng viết như một dự cảm với ít nhiều xác tín vào năm 1941 rằng: “Di sản tinh thần của cha ông đại khái hãy còn nguyên vẹn cả. Tôi tin rằng nó có thể đem sinh khí đến cho thơ và cứu các nhà thơ ra khỏi một tình thế chừng như lúng túng.” Nhưng nếu như di sản đã giúp gia tăng tinh thần ngôn chí cho thế hệ này, đặc biệt là thời Trần và cuối Trần đầu Lê, thì phần giúp gia tăng cái hồn nhiên mới thật là đáng kể. Hoài Thanh thật tài khi, với tư cách là linh hồn của thơ Mới lại phát hiện: “…nếu họ biết tìm thơ xưa với một tấm lòng trẻ, họ sẽ phát huy được những gì vĩnh viễn hơn, sâu sắc mà bình dị hơn trong linh hồn nòi giống.” Tôi xin thêm: Suy cho cùng, dân tộc nào mà chẳng có di sản. Nhưng may mắn cho chúng ta là di sản thời Lý - Trần có các tăng ni tham chính, để chính trị và kế đó là văn hóa Đại Việt không bị đóng băng trong giáo lý Khổng Mạnh; một kiểu lấy sóng lướt sóng để vượt thoát khỏi nghiệt ngã từng sơ nhiễm những trăm năm Bắc thuộc. Suốt thời Lê và đầu Nguyễn, Khổng Mạnh lại độc tôn thì sinh khí dân tộc giạt ra ngoại biên, tìm cách bảo tồn và phát triển trong những lũy tre làng để được hồn nhiên là mình. Đó là điều thế hệ tôi học được. Trong các nỗ lực khai mở, săn tìm thi pháp như một gấp gáp bổ sung cho cái thời gian bị mất, Hữu Thỉnh và Nguyễn Duy đào sâu hơn vào di sản trầm tích, sâu hơn chỗ Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Vũ Đình Liên dừng lại. Hữu Thỉnh theo hướng dân ca:

 

Đất nước theo em ra ngõ một mình

Cau vườn rụng một tàu đã cũ

 

rồi:

    

Ước gì có chút hương bồ kết

Cho đá mềm đi núi ấm lên

 

Nguyễn Duy theo hướng dân dã vỉa hè nơi được coi là tã lót của văn chương truyền miệng:

 

đừng chê anh khoái bụi đời

bụi dân sinh ấy bụi người đấy em

xin nghe anh nói cực nghiêm

linh hồn cát bụi ở miền trong veo

rủ nhau cơm bụi giá bèo

yêu nhau theo mốt nhà nghèo…vô tư!

 

Mượn cách nói của Hoài Thanh, tôi hình dung thế hệ thơ chống Mỹ có diễm phúc hơn là được đứng trên vai cha anh, lại có ý thức tựa vững vào di sản tích cực của tiền nhân. “…thơ Việt đã diễn lại trong mười năm cái lịch sử một trăm năm của thơ Pháp, từ lãng mạn đến Thi Sơn tượng trưng và sau tượng trưng”, Hoài Thanh đã viết như vậy hơn 70 năm trước. Bây giờ xin bình cũ rượu mới, rằng thế hệ thơ chống Mỹ đã tái sinh những giá trị ngàn năm ông cha đánh giặc bằng thơ với lối tượng trưng gần gụi Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Giang Văn Minh) nên thơ của họ phong phú một cách ít lời:

 

Mặt trận miền Tây

Sáu mươi cây số trời

Mặt trận miền Tây

Sáu mươi cây số đất

Mặt trận miền Tây

Sáu mươi cây số người

(…) Chỉ đồi cát sát mắt nhìn trắng xóa

Gió âm u thổi rỗng cả lòng trời

                    Nguyễn Đức Mậu

 

một mặt, họ “diễn lại” cái ngọt ngào của âm điệu thơ Mới nhưng nhiều hơn là dân ca, mặt khác họ tiếp tục sự nghiệp tìm tòi cách tân còn bỏ dở của các nhà thơ chống Pháp, đẩy nó dứt khoát về phía hiện đại.

 

1.2 Tuy nhiên, thế hệ thơ chống Mỹ bị những thắt ngặt duy ý chí. Ngoài cái thắt ngặt tự nguyện, “có chỗ để thể tình” như Vũ Quần Phương đã nói, còn do quan niệm cứng nhắc của các Ngự sử văn đàn, được hình thành từ thời chống Pháp. Điều đáng bàn ở đây là, cơ chế kiểm soát này, sau 1975 vẫn được sử dụng vì mục đích khác. Nó hạn chế sức sáng tạo, với nhiều người là bị chán nản, thui chột tài năng. Chỉ cần một ví dụ, hầu hết tập Một chấm xanh của Phùng Khắc Bắc là được viết ngay sau cuộc chiến trong những năm khốn khó bo bo, vậy mà rồi mãi sau khi ông chết, mới được xuất bản. Nhưng thắt ngặt cũng là một thứ vũ môn để các tài năng vượt thoát, đặc biệt vào thời điểm đổi mới, thơ của họ đạt đến cái uyên ảo. Đây là thơ Hữu Thỉnh, một dự cảm đau xót rồi đã thành ra sự thật:

 

Cơn lốc đen đánh úp lá bàng

Tôi cảm thấy mùa thu đang mất máu

Còn một chút hoa dong riềng cuối dậu

Sợ một ngày sương muối đến mang đi

 

Còn đây là thơ Đỗ Trung Lai, viết về 700 đồng đội ông hy sinh ở Sihanoukville:

 

Mỗi người sáu lít máu

Mà biển rộng vô cùng

Mỗi người sáu lít máu

Biển xanh rì như không

 

Đó là chỗ thơ ở thời 1932 – 45 chưa tới nổi.

 

2. Cơ sở để đa dạng hóa thi pháp thế hệ thơ chống Mỹ

 

2.1 Suy cho cùng, văn học phát triển được là nhờ cái mới mà cái mới sinh ra là nhờ tìm ngã rẽ, lối phủ nhận cái cũ. Một Chế Lan Viên đã hơn hai lần phủ nhận chính mình, trở thành nhà thơ duy nhất ở Việt Nam ba lần làm nên hiện tượng với ba thi pháp: Tổ chức văn bản, bài và cả tập, ở Điêu tàn là dùng thi liệu ma Hời, là Chiêm quốc; ở Ánh sáng và Phù sa, thi liệu lại là tân lý tưởng trở thành phù sa cho cây hồn tôi một thời đã cỗi; ở Hoa trên đá, Di cảo I – II là tổ chức lại chính mình, rà soát bỏ đi những vật trang trí, những cái nhầm lẫn, hướng tất cả sang phía bên kia, nơi cái Đẹp mỉm cười khích lệ.  

 

Nhưng, cũng như khi thơ Mới hình thành, nó bị cái cũ ngăn cản chống đối quyết liệt, các nhà thơ thời chống Mỹ cũng vậy. Ở trên, tôi đã nói qua về những thắt ngặt tự nguyện, cho thấy độ chín sớm của các nhà thơ thời chống Mỹ. Và không chỉ có vậy, họ còn bị thắt ngặt bởi các Ngự sử văn đàn. Khi Phạm Tiến Duật thử cơi nới không gian thơ ra ngoài cái thi pháp của mình đã trở nên cũ, đó là khi ông “dựng” ở chiến trường cái làng toàn lính và thanh niên xung phong với ngụ ý rõ ràng sẽ đánh với giặc hết đời này sang đời khác thì ông gặp nạn biểu tượng hai mặt Những vùng rừng không dân.

 

Còn ai dám nghi hoặc rằng soái chủ thi đàn nhiều năm, khai quốc công thần của thơ Việt Nam hiện đại là Xuân Diệu lại không tinh tường khi thẩm định thơ? Vậy nhưng ông lại là người nổi tiếng ghét những ai đi ra ngoài luồng thơ Mới, Nguyễn Đình Thi năm 1949 là ví dụ thứ nhất, Hữu Thỉnh năm 1980 là ví dụ thứ hai. Trong bài viết có tính tổng kết một năm thơ rất dài, đọc tại lễ trao Giải thưởng cho Đường tới thành phố, đăng gần 2 trang báo Văn nghệ, ông đã dành 2/3 số chữ để chê nó - chê cô dâu mắt lác vào đúng ngày cưới như một người đương thời bình luận. Nhưng đâu chỉ có Nguyễn Đình Thi và Hữu Thỉnh, ngay với người cùng thời, người mà Chế Lan Viên đã cả quyết: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau (…) còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử.” Người mà Hoài Thanh tự thấy bất nhẫn khi chê: “Không có bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá.”Nhưng, cũng theo Hoài Thanh, Xuân Diệu đã viết vào năm 1938, năm Hàn đang ở Trại phong Quy Hòa và sẽ mất 2 năm sau đó: “…những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: ‘Tôi điên đây! Tôi điên đây!’ – Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống.” Tôi không biết chắc khi khen thơ “binh nhì’ là bậc nhất” bên cạnh việc chê thơ Nguyễn Đình Thi là vì cái gì, nhưng biết rằng, ông vua thơ tình này miêu tả đắm đuối thì tài lắm, nhưng không có nổi bài nào hay như Bẽn lẽn, nơi cái Đẹp bầy ra thành thực, bầy hết mà lại quyến rũ người đọc đi qua nó để đến cái Đẹp cao quý hơn, muôn đời hơn; ngay ở thi pháp tượng trưng, Hàn cũng đi xa hơn ông nhiều:

 

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

- Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông vắng nắng chang chang

     

Gần đây, với tư cách bạn đọc, tôi yêu văn thơ của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đỗ Chu, Đặng Huy Giang, Trần Ninh Hồ, đây là danh sách xếp theo tài năng, chứ yêu nhất thì phải kể Lê Đạt, Đỗ Chu; nhưng ba ông sau có niềm tin rằng, ba ông trước chỉ là rồng trong mây, cứ ẩn trong mây là vụ án Nhân văn Giai phẩm thì ghê lắm chứ đã hiện hết như thế, thì xem ra cũng không có gì. Mà đấy là ba tài năng, có những đóng góp, có ý thức làm mới văn, thơ; chứ còn những người bất tài, cái ghét đổi mới của họ mới thật ghê gớm. Nhẹ nhất là bị chê rằng không truyền thống, rằng “tây gỗ” “tắc tị, hũ nút”, còn nặng thì bị gạt ra ngoài giải thưởng như Cõi lặng của Nguyễn Khoa Điềm, Viết dưới bóng quê nhà của Lê Văn Ngăn – hai tập thơ có thật nhiều da diết với nỗi lo âu làm người tử tế cho xứng với Mẹ, đã bước một bước dài qua bãi tha ma của xác chữ sáo rỗng, xác nhịp điệu trơ mòn; câu thơ người này ngắn đi cho tứ thêm rắn chắc, câu thơ người kia dài ra, vắt vẻo thành những điệu hồn làm phong phú thêm điệu tâm hồn trong thơ Việt.

    

Tuy thế, với tài năng và ý chí từng được tôi luyện của mình, thế hệ này vẫn hình thành được một tiểu đội thơ chống Mỹ với mỗi chiến sỹ là một thi pháp riêng và nếu con số của tôi là đúng sự thật, thì có thể nói chính thi pháp là hạt nhân đã làm nên họ, hôm nay. Tôi đã có bài bàn riêng về thơ Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thi Hoàng. Ở bài viết này, xin chỉ nhắc đến họ khi cần mô tả bức tranh thi pháp của hiện tượng thơ chống Mỹ; trong một ưu tiên sâu hơn các đội viên còn lại của tiểu đội. Và bắt đầu từ Phạm Tiến Duật, thi pháp thơ ông được hình thành và đổi mới ngay trong 10 năm của cuộc chiến.

 

Phạm Tiến Duật từng nói, Lưu Quang Vũ mới hơn thơ Mới nhưng cũ hơn chúng tôi. Ông đã đúng khi tập Cuốn sách xếp lầm trang của Lưu chưa công bố, Phạm thậm chí còn đi xa hơn thơ chống Pháp. Hương cây Bếp lửa của Lưu Quang Vũ Bằng Việt là niềm trao gửi của cha anh đối với thế hệ chủ lực xung trận, với một nhắn nhủ rất rõ: Làm xao xuyến lòng bạn trẻ như Vũ cũng tốt, nhưng cũng cần nghĩ ngợi, tăng thêm cái rắn rỏi của trí tuệ như Bằng Việt. Thi đàn nghe rất tinh. Lê Anh Xuân đã đi từ cái đắm say Nhớ mưa quê hương đến thẳng chủ nghĩa anh hùng với Dáng đứng Việt Nam mà không qua một bước đệm nào. Nguyễn Duy sẽ bung phá thi pháp rất dữ về sau, nhưng khi mới xuất hiện chỉ như con tằm bọc trong lòng nhân dân có tên là Hơi ấm ổ rơm. Cùng với Nguyễn Duy có chùm các nhà thơ dự giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972 – 73 và chiếm giải Nhất, Nhì là một loạt những ký ức thời học trò trong veo, đơn giới đã cất lên: Anh bộ đội và tiếng nhạc la (Hoàng Nhuận Cầm) Cây xấu hổ (Anh Ngọc) Thung lũng tiếng chim (Lâm Huy Nhuận)…Giải Nhất Hoàng Nhuận Cầm đến nay có một bài còn đọc được, bài Nhật ký:

 

“Sáng:

Bình minh ấy là bình minh kỷ niệm

Chiều:

Hoàng hôn như lạ lại như quen

Tối:

Tắc kè ném lưỡi vào đêm

Có ngủ được đâu

Nằm nghe lá thở

Nằm nghe súng nổ

Đánh giặc lần đầu ai chả thế

Thôi sáng rồi, vẫn tiếng gà xóm mẹ

Cuốn võng vào theo hướng súng mà đi”

 

Nhưng trước đó, giải Nhất cuộc thi thơ 1968 -69 là chùm Lửa đèn, Gửi em, cô thanh niên xung phong, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Nhớ của Phạm Tiến Duật mới để lại dấu ấn thi pháp thật rõ rệt. Đó là giọng điệu ngang tàng mang tâm thế anh hùng của kẻ ra trận. Như mọi người đều biết, đến thơ Mới, cái Tôi phản chiếu qua tấm gương phương Tây, người ta ngắm mình trong đó với ít nhiều bẽn lẽn, thẹn thùng và khi “nói ra”, Tôi vẫn còn ngượng trước một tập quán ngàn năm là một tấm gương khác đang nghiêm khắc chê bai và khúc xạ Tôi thành ra hủ bại, lố lăng. Tôi của thời chống Pháp được hậu thuẫn bằng cả dân tộc đang trên đà coi mọi cái thuộc về phong kiến đế quốc đều đáng phải lên án nếu chưa đến độ phải đập phá cho tan tành. Đến thế hệ Phạm Tiến Duật, Tôi lại còn được ủ men thêm mười năm trong tinh thần chủ nhân ông của đất nước như một lý tưởng thời đại. Chưa hết, cái Tôi ấy lại còn được tựa vững trong lẽ phải, trong ngàn năm cha ông đánh giặc, nó đã tạo nên tâm thế cao và vô cùng vững chãi cho người sáng tạo. Nhờ tâm thế ấy, như tôi nhớ thì từ 1932, chưa có ai dùng nổi tên nước vào ngữ cảnh của một quan sát viên quốc tế:

 

Bóng tối ở Việt Nam

Như khoảng trống giữa hai màn kịch

Chứa bao điều thay đổi lớn lao

 

Ông cũng không ngại bị buộc tội phạm thượng hay ít nhất là bị coi như “hỗn”:

 

Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang

Mà không biết con đèo chạy dọc

 

Và ông ngày một thành thạo thao tác nhìn ngược lại các sự vật không thơ, xoay vần nó theo cái cách mình muốn, để thơ bật ra:

 

Thời Tây kệ Tây thuốc cứ thuốc

Xã hội không ngoài ba mươi tư ngăn

Đau bụng trần bì, bổ tỳ bạch truật

Thời nào cũng bốc bấy nhiêu thang

(…) Hà Nội đến tận cùng gốc rễ

Đến tận cùng xưa cũ đã ra quân

 

Đấy là Hà Nội đánh tiếng với miền Nam, với chiến trường và với cả Mỹ Thiệu. Còn đây là tiếng của khốc liệt chiến trường nhưng khi vọng về đến Hà Nội và cả nước thì lại khiến yên lòng:

 

Thế đấy giữa chiến trường

Nghe tiếng bom rất nhỏ

 

 Với tâm thế lạc quan đến ngang tàng, Phạm Tiến Duật được chiến tranh chọn làm người lĩnh xướng của dàn đồng ca và ông đã rất xứng đáng với sự lựa chọn ấy, đã hoàn thành xuất sắc, trong thơ. Cho đến khi gặp tai nạn Vòng trắng, (1973) gần như “bị” treo bút, Phạm Tiến Duật đã buồn nhớ thời huy hoàng của mình, và gửi nó trong bài Hát đồng ca, nhớ đồng ca (1978). Đó không chỉ là năm năm sống trong buồn bực, niềm cô đơn đã khiến ông có những nhận thức khác và ông làm thơ về điều đó với một thi pháp dùng chính nó làm vật liệu:

 

Phần nào trong người nóng lên đến chóng mặt

Phần nào của người lạnh ra thế, người ơi

 

Người từng được cả nước yêu mến vồ vập, vậy rồi vào năm 1978, trên cánh đồi dứa của nông trường Ba Vì lại phải nhớ đồng ca; đã phải nằn nì hỏi cái áo của cô thanh niên xung phong phơi trên dây thép trong khi cô đang tất tả ngoài nương đồi:

 

Áo có quen anh không, áo có nhớ anh không?

 

Nhưng đó chưa phải là tận độ của cô đơn. Sau này khi in vào tuyển, Phạm Tiến Duật đã chua dưới bài thơ Hát đồng ca, nhớ đồng ca rằng đến cái lúc ngay cả vợ cũng không hát cùng anh nữa. Tận độ của cô đơn phải là khi ông nhìn Cây tháp nước bị bỏ hoang ở phường Trung Tự, nơi có căn hộ của ông. Tôi nói tận độ cô đơn là nói ở chỗ khi nó không còn cam chịu là loài gặm nhấm nữa, mà đã biến hóa thành vật thể hung dữ có sức mạnh hủy diệt cả quầng cả tảng:

 

Giá em cứ ở xa nơi cuối bãi đầu ghềnh
Như cây tháp hoang giữa đảo hoang nào đó
Em lại cứ hiện hình ở giữa phường Trung Tự
Đã có khi đi, lại đập vào mắt cả khi về

 

2.2 Thế hệ thơ chống Mỹ đang băn khoăn tìm tòi thì kịp gặp Đổi mới và đó là cơ sở để thi pháp của họ trở nên phong phú, đa dạng.

 

Trước hết cần ghi nhận rằng, thế hệ này đã âm thầm làm cuộc cách tân thi pháp như một nhóm trinh sát trước khi mở chiến dịch rầm rộ hơn vào sau 1986. Đó là Lưu Quang Vũ với Cuốn sách xếp lầm trang, 1972. Là Thanh Thảo với việc tránh ra thành khách, dùng cái tưng tửng giọng thời gian ở Những người đi tới biển mà cả quyết với lịch sử những giá trị của thời đại mình. Cũng giọng thời gian giúp ông bứt thoát cái véo von, cái ưa lọt tai của thói quen Việt, đổi mới bằng mọi cách để hiện đại. Những năm / Một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời // Rồi tới lúc chúng con thay áo khác /Nhưng khi cởi áo ra / Con không còn gì thay được. Hữu Thỉnh với Trường ca biển, nơi ông vừa húp xong bát cháo loãng của chiến tranh/ rồi lạnh lùng đi rửa bát lại đã phải dằn lòng mà báo động về biển đảo:

 

Người lính nói:

- Bao vốn liếng cả một đời góp nhặt

Bước xuống tàu bỗng thành kẻ tay không

Biển nói:

-Những chiếc huân chương soi sáng mãi trên bờ

Sống với nước hãy bắt đầu từ nước

Đó là nghi lễ đầu tiên và nghi lễ cuối cùng

 

Biển đảo lắng sóng trong khi Biên giới phía Bắc nóng lên từng ngày. Chưa hết, cuộc sống hòa bình với tàn dư của cuộc chiến vá víu chưa xong, đẩy những con người từng có thời được coi là lương tri của nhân loại vào một thử thách cay nghiệt, một cuộc chiến âm thầm. Hữu Thỉnh dồn nghị lực thơ, dẫn đầu tiểu đội thơ mà ông vừa trở thành tiểu đội trưởng trên chiến lũy chống xói mòn nhân tính. Sẽ là không lạ nếu giờ đây nhìn lại thi pháp Hữu Thỉnh trong Thư mùa đông, Thương lượng với thời gian, ta thấy nhiều vật liệu thơ liên quan đến nhân tính:

 

Mỗi lần sau đám tang

Lòng ai cũng héo

Dạ ai cũng sầu

Tôi cứ tưởng không ai còn xấu nữa

Tôi cứ tưởng tốt với nhau bao nhiêu cũng còn chưa đủ

Nhưng không phải, trời ơi, cuốc kêu không phải thế

 

Bài Xa vắng mà hẳn nhiều người thuộc thật là đặc trưng cho thi pháp này. Dùng toàn mảnh cũ xưa của tình yêu tan vỡ, mà lại nhóm lên được trong lòng người bếp lửa ấm áp, như được tiếp sức bởi nguồn năng lượng một tình yêu không ngừng từ ký ức chuyển về.

 

Còn Nguyễn Duy đến Đánh thức tiềm lực thì đã trở nên bi phẫn với chính lối thơ mình vẫn làm, lại do bực giận mà lỡ lời, gọi là lối múa võ bán thuốc cao cái thơ của một thời; đến Kim mộc thủy hỏa thổ thì bực giận đã tẩu hỏa nhập ma và thăng hoa, lạ hẳn:

 

Quả đất nóng lên

Tầng ô zôn có vấn đề gì đó

Sọ dừa gặp vấn đề trí tuệ

Tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra

Mắt vẫn toét tai vẫn ù

Bất an vấn đề giấc ngủ

Sâu rầy vấn đề cánh đồng

Rừng cây vấn đề cháy trụi

Nón hành khất ngã vấn đề xó chợ

Trẻ lang thang vấn đề bụi đời

 

Nhưng tôi vẫn thích cái Ánh trăng, Xuồng đầy, Ông già sông Hậu, Sông Thao, Đò Lèn, Nhớ bạn…hơn.  Là người đam mê, máu nghệ sỹ rủ rê ông đi quá xa cái mạnh của mình. Thật tiếc.

 

Ngược với Nguyễn Duy, Vũ Quần Phương căn cơ cặm cụi với thơ. Tôi yêu thơ ông không phải cái ấy, tôi từng đùa ông đến đâu cũng có thơ, như con dấu đóng ở tờ công lệnh làm cơ sở thanh toán tiền đi đường của cán bộ. Nhưng có lẽ ông biết, trong dàn đồng ca thế hệ, âm vực mình thấp không thể lĩnh xướng thì đồng ca, đồng ca hết lòng. Chỉ tranh thủ giữa hai màn đồng ca, ông ngồi riêng sau cánh gà mà luyện giọng của mình:

 

Qua cầu gió bay

Áo em rách qua cầu gió lạnh

Khúc đàn bầu xôn xao trăng ánh

Buốt ngón tay người đàn

Hồn Trương Chi nhập trong gỗ bạch đàn

Người hay hát đã tan thành nước

Cô Kiều khóc trong bốn dây ly biệt

 

Sao mẹ bắt con buồn từ thuở trong nôi

(…) Nón tơi mưa cha đội bão đi cày

Mẹ gánh gạo gánh con, nhà quan cao cửa đóng

Áo mã phu lẫn trong màu võng lọng

Giữa đêm dài chú Tễu hát nghêu ngao        

                                                          (Dân ca)

 

Nhờ thế, kịp khi vận nước cho phép, thơ ông liền có ngay giọng riêng:  

Đêm Sài Gòn đỏ rực cờ bay
Trước sân khấu, tôi ngồi nghe em hát
Em tô đỏ môi son, em kẻ xanh mi mắt
Cô gái ấy ở rừng không có gương soi.

                                              (Cô ca sĩ Sài Gòn hát bài hát Trường Sơn)

 

Đấy là chia sẻ, nhân cái vui hôm nay mà thương người vắng mặt. Còn đây là thương mình, cái Tôi bị cho đi sơ tán lâu quá, lúc được trở về thì ngơ ngơ ngác ngác:

 

Thôi bây giờ sông lại chỉ là sông
Núi là đá, cây là cây lấy gỗ
Quay điện thoại chẳng run từng con số
Thôi bây giờ Phú Thọ cũng như Vinh

 

Mãi nhiều năm sau, Tôi mới cả gan đứng Trước biển mà hát to lên cái khúc ca cô độc:

 

Anh lặng im trên bãi cát như mơ

Trưa cô độc mặt trời lên chót đỉnh

Chỉ mình anh với nghìn trùng sóng đánh

Với nghìn trùng sâu lắng thương em

 

Như thế, Vũ Quần Phương chưa bao giờ làm một hiện tượng văn học đình đám; ông trung thành với phép bút của riêng mình, ngẫm ngợi và chia sẻ. Thời trẻ, trong cặp đôi Bằng Việt Vũ Quần Phương, người ta hay nhắc đến phần trí tuệ trái tim của Bằng Việt; bây giờ họ đều đã bẩy mươi ngoài, tôi thấy hai người đang đổi vị trí. Vũ Quần Phương thấm thía hơn trong khi Bằng Việt vẫn chưa thôi phát hiện; cái triết luận của Bằng Việt vẫn hướng vào nỗi đời, còn ở Vũ Quần Phương, nó thầm thì với nỗi người. 

 

Tôi cũng từng nói vui, nếu không có loạt thơ chân dung, Trần Nhuận Minh chỉ còn là anh ruột Trần Đăng Khoa. Chính ông từng dứt khoát gạt 28 bài trước 1986 sang phần phụ lục trong tuyển tập của mình, chỉ giữ lại nó như kỷ niệm một thời, chủ yếu làm cái việc giúp “bạn đọc dễ theo dõi sáng tác của tôi trong một quá trình.” nhưng không cho ai trích dẫn để khảo bình những bài ấy in từ trước năm 1986 – một thái độ đổi mới thật đáng nể trọng. Nghe nói ông từng thai nghén lối thơ chân dung ngay từ thời chống Mỹ, lấy số phận con người bình dân dưới đáy để gửi những thông điệp thơ cho cuộc sống buộc nó phải giật mình; nhưng phải chờ sau Đổi mới. Thơ Đường Việt xưa cũng có thơ chân dung, nhưng đó nếu không là vua thì ít nhất cũng là Lý Bạch, Đỗ Phủ hay như quan nghè Dương Khuê, Nguyễn Văn Trỗi; như thế ông là người tiên khởi một lối thơ.  Xin hãy đọc thử một bài, bài Thím Hai Vui:

  

“Những năm chú ra trận

Thím buồn vui một mình

Thím bảo những năm ấy

Là những năm hòa bình”

 

Có tin đồn chú mất

Thím thầm cắn chặt môi

Nuôi hai con khôn lớn

Cấy cày đến quắt người

 

Bỗng đột nhiên chú về

Tung huân chương đầy chiếu

Thím cười mà như mếu

Nước mắt chả buồn lau

 

Thế rồi…biết vì đâu

Yên lành không chịu được

Vợ con chú đánh trước

Láng giềng chú đánh sau

 

Chớ dại mà can chú

Chú nhất cả huyện rồi

Giặc nào chú cũng đánh

Có thua thua ông trời

 

Chỉ thương thím Hai Vui

Mặt mũi luôn thâm tím

Đến bây giờ chiến tranh

Mới thật đến với thím

 

Chú đòi phải ly dị

Mỗi con về một nơi

Thím hát như kẻ dại

Miệng mếu lại như cười

 

Nghe đâu thím lên tỉnh

Rửa bát cho người ta

Thấy ai quen cũng lánh

Những mặt phấn quần thoa

 

Trần Nhuận Minh có được mươi mười lăm bài như thế, nó sẽ sống cho đến khi khái niệm lê dân, dân đen, dân chúng được thay thế hoàn toàn bởi khái niệm công dân để chỉ còn là từ vựng của những người làm sử.

 

Với Ba phần tư trái đất, Nhịp sóng (1982) Thi Hoàng bắt đầu tìm kiếm, nhưng phải đến Gọi nhau qua vách núi (1986) và những tập thơ lẻ sau nó, khi nhà thơ lấy chính mình ra mà đối trọng mà cật vấn mình, luôn luôn và quyết liệt, để mong giữ mình ở lại với hồn nhiên bản thể; ông mới tìm ra, mới thật yên tâm việc ông cởi áo lính sớm không thành một ẩn dụ. Trong Tiểu đội thơ chống Mỹ của tôi, Nguyễn Đức Mậu có mặt từ rất sớm, đến 1970 – 72 đã thành lính cựu và cứ ở đấy mà không ra quân, không chuyển nhiệm vụ dù nhiều cán binh mới đã được tăng cường, bổ sung tân binh hay rời khỏi tiểu đội. Tôi vẫn chưa gọi thành tên thi pháp của Nguyễn Đức Mậu; hiện vẫn chỉ thấy đây là nhà thơ còn rất tin vào cảm xúc và ký ức chiến tranh - cái để nhà thơ này níu được bạn đọc truyền thống. Có lẽ do cái điệu tâm hồn ông nó thế, lại được nuôi dưỡng bởi trải nghiệm chiến trường, nơi ông từng phải chôn quá nhiều xác đồng đội và không sao thoát ra khỏi những ám ảnh đau đớn. Dù sao thì tôi vẫn tin, Nguyễn Đức Mậu còn được mười bài thơ cho đến nay thời gian vẫn chưa thắng được, mặc cho thời thế đã thay, đã khác. 

 

Một cơ sở nữa cũng đáng ghi nhận, là thế hệ này khi bước vào Đổi mới đã ở độ chín, họ từng trải qua thử thách chiến trường, được tin cậy, có người trở thành lãnh đạo / quan hệ với lực lượng sáng tác văn học; còn trên thực tế, họ thành các nhà thơ chủ lực của thi đàn. Khác với văn xuôi còn sa đà vào chấn thương thời duy ý chí, tiểu đội thơ chống Mỹ trong Đổi mới lại chỉ chuyên chú làm sao cho thi pháp của mình phức điệu lên, biến lời nói thường, đôi khi còn ở dưới cống hay trên vỉa hè, thành ngôn ngữ thơ sáng lên một tiếng Việt hiện đại.  

     

3.2 Tuy nhiên, thế hệ thơ chống Mỹ bị những thắt ngặt duy ý chí. Xin hãy nghe chính người trong cuộc, nhà thơ Vũ Quần Phương: “Nó là mặt sau của cái huân chương. Trong chiến tranh, chấp nhận phương thức sống: Tất cả để chiến thắng! Nhà tan cửa nát cũng ừ thì việc hao hụt của thơ cho chiến thắng hẳn cũng được người thơ tự nguyện chấp nhận. Trong đó, một hao hụt đầu bảng là sự phiến diện. Một phiến diện tự giác. Như người con ra trận giấu cha mẹ ở hậu phương thương tích chiến trường của mình. Và cha mẹ cũng giấu con những bênh tật, những thiếu đói mà mình đang chịu. Tất cả chỉ để yên lòng người đánh giặc. Yên lòng để chiến thắng. Nước mắt dành cho ngày gặp mặt (Nam Hà). Thơ, không chỉ của thế hệ này, đã giấu đi nước mắt. Đấy là một thất thiệt cho phầm chất phán ánh của thơ, đôi lúc nó làm mờ đi tính khốc liệt vốn có của chiến tranh, do vậy làm mờ theo phẩm chất anh hùng của một dân tộc, ý chí hy sinh vì nghĩa lớn của người dân, người lính. Thiếu sót ấy có một chỗ để thể tình, để chia sẻ là xét đến tình thế lịch sử cụ thể. Một phiến diện của thơ để tiết kiệm xương máu của người. Thua trận thì mọi hi sinh đều nước lã ra sông.”(5) Điều đáng bàn ở đây là, cơ chế kiểm soát này, sau 1975 vẫn được sử dụng vì mục đích khác. Nó hạn chế sức sáng tạo, với nhiều người là bị chán nản, thui chột tài năng. Chỉ cần một ví dụ, hầu hết tập Một chấm xanh của Phùng Khắc Bắc là được viết ngay sau cuộc chiến trong những năm khốn khó bo bo, vậy mà rồi mãi sau khi ông chết, mới được xuất bản. Nhưng thắt ngặt cũng là một thứ vũ môn để các tài năng vượt thoát, đặc biệt vào thời điểm đổi mới, thơ của họ đạt đến cái uyên ảo. Đây là thơ Hữu Thỉnh, một dự cảm đau xót rồi đã thành ra sự thật:

 

Cơn lốc đen đánh úp lá bàng

Tôi cảm thấy mùa thu đang mất máu

Còn một chút hoa dong riềng cuối dậu

Sợ một ngày sương muối đến mang đi

 

Còn đây là thơ Đỗ Trung Lai, viết về 700 đồng đội ông hy sinh ở Sihanoukville:

 

Mỗi người sáu lít máu

Mà biển rộng vô cùng

Mỗi người sáu lít máu

Biển xanh rì như không

 

Đó là chỗ thơ ở thời 1932 – 45 chưa tới nổi.

 

4. Cơ sở hình thành hiện tượng văn học Đổi mới.

Hiển nhiên, cơ sở quan trọng nhất của văn học đổi mới là tuyên ngôn “cởi trói” cho văn nghệ sỹ; nhưng cũng cần nói thêm, chỉ dụ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ phát huy ảnh hưởng lực trong vòng 4 năm, cho đến khi ông đi chữa bệnh từ Berlin trở về. Những dư lực cuối cùng là Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam dành cho ba tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng; còn rơi rớt lại vào hai năm sau đó, tập thơ Sự mất ngủ của lửa nhận Giải thưởng. Nhưng cũng chính năm đó, Tổng thư ký Hội là nhà văn Vũ Tú Nam đã phải viết bài gần như bản kiểm điểm đăng trên báo Văn nghệ về tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn lão thành hơn 50 năm tuổi Đảng này nói rất khéo để bạn đọc hiểu rằng hình như những người có trách nhiệm chưa phát hiện nổi cái dở, cái bất cập của nó; còn tập Sự mất ngủ của lửa thì báo của Hội may mà đã không đăng bài gay gắt đến nỗi coi nó là “sự ngủ của thơ” nhưng lại bảo nó là một thứ “tây gỗ”. Điều đáng ngạc nhiên là tập Xúc xắc mùa thu mà một nhà thơ ủy viên hội đồng nói là đưa vào giải để “nói” rằng Hội khuyến khích cả cái mới cái đang tìm tòi lẫn cái cũ truyền thống thì không bị xăm xoi. Quả thực, Hoàng Nhuận Cầm phần lớn là câu thơ 8 chữ, là lối thơ hình thành bởi thơ Mới:

 

Tình yêu đến trong đời không báo động

Trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ

Viên xúc xắc mùa thu trong cỏ

Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng

 

Thật khó nói về sự lãnh đạo văn học thời kỳ này. Mấy năm sau chỉ dụ “cởi trói” cũng không có văn kiện nào bảo thôi đổi mới, nhưng các chỉ thị về việc tránh quá khích, tránh lệch lạc trong quá trình đổi mới thì có. Một Nghị quyết quan trọng dành cho Văn học Nghệ thuật của Bộ Chính trị, Nghị quyết 23 Khóa X đã dành một không gian thoáng đãng cho văn nghệ sỹ sáng tạo, nhưng cũng “dặn” cần tránh quá khích và lệch hướng. Như vậy, tránh quá khích và chệch hướng là việc thường xuyên của các cấp lãnh đạo và tùy thuộc rất nhiều vào cách họ giải thích khái niệm rộng hay hẹp, đúng hay sai, dẫn đến thực trạng là, cùng một tác phẩm Cánh đồng bất tận, có cấp cho rằng chệch hướng, có cấp lại đồng ý với quyết định của Hội Nhà văn trao Giải thưởng hằng năm. Xin nói rõ, tôi cũng không thích cái quá khích. Văn chương quý ở chỗ uyên nhã, văn hóa Việt không chấp nhận lối nói vỗ mặt, dù có là hậu hiện đại thì cũng mặc kệ. Muốn nói Dụ Tông chuyên gần gũi bọn gian nịnh mà thành sa đọa, nhưng thất trảm sớ chỉ vạch tội bọn 7 người mà theo tác giả, nếu không chém thì hại cho phong hóa; chứ không nói huỵch toẹt sỗ sàng. Nhờ vậy mà cụ Chu An mới được treo ấn từ quan, Văn Trinh công mới còn được là Tiều Ẩn chứ nếu quá khích thì thân bại danh liệt. Cũng nhờ vậy mà tác phẩm (nếu còn) tiếp tục phát huy sức mạnh của nó ngay cả khi Dụ Tông đã băng, vì rằng thời nào chả có những người sa đọa, báu gì cái thứ văn chỉ nhắm vào một người hay một thời? Tiếc rằng mọi trào lưu luôn luôn có xu hướng này, di họa của nó cứ tấp lên ký ức dân tộc. Thời thơ Mới Hoài Thanh từng phải rước anh hồn Tản Đà lên mà tạ lỗi và chiêu tuyết bởi các nhà thơ trên bước đường đả phá cái cũ đã “đả” luôn vào cụ. Cái quá khích của hội thảo thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi, của Cải cách ruộng đất, của vụ án Nhân văn Giai phẩm nhẹ thì làm thui chột khát vọng làm mới, nặng thì làm biến dạng mục đích tốt khi khởi động nó. Còn lệch lạc thì diễn ra phức tạp, tinh vi hơn. Một số nhà văn cứ nhè vào sự ăn khách của văn học vết thương mà viết; viết say sưa và cố nhiên là nhân danh đổi mới mà quên mất rằng tô hồng hay vạch trần cái đen một cách thô sơ thì vẫn chỉ là âm dương bản của một cái có tên là Cũ? Nhưng đáng lẽ chỉ nên chê họ thiếu tài, chỉ nói cái ai ai cũng biết rồi mà còn cứ nói mãi, thì một số người có trách nhiệm lại mặc cảm bị chê vì quả thực họ từ quá khứ mà đến đây nên nhân tiện bảo tác phẩm là lệch lạc, là phủ nhận sạch sơn, là nếu quá khứ xấu đến vậy thì lấy đâu ra động lực vĩ đại mà đánh thắng Pháp thắng Mỹ như thế? Tôi không nói trên văn đàn từ đổi mới đến nay không có lệch lạc, nhưng nhân danh uốn nắn cái lệch lạc để làm chùn bước sáng tạo thì lại cũng là một cái lệch lạc tai hại; bởi suy cho cùng, mọi nỗ lực đổi mới là tìm ngã rẽ, lối phủ nhận cái cũ, thậm chí là thoát xác để trở thành cái mới.

 

Nhưng thoát xác là một hành trình tư tưởng khó nhọc, đau đớn bởi đó là việc sang bờ tư tưởng ta lìa ta. Kinh nghiệm của Phan Khôi, Hoài Thanh, Thế Lữ…thời trước đã nói lên quá nhiều. Để làm một chuyên luận lẫy lừng Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh mất mười năm xay giã dần sàng cộng một năm dần lại cho hết tấm mẳn và vừa chạy vạy để được tái bổ nhiệm dạy học vừa viết ra. Một hộ pháp cho cái lành sạch của văn hóa dân tộc bên cạnh ngôi đền thiêng ở vào thời cái trụy lạc nhơ bẩn của thể xác từ phương Tây rất dễ trà trộn cùng cái mới để nhập lậu qua thi ca– tôi muốn gọi ông như thế, bên cạnh tài năng của ông mà ai nấy đều biết. Nhưng ông đã mất 40 năm với rất nhiều bài viết để sám hối phủ nhận nó; chỉ đến khi sắp mất, ông mới bảo với con trai rằng: “Cha biết văn chương của cha cũng vầy vậy thôi. Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam thì không chắc người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn.” (6)

 

Người chân thành mất 40 năm để trăn đi trở lại về cùng một sự vật, còn người không? còn những người trí năng không thắng nổi thói quen cảm tính văn mình vợ người? thói quen tranh đấu với đời để mình được nổi bật lên? Tôi sợ rằng họ đông lắm, đông không đếm xuể. Còn ai dám nghi hoặc rằng soái chủ thi đàn nhiều năm, khai quốc công thần của thơ Việt Nam hiện đại là Xuân Diệu lại không tinh tường khi thẩm định thơ? Vậy nhưng ông lại là người nổi tiếng ghét những ai đi ra ngoài luồng thơ Mới, Hữu Thỉnh là một ví dụ. Trong bài viết có tính tổng kết một năm thơ rất dài, đọc tại lễ trao Giải thưởng cho Đường tới thành phố, đăng gần 2 trang báo Văn nghệ, ông đã dành 2/3 số chữ để chê nó - chê cô dâu mắt lác vào đúng ngày cưới như một người đương thời bình luận. Nhưng đâu chỉ có một Hữu Thỉnh, ngay với một người cùng thời, người mà Chế Lan Viên đã cả quyết: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau (…) còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử.” Người mà Hoài Thanh tự thấy bất nhẫn khi chê: “Không có bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá.”Nhưng, cũng theo Hoài Thanh, Xuân Diệu đã viết vào năm 1938, năm Hàn đang ở Trại phong Quy Hòa và sẽ mất 2 năm sau đó: “…những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: ‘Tôi điên đây! Tôi điên đây!’ – Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống.” Tôi không biết chắc khi khen thơ “binh nhì’ là bậc nhất” bên cạnh việc chê thơ Nguyễn Đình Thi là vì cái gì, nhưng biết rằng, ông vua thơ tình này miêu tả đắm đuối thì tài lắm, nhưng không có nổi bài nào hay như Bẽn lẽn, nơi cái Đẹp bầy ra thành thực, bầy hết mà lại quyến rũ người đọc đi qua đó để đến cái Đẹp cao quý hơn, muôn đời hơn; ngay ở thi pháp tượng trưng, Hàn cũng đi xa hơn ông thật nhiều:

 

Khách xa gặp bước mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

- Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông vắng nắng chang chang

 

Gần đây, với tư cách bạn đọc, tôi yêu văn thơ của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đỗ Chu, Đặng Huy Giang, Trần Ninh Hồ, đây là danh sách xếp theo tài năng, chứ yêu nhất thì phải kể Lê Đạt, Đỗ Chu; nhưng ba ông sau có niềm tin rằng, ba ông trước chỉ là rồng trong mây, cứ ẩn trong mây là vụ án Nhân văn Giai phẩm thì ghê lắm chứ đã hiện hết như thế, thì xem ra cũng không có gì. Mà đấy là ba tài năng, có những đóng góp, có ý thức làm mới văn, thơ; chứ còn những người bất tài, cái ghét đổi mới của họ mới thật ghê gớm. Có nhà văn cũng chả ngượng khi rỉ tai tôi: “Cứ đề cao Cơ hội của Chúa thì cánh mình đặt chân vào đâu?” Tôi ngờ rằng, những Thơ Trần Dần, Bóng chữ, Sự mất ngủ của lửa, Nằm nghiêng, Củi lửa, Từ nước, Bầu trời không mái che, Khát…đã bị kỳ thị bởi một tâm thái như vậy. Nhẹ nhất là bị chê rằng không truyền thống, rằng “tây gỗ” “tắc tị, hũ nút”, còn nặng thì bị gạt ra ngoài giải thưởng như Cõi lặng của Nguyễn Khoa Điềm, Viết dưới bóng quê nhà của Lê Văn Ngăn – hai tập thơ có thật nhiều da diết với nỗi lo âu làm người tử tế cho xứng với Mẹ, đã bước một bước dài qua bãi tha ma của xác chữ sáo rỗng, xác nhịp điệu trơ mòn; câu thơ người này ngắn đi cho tứ thêm rắn chắc, câu thơ người kia dài ra, vắt vẻo thành những điệu hồn làm phong phú thêm điệu tâm hồn trong thơ Việt.

Đó là những cơ sở níu chân các nhà thơ thời Đổi mới, cái đã không xẩy ra thời thơ chống Mỹ, là thời mà “truyền thống” thơ Mới còn đang chết lâm sàng chứ chưa được đem ra làm chuẩn mực để bắt bẻ lối thơ phi truyền thống của các nhà thơ tìm tòi thi pháp mới. Oái oăm thay là lịch sử thơ Việt hiện đại, roi vọt khác nhau, lời mắng mỏ khác nhau nhưng thơ Mới 1932 – 41 chịu trận thì từ 1986 đến nay thơ Đổi mới chịu đòn của cùng một cái cũ nhân danh truyền thống khiến nhớ đến một câu ca: Ngày xưa ai cấm duyên bà, bây giờ bà già bà cấm duyên tôi.

 

Đối với văn xuôi thì phiền phức hơn nhiều. Thơ thường in báo rồi mới vào tập, một chùm đọc mất dăm mười phút, khó mấy thì cũng thấm được cái vị của nó. Nhưng tiểu thuyết thì phải tính ngày tính tháng khi đọc. Đường mỡ trong máu, gout ở chân, thoái hóa cột sống ở lưng, huyết áp làm đầu óc nặng nề hơi sức đâu mà đọc. Nghe bạn nói có cuốn nào hay mới gượng đọc, mà bạn thì gu thường giống nhau, đọc mấy trang thấy cũng đường được là rồi bỏ đấy, không có gì thì đã đành là bỏ. Chưa bao giờ tiểu thuyết bị hờ hững, chịu nạn quan liêu hóa như hiện nay, nó khiến chán nản mọi hăm hở tìm kiếm thi pháp. Sự phát triển của công nghệ làm giấy và máy in một mặt thúc đẩy văn học phát triển như một công cụ sắc bén, nhưng mặt khác, chính nó cũng giúp sức cho sự trà trộn văn học, hòa loãng cái hay vốn bao giờ cũng ít ỏi vào cái dở mênh mông bể Sở thậm chí là những nhang nhác văn học. Thúy Kiều có thể nhận ra Từ Hải trong những khách làng chơi, chứ nàng không thể nhận ra nổi một Truyện Kiều nằm khuất nẻo dưới chân núi sách ở Đinh Lễ đâu. Nhà văn Ma Văn Kháng mới đây có viết rằng, nhiều cấp nhiều nơi tổ chức hội thảo kêu gọi viết những tác phẩm hay xứng tầm thời đại, nhưng những tác phẩm như thế đã có rồi đấy. Đây là một nhận xét rất khó bảo rằng đúng hay sai, nhưng nó gợi một suy nghĩ rất đáng để nghĩ cho thấu đáo. Riêng tôi, tôi trộm hiểu rằng, nếu nói xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh thì tức là một quyển Chiến tranh và Hòa bình của Việt Nam, thì tôi thấy ông Lev ấy còn chưa ra đời. Nếu đã ra đời thì hẳn đang còn gồng lên mà khoác ba lô sách, mà chạy xô học thêm, nền giáo dục đang xuống cấp đặc biệt là nền tảng của nó chưa sẵn sàng vun đắp khát vọng cho những tài năng lớn. Trong khi chờ đợi, hãy phân khúc thời đại lớn ra làm những thời đại nhỏ, như Hoài Thanh từng làm. Trong cùng một lịch đại lại cần tính tới cả tính chồng lấn lịch sử, ví dụ từ 1960 đến 1975 và dài đến năm 1986 với hai nhiệm vụ chống Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước gọi tắt là thời chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc rồi kéo dài ra cả nước sau 1975 gọi tắt là thời bao cấp duy ý chí. Nếu chia thời đại nhỏ ra như thế, mỗi chúng ta đều thấy Ma Văn Kháng đã đúng với danh sách tác phẩm ở trong đầu xứng đáng với thời đại mà nó ra đời. Với riêng tôi, chúng là:

 

Vầng trăng quầng lửa, thơ Phạm Tiến Duật, Mặt đường khát vọng trường ca của Nguyễn Khoa Điềm, Những người đi tới biển, trường ca của Thanh Thảo, Đường tới thành phố, trường ca của Hữu Thỉnh, Tiểu thuyết Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Đối chiến, Góc tăm tối cuối cùng, tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy đã rất xứng đáng với thời đại chống Mỹ. Hồi ký Cát bụi chân ai, Chiều chiều của Tô Hoài, Chuyện kể năm 2000 tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn xứng đáng với thời đại bao cấp duy ý chí.

 

Con thuyền ngoài xa, Cỏ lau tập truyện của Nguyễn Minh Châu, Mùa lá rụng trong vườn, Mưa mùa hạ, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, Những ngọn gió Hua tát, Con gái thủy thần tập truyện của Nguyễn Huy Thiệp, Vĩ nhân tỉnh lẻ, tập truyện vừa của Dương Thu Hương, Thiên sứ, tiểu thuyết của Phạm Thị Hoài, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thời xa vắng, tiểu thuyết của Lê Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma, tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng, tiểu thuyết của Dương Hướng, Đi về nơi hoang dã, tiểu thuyết của Nhật Tuấn, Mảnh vườn xưa hoang vắng, Ngày đang trôi, tập truyện vừa/ ngắn của Đỗ Chu, Cõi người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, Cơ hội của Chúa, tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, Hồ Quý Ly, Chúa thượng ngàn, Đội gạo lên chùa các tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, Lạc rừng, tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh, Biết đâu địa ngục thiên đường, tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phê, Minh sư, tiểu thuyết của Thái Bá Lợi, Cánh đồng bất tận, Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] tiểu thuyết của Đặng Thân…Đó là những cuốn sách mà đem so với thời 1930 – 45, có thua cũng chỉ chịu thua những bậc thiên tài là Vũ Trọng Phụng với Nam Cao mà thôi, nhưng diện mạo vóc dáng của nó thì tráng kiện khôi vĩ (tuy có bầm dập tí chút do cựa quậy dữ) thì chưa có thời đại nào văn xuôi Việt Nam có nổi thành tựu đến thế. Ghi nhận nó xứng tầm thời đại hay chưa, đó là việc bên ngoài nó, nó còn bận say mê sống cùng bạn đọc, làm bạn đọc xao xuyến về lâu về dài.

 

Tôi biết tôi sẽ khó thuyết phục bạn đồng ý hết với tôi về danh sách các tập thơ xin kiến nghị để thời đại xem xét nó đã xứng tầm với mình hay chưa. Vì vậy, tôi xin không nhắc lại những tập vừa kể ở trên; cùng một số tập thơ khác hiện đang có trong đầu tôi. Nhưng tôi tin chắc rằng, trong thời đại Đổi mới thơ, có tới bốn thế hệ cùng hành bút: Tiền chiến (Tố Hữu, Chế Lan Viên) chống Pháp (Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Đình Thi) chống Mỹ và sau 1975. Đặc biệt, tôi cảm thấy một cuộc ganh đua tích cực nhằm đổi mới thi pháp, cơi nới không gian sinh tồn cho thơ và khả năng biểu cảm của tiếng Việt giữa thê đội chống Mỹ là Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Thi Hoàng, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Nhuận Minh, Y Phương với đội sau 1975 gồm Đỗ Trung Lai, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Đặng Huy Giang, Trần Quang Quý, Mai Văn Phấn, Tuyết Nga, Vi Thùy Linh, Phạm Đương…Đặc biệt, một Hoài Thanh của thời đại sẽ khó chia xóm để phân định thi pháp trong làng thơ hơn. Hoài Thanh của thơ Mới cùng lắm chỉ có thể chia thành ba lối đều khởi từ thơ Pháp: lối Pháp, lối Đường, lối Việt; thậm chí một tượng trưng cụ cũng phải chia ra tượng trưng và sau tượng trưng. Còn thời Đổi mới, chỉ xóm thơ trẻ Thanh Xuân có Mai Văn Phấn “ngồi một mình thấy buồn cũng về đây nốt”, Nguyễn Quang Thiều đã khác xa Dương Kiều Minh, Dương Kiều Minh cũng không gần Trần Quang Quý, còn Trần Quang Quý thì xem ra cũng khác Mai Văn Phấn, Tuyết Nga. Ngay hai kẻ có hướng tìm tòi gần nhau cũng bằng các phương tiện với các la bàn khác nhau; đó chính là cái làm phong phú thi đàn, là cái họ góp vào bữa tiệc thi ca dân tộc. Thiều đem cố hương đến các chân trời góc bể, đặt nó tương phản dữ dội với các thi ảnh xa lạ, làm nó bật sáng, ở các bài hay đã làm cố hương lung linh sáng cùng nhân loại. Phấn thử sức mình với tất cả các trào lưu khuynh hướng, từ truyền thống đến hiện đại, hậu hiện đại, từ tượng trưng đến siêu thực; nhưng mọi nỗ lực kia chỉ nhằm tìm kiếm cái lõi tâm linh người Việt, nên dễ hiểu là Phấn thường thành công ở các bài tựa nương nhiều ở tín ngưỡng tôn giáo, ngay tượng trưng cũng là tượng trưng Việt còn đầy ắp trong hát chầu văn, tượng Mẫu, hầu đồng và nói chung trên các thiết chế tín ngưỡng. Tôi đồng ý với Đặng Huy Giang khi nói “Trong nhóm Thanh Xuân, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh xuất phát là đến đích ngay”, nhưng xin thêm, cái đích ấy không phải là đỉnh, mà là mặt phẳng rộng rãi, nơi Minh vừa gieo những mùa thơ vừa trò chuyện với các thần tượng phương Đông, mượn họ làm cọc dèo cho tứ thơ mình vắt vẻo vươn. Người gần Minh theo nghĩa bát gạo đồng tiền san sẻ là Nguyễn Lương Ngọc lại khác, nhờ mạnh về nội lực, có bước chuẩn bị công phu về học vấn nên thơ Ngọc rắn chắc câu mà tứ vẫn tung hoành, chữ nghĩa thảng thốt non tơ. Nhưng Ngọc đã chết mất rồi, ngay sau cái đích ông đã vươn vầng ngực kiêu hãnh của mình mà chạm đến. Xóm Thanh Xuân sau này Nguyễn Linh Khiếu tự cảm thấy cái mâng mẩng của cảm xúc phồn thực không được láng giềng chia sẻ, bèn bỏ đi khai hoang miền đất mới, chỉ đang hứa hẹn sẽ giầu có chứ giầu có đến đâu, giầu như thế nào thì còn phải chờ.

 

Xóm Mậu Tý cũng góp vào bữa tiệc thi ca Đổi mới nhiều quái kiệt. Câu thơ hay của cố thi sỹ Lâm Quý: Yêu em anh bổ hòn đá tảng/ Lấy suối nguồn trong mát nuôi em chính là cách Hoàng Trần Cương đạt đến thơ. Trầm tích đá đỏ hiện ra qua âm vang công trường đá, rất nhiều nhọn sắc và bụi đá tung tóe. Cùng chín muộn như Cương nhưng Trần Quốc Thực lại rón rén vào vườn thơ với một niềm thiêng kính, cầm chữ như ni sư cầm ngũ vị khí đồ thờ. Đây, mấy câu trích từ bài Tiễn của Thực:

 

Ngày mai tôi đã khung trời khác

Muốn nhắn gì sang không dễ đâu

(…) Tiễn nhau một bận qua bậu cửa

Tiễn nhau lần nữa trong chiêm bao

Xa ngoắt ngõ xanh bạn biến mất

Tôi đã gói khăn ở kiếp nào

 

Cũng say như Thực, nhưng Trịnh Thanh Sơn say ra mặt hơn. Vừa là dĩ tửu hạ sầu, vừa để thêm dũng khí mà quyết liệt yêu, quyết liệt sống, quyết liệt thơ. Trái lại, Đồng Đức Bốn như có sẵn máu đồng bóng trong người, chẳng cần ốp bằng rượu hay đàn hát chầu văn, Bốn vẫn đến được thơ; thậm chí, để đến được thơ, Bốn bất chấp tất cả:

 

Đang trưa ăn mày vào chùa

Sư ra cho một lá bùa rồi đi

Lá bùa chả biết làm gì

Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày

 

Tôi không biết ghép Đặng Huy Giang vào xóm nào, nhưng Giang được hoài thai năm Thủ đô giải phóng mà thành người, vậy cứ nhập tịch Giang vào xóm Hà Nội. Ông là lính đánh Mỹ cơ đấy, nhưng mãi đến khi xung lực của mới cũ vỗ mạnh vào tâm thức mình, Giang mới bật ra thơ. Và thơ mang ngay cái tâm thế thời đại: cái mới chưa rõ ra hình dạng, cái cũ đã tan thành mảng nhưng không chịu tiếp tục giải thể:

 

Trên cây thời gian

Chúng ta tàn lụi

(…) Trên cây thời gian chúng ta phù du

Mà quả thời gian còn xanh lắm trên đầu

 

Có lúc đầy niềm tin vào cái Tất yếu:

 

Nhưng nước mắt anh còn mặn

Nhỏ xuống buồn em

Nhỏ xuống vui em

(…) Một hạt mầm

Thêm một cõi

Sinh ra

 

nhưng có lúc niềm tin lại chùng xuống một vài cung bậc, như ở bài Trước sen:

 

(…) Thời gian rạn và không gian vỡ

Cả hai cùng nhịn thở

Thoắt thực thoắt hư thoắt có thoắt không

Em xoay xở làm sao mà hoa trắng nhị vàng

 

Học cách xoay xở của sen để đi tìm thơ ở một thời đại chừng như không dành cho thơ, thời của trật tự không trật tự (tên tập thơ của ĐHG) phải chăng nên coi là phương thức tồn tại mới của văn hóa Việt thời hội nhập?

 

Đặc trưng dung nhận của văn hóa Thăng Long giúp xóm thơ Hà Nội đông vui tuy có không trật tự. Có lần có tới tám nhà thơ cùng ra mắt tập thơ chung có tên gọi thật gớm: Thơ 3600  nhưng thơ xứng với tên, quả thực mỗi người đã có riêng thi pháp. Nguyễn Phan Quế Mai cởi gió mà hân hoan giới thiệu dân tộc với bạn bè quốc tế. Nguyễn Quang Hưng tuổi còn bé tí đã nhất định bám vào dân gian mà mỗi lễ hội như một sinh ngữ mới giúp anh đọc cuốn sách quá khứ. Nguyễn Anh Vũ mạnh dạn dùng phản đề để lộn trái một thực thể: Xin lỗi những giấc mơ/ Tao sẽ mang đến những chân trời mây trắng/ hoặc mang đến nhà thổ nhà xia nhà xác/ hoặc ngủ một giấc ngủ không mộng mị/ chúng mày chết ngay…Nhưng ở xóm thơ Hà Nội toan tính đi xa hơn cả hình như là Vi Thùy Linh. Và chị hiện là nhà thơ trẻ nhất Hội, đã đem thơ xuất khẩu sang Canada, sang Pháp. Nhưng hiện tượng thơ tốn đã nhiều giấy mực này ủ mầm thơ trong nôn nóng thủy canh nhiều vi lượng hóa chất. Nỡ nào mang tấm thân nõn nà ra mà khỏa thân/ thèm chồng để bị vón cục trong chỉ một trạng thái cảm xúc? Thơ sao lại chỉ có một ý tứ? Tôi có người bạn thuộc thế hệ chị, một đêm nọ nghe tôi đọc câu thơ Hoàng Hưng: Bạn ơi giao hợp nơi đâu/ Về nằm gác cũ sắc mầu đung đưa đã ứa nước mắt mà nhìn tôi như nhìn một con người bé nhỏ run lên trước sức ép của cái sản xuất đồng loạt, cái nỗ lực nhân bản hay robot hóa con người, cái quả chuối ni lông chị Xuân Quỳnh nói đến ngày xưa, hay cái Bơ vơ đông đảo ông Việt Phương sẽ nói mấy năm sau. Vâng, thơ nếu biết tìm, có thể nhặt được trong bao tải của bà bới rác, nhưng nếu trèo lên nóc nhà Keangnam mà hát, tiếng của nhà thơ dễ có nguy cơ mất hút giữa tầng cao vô tăm tích. Hy vọng rằng, khi chị đã trải nghiệm thêm nữa cái cung bậc làm người, khi đã giặt tã con, đã ôm con qua cơn tướt mọc răng, sốt vỡ da…thơ Vi Thùy Linh sẽ đằm thắm lại.

 

Nhưng lỗi của một thời sao có thể đổ hết lên một mái tóc còn xanh? Bài học của hội nhập, của tiếp biến văn hóa hồi 1932 – 45 đâu chỉ một chị không học thuộc. Để có thành Hà Nội với kiến trúc Pháp sống nhã nhặn cùng phố cổ hơn một trăm năm, là nhờ nguyên tắc tôn trọng văn hóa bản địa Đại Việt của kiến trúc sư trưởng Hà Nội từ năm 1897, ông Henri Vildieu, người Pháp cùng những đồng bào kế nhiệm, thực hiện tư tưởng quy hoạch của ông, cho đến tận năm 1943. Kiến trúc Đại Việt lấy con người (nho nhã) làm trung tâm, linh hồn; tạo dựng hài hòa với cây cỏ, hồ ao, đồi núi -  cái phong thủy của không gian sinh tồn cho con người. Bây giờ các kiến trúc sư Sinh, Hàn, Đài, EU biết tìm Đại Việt ở đâu? Họ bèn xuất khẩu kiến trúc của họ, nguyên đai nguyên kiện, đè nén, tạo sức ép lên cư dân.

 

Một thách thức nữa của văn học Đổi mới, là cái mặt trái của tấm huy chương văn học quốc ngữ, mỗi thời tấp lên nhiều ít khác nhau, tạo nên đống rác của sự dễ dãi. Oái oăm là văn học có cái bẫy chết người, nằm ở giữa quá trình hăm hở sáng tạo ra cái xe đạp của vô số người với những tuyên ngôn to tát. Cái bẫy này chính Hemingway đã chỉ ra trong Ông già và biển cả, nhà văn, anh đừng tưởng cái anh mang cho cuộc đời là con cá kiếm, đó chỉ là bộ xương của nó mà thôi. Hơn 70% số thơ được tuyển chọn trong Thi nhân Việt Nam đã lần lượt cũ đi và rơi vào quên lãng, có những bài thậm chí đã cũ ngay khi được tuyển, chỉ vì, Hoài Thanh với tinh thần khoa học nghiêm cẩn, chỉ sợ mình chưa hiểu nó nên không dám bỏ. Viết dễ, in dễ, dễ dãi cả trong sự đọc; văn chương trong hành trình đi giải thiêng mọi sự vật, nó tạo nên dòng chảy như lũ lụt, cuốn phăng cả chính mình. Bằng cách ấy, văn chương tự giải thiêng. Hệ lụy là thời đại thiếu một Ngự sử văn đàn. Nếu đã có, cũng chưa có một hệ thống lý luận phù hợp với thời đại Đổi mới – Hội nhập (xin chỉ coi Nghị quyết XXIII như một tư tưởng Quy hoạch.) là thanh Thượng phương bảo kiếm của ngài Ngự sử, mỗi khi nhân danh. Rốt cục, ngài Ngự sử dùng tạm hệ thống lý luận đã lỗi thời, là thứ ngài vẫn chưa chịu quên.

 

V.C

 

______________

(1) Thực ra, thế kỷ này có những Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Chu An…nhưng theo tôi, các tác phẩm thơ chữ Hán của họ, so với đầu đời Trần cũng chưa có bước phát triển rõ rệt.

(2) Hội gồm các yếu nhân Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Bùi Kỷ, Hoàng Xuân Hãn, Phan Thanh. 

(3) Dẫn theo Nguyễn Văn Tố, Sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh (Nguyễn Văn Vĩnh là ai? NXB Tri thức, H.2013)

 (4) Trong phiên họp cuối cùng của Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam bàn về Giải thưởng của Hội năm 1979; Chế Lan Viên ủng hộ tập Những người đi tới biển của Thanh Thảo. Ông nói: “Những câu thơ như thế này (…) thì quả Huy Cận không làm được.”

(5) Vũ Quần Phương, Tổng luận tuyển thơ Thế hệ chống Mỹ.

(6) Dẫn theo Từ Sơn Lời cuối sách, Thi nhân Việt Nam, NXB  Văn học, H. 2011

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị