"Cát
lặng im nghe sóng biển cười"
(Đọc
tập thơ "Cát lầm" của Văn Đắc, NXB Hội Nhà văn, 2022)
Nhà
thơ Văn Đắc
Mai
Văn Phấn
Thành
phố nghiêng tai về phía mặt trời
Văn
Đắc
Nhà
thơ Văn Đắc đã xuất bản 11 tập thơ. Ngay từ tập thơ đầu tay "Hai triền
sông" (NXB Văn học, 1973) và trong suốt hành trình sáng tạo, thơ ông luôn
gắn bó với miền đất Thanh Hóa. Khảo sát các tập thơ của ông cho thấy, một số
hình ảnh đặc trưng của vùng đất này đã làm nên mẫu gốc (archétypes) hay còn gọi
là cổ mẫu, nguyên tượng trong thơ Văn Đắc. Một trong những mẫu gốc quan trọng
tạo nên rường cột không gian thơ của ông chính là cát. Cát là nơi nhà thơ khởi
nguồn sáng tạo, là mẹ thiên nhiên vĩ đại ấp ủ nuôi dưỡng ông, là bạn thân luôn
song hành, và là cả người thầy dạy dỗ ông nữa. Cát trong thơ ông là người. Đời
cát là thân phận người, nơi khởi sinh và nuôi dưỡng nguồn cảm xúc sáng tạo bất
tận trong thơ Văn Đắc.
Trong bài thơ "Với
cát" trước đây ông từng viết:
“Với
cát, thời nhỏ cởi trần
Chạy
trên cát
Ta
lẫn vào với cát".
Văn Đắc đã trải nghiệm mọi cung
bậc cảm xúc với cát, từng
"thiên biến vạn hóa" cùng cát, "Cát nhập vào mây, mây nhòa
vào cát" (Bất chợt một lần trăng); đó là nơi "Nơi cát trắng ùn
lên nỗi nhớ" (Tâm sự với con đường), "Đường dọc miền Trung ngờm ngợp
cát" (Dọc đường Nhà Nguyễn) từng in dấu chân ông. Giờ đây Văn Đắc trở về bên cát bằng tâm
thế tĩnh lặng, khác thường. Tháng 5/2022 ông vừa ra mắt tập thơ có tiêu đề khá khiêm cung, tĩnh tại mà
nội lực thâm hậu: "Cát lầm".
Song,
"Cát lầm" của Văn Đắc còn mang những nội hàm khác, trĩu nặng mà phát
sáng, nhẫn nhịn và can đảm. Nhà thơ viết tập thơ này khi đã bước qua tuổi tám
mươi, cái tuổi "xưa nay hiếm". Thơ ông giai đoạn này thanh thản như
những hạt cát đã qua những tháng ngày cuộn chảy theo dòng, từng phiêu du, lại
cũng từng lắng đọng... giờ đây vẫn đầy ắp những cảm xúc lãng mạn đắm say như
thuở nào từng lấp lánh, nhưng trầm tĩnh và tự tin hơn trước. Xuyên suốt tập thơ
là nối tiếp những chân dung "Cát". Hạt cát của Văn Đắc là những gương
mặt người, cần cù và lầm lũi, gắn bó và nhân hậu ở miền đất đầy gió và ầm ào
sóng biển.
"Rồi từ thăm thẳm đêm sâu
Tiếng quê ríu rít gọi nhau cùng về" (Cát lầm).
Con
người xứ Thanh hiện lên trong thơ ông thật đẹp và bản lĩnh. Miền đất xứ Thanh đã
kết tinh cho họ những phẩm chất giá trị của người miền Bắc và người miền Trung.
Đó là sự can trường, tháo vát, tính quyết đoán và đầy nghị lực:
"Có người, rất nhiều người, lớp lớp người
Vùi trái tim vào cát
Mọc
Hai bờ sông xanh" (Sau cơn mưa).
Những
hạt cát, từ chốn “cát lầm”, đã hòa trộn vào nhau, nương tựa nhau tầng tầng lớp
lớp để tạo thành cồn cát rộng lớn, vững bền; tạo nên hồn cốt vùng đất "địa
linh nhân kiệt" này. Phải chăng đó là chân dung những con người xứ Thanh
hiện lên qua nét bút tài hoa của thi sĩ Văn Đắc:
"Khi vui ngón trỏ vẽ vời
Khi buồn ngón ngắn, ngón dài tựa nhau" (Làng con gái).
Hay:
"Thành phố vừa đặt bàn chân
Rất nhiều người theo về
Tập làm chim trong nhà
Hót những bài ca lú lẫn" (Làng ta).
Chữ
"lú lẫn" thực sự xuất thần trong câu thơ trên, nó cho thấy nhà thơ
giữ được sự uyên bác trong cái thơ ngây rất thi sĩ của ông. Nhân vật trong khổ
thơ trên là người hay chim? Đây là một ranh giới mờ nhòe, mà có lẽ, chỉ có được
trong thơ Văn Đắc. Ranh giới ấy đã tạo dựng một không gian kỳ ảo, mở rộng thêm
đường biên tưởng tượng cho bạn đọc. Phải chăng đó là phần vô thức tập thể, bản
năng cộng đồng bất ngờ trỗi dậy tạo thành sức mạnh đoàn kết, gắn bó nhau trong
những thời điểm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chính vô thức ấy đã
sinh ra huyền thoại, những câu chuyện thần thoại xứ Thanh vẫn được lan truyền
từ đời này qua đời khác.
Bị
ám ảnh bởi tiêu đề tập thơ, tôi thấy "Cát lầm" của Văn Đắc thường
sáng lên khi gặp những câu thơ trong trẻo, tràn đầy cảm xúc. Hình ảnh một vùng
quê hiện ra từ mắt "Búp bê" trong đoạn thơ dưới đây thật quyến
rũ và đầy bất ngờ:
"Từ trong mắt
Búp bê
Cả một vùng quê
Mát trong
Giếng ngọc" (Búp bê).
Cát
trong tập thơ này thường biến ảo, ẩn hiện, đa dạng. Cát có lúc gối vào cát tựa
như người tiếp bước chân người để làm nên những hành trình mới cho thành phố
của Văn Đắc:
"Thế là thành phố của tôi
Bước qua nghìn bậc vai người mà đi" (Thành phố của
tôi).
Có
lúc tác giả lại cố ý làm cho cát lu mờ đi trong những ảo ảnh thoáng chốc. Nhưng
những thi ảnh như được che bớt đi ấy lại hắt sáng một vùng không gian khác, tạo
nên những hiệu ứng thị giác mới lạ, mở cho bạn đọc những nhãn quan mới như có
thể nhìn sâu vào bên trong từng sự vật.
"Nhớ một nửa... mong chờ một nửa
Cát giấu mình vào phố biển ưu tư" (Nơi ấy).
Hay:
"Đêm về
Tôi có một giấc mơ đi trong tiếng đàn như ma ám,
đi trên mái nhà cao tầng như đi trên cát." (Nơi ấy).
Tập
thơ này cho thấy Văn Đắc có thi pháp khá phong phú và đa dạng. Tựa như một ca
sĩ có âm vực rộng, thơ ông có lúc đắm say, lãng mạn, lúc lại buông thả, phóng giật,
tạo những xung động mạnh mẽ:
"Giữa mênh mông biển
Lửa từ đâu ùa sang hừng hực cháy
Tiếng nổ
Tia chớp
Biển đỏ ngầu
Cát lầm dạt vào đảo đá
Biển bất ngờ bị đánh úp" (Viết ở thành phố biển).
Mỗi
nhà thơ dường như gắn bó với một vùng đất, thường là nơi họ được sinh ra và dù
có đi xa đến đâu thì nơi chôn nhau cắt rốn ấy luôn là chốn khởi nguồn cảm xúc
sáng tạo. Cố thi sĩ Nguyễn Phan Hách là một ví dụ. Cho đến khi giã từ cõi tạm, Nguyễn
Phan Hách luôn đau đáu nhớ về làng Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh,
nơi ông đã từng viết bài thơ "Làng quan họ", trong đó có những câu
thơ cho bạn đọc thuộc nằm lòng.
"Sông Cầu làm bao xanh
Ngang lưng làng Quan họ
Những cánh buồm nhớ thuơng
Câu ca đầu ngọn gió".
Hay,
Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ gắn bó với Làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa,
tỉnh Hà Tây; nay thuộc Hà Nội). Trong bài thơ "Bài hát về cố
hương" nhà thơ tỏ bầy tình yêu với quê hương đến tận kiếp sau.
"Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi."
Với
Văn Đắc, quê hương đã gắn vào biệt danh mà bạn đọc gọi ông: Thi sĩ xứ Thanh! Mọi
cung bậc tình cảm, tâm trạng cũng như bút pháp của Văn Đắc trong tập thơ "Cát lầm" đã phác họa rõ nét chân
dung thi sĩ của ông. Với cá nhân tôi có thể nói, Văn Đắc là nhà thơ viết về xứ
Thanh nhiều nhất và cũng hay nhất. Từ mấy năm trước tôi đã rất thích bài thơ “Tôi
người Thanh Hóa” gồm 131 câu thơ của ông. Tôi coi đây là một tiểu trường ca
xuất sắc viết về Thanh Hóa. Trong đó tôi nhớ mãi câu thơ vạm vỡ khắc họa tính
cách con người xứ Thanh của ông:
“Thích thì vác đá xây thành
Uất thì chọc thủng trời xanh mà cười”.
Thi
tập "Cát lầm" vẫn giữ
nguyên vẹn tình yêu cháy bỏng với quê hương của ông, nhưng lắng sâu và đằm thắm
hơn. Câu thơ sau đây cho thấy ông đã đi từ sự phóng khoáng, ngổn ngang đến sự
giản dị. Bạn đọc cũng thấy được nhà thơ đã bước vào cái tuổi gạt bỏ mọi sự phù
hoa, như cố ý xóa đi mọi dấu vết của thủ pháp, lấy xúc cảm chân thành làm căn
cốt cho sự sáng tạo.
"Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó
Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên" (Cát lầm).
Câu
thơ ấy cho thấy Văn Đắc đang an nhiên, tĩnh
tại nơi làng Triều bên biển Sầm Sơn quê hương ông. Nơi ấy cát vẫn không ngừng
chuyển vần cùng con người và mảnh đất thiêng xứ Thanh. Và trong tâm thức ông,
"cái vó" trời xứ Thanh luôn buông thả trên đầu, dù có "vớt"
ông lên hay sẽ "vớt", thì tâm hồn ông luôn thơ ngây và trong suốt,
bởi ông là "người Thanh
Hóa”.
Đất
Thanh Hóa thời nào cũng sinh ra những nhân kiệt cả văn lẫn võ, cũng là nơi khởi
sinh các huyền thoại cho dân tộc Việt từ xa xưa. Tôi tâm đắc với nhận xét của
PGS.TS Hỏa Diệu Thúy viết về miền đất và con người xứ Thanh như sau: "Dòng
sông Mã chảy qua nhiều vùng đất nhưng về đến xứ Thanh mới cất lên thành những
câu hò hào hùng da diết, cõi Nam nhiều hang động kỳ thú nhưng chỉ có động Bích
Đào của xứ Thanh mới có huyền thoại người kết duyên với tiên, biển Việt Nam dài
hơn ba ngàn cây số nhưng chỉ ở xứ Thanh mới sinh ra vị thần trấn giữ biển cả...
Nói thế để thấy, mảnh đất có yếu tố “khởi nguồn” và “hội tụ” này đúng là nơi
“được lựa chọn” để tạo ra những giá trị".
Thơ
Văn Đắc qua các tập thơ đã hội tụ đầy đủ khí chất và cả hình tướng của vùng đất
và con người xứ Thanh, ông thực sự là thi sĩ đã tôn vinh và làm rạng danh thêm
quê hương giầu trầm tích của ông.
"Cát lặng im nghe sóng biển
cười".
Tôi
lấy câu thơ trong bài thơ "Nơi ấy" của Văn Đắc làm tiêu đề và
cũng thay cho lời kết bài viết nhỏ này. "Cát lầm" của ông đang "nghe sóng biển cười".
Xứ Thanh với người khác có thể là mảnh đất để thử thách lòng can trường và nghị
lực, nhưng với Văn Đắc, nơi ấy mãi là cội nguồn bất tận của sự sáng tạo. Nhớ có
lần trò chuyện qua điện thoại, tôi tò mò hỏi ông động lực nào đã thôi thúc nhà
thơ giữ được cảm xúc viết về quê hương lâu bền và luôn tươi ròng như vậy. Văn
Đắc tâm sự, ông sinh ra ở làng Triều nghèo khó và lao khổ, khi lớn
lên đã từng đi khắp đất nước, nhưng tâm thức ông cứ mãi "loay quay" (chữ của Văn Đắc) về cái
nghèo khổ ở làng quê thuở nào. Cái "loay
quay" đó luôn ám ảnh, thôi thúc ông; và nhà thơ chỉ có thể giải tỏa nó
bằng cách viết về chốn quê thân thương ấy. Cùng với "sóng biển
cười", bạn đọc giờ đây được chiêm ngưỡng "Cát lầm" xứ Thanh, quê hương của nhà thơ Văn Đắc, đã vui hơn và
lấp lánh hơn.
Hải Phòng, 5/6/2022
M.V.P