image advertisement

image advertisement
image advertisement





























 

Giữ lửa truyền thống trong ánh sáng đức tin (phê bình) - Mai Văn Phấn

Giữ lửa truyền thống trong ánh sáng đức tin

 

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế

 

 

Mai Văn Phấn

 

Cầm trên tay tập tùy bút "Xuân thì trong chén đắng" (Nxb. Hội Nhà văn, 2024) của Nguyễn Tham Thiện Kế, tôi cảm nhận được nhịp đập của đời sống đương đại trong ký ức văn hóa dân tộc. Nổi bật trong tác phẩm là hình ảnh gia đình Công giáo Việt Nam, những người luôn kiên tâm gìn giữ truyền thống ông cha dưới ánh sáng đức tin, để mỗi phong tục, mỗi nếp sống không chỉ là dấu ấn văn hóa mà còn trở thành lời chứng sống động cho Tin Mừng. Với lối viết giàu chất thơ, kết hợp nhuần nhị giữa bút pháp trữ tình và tinh thần chiêm niệm, tác phẩm mở ra một không gian giao thoa thấm đẫm ân sủng, nơi truyền thống và đức tin nâng đỡ nhau, cùng soi rọi ý nghĩa sâu xa của kiếp nhân sinh.

Qua những tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế, ta thấy văn hóa dân tộc và đức tin Thiên Chúa không hề đối lập mà hòa hợp một cách uyển chuyển: trong ánh sáng Tin Mừng, những giá trị truyền thống càng được thăng hoa, phản chiếu vẻ đẹp bền vững của lòng hiếu thảo, sự yêu thương và đức khiêm nhường. Nhà văn thể hiện sự hòa quyện tinh tế giữa đời sống đạo và bản sắc văn hóa Việt Nam, từ các nghi lễ quan trọng như Tết Nguyên Đán, lễ Phục Sinh, Bí tích Hôn phối trong giáo đường cho đến những nếp sinh hoạt bình dị của một gia đình Công giáo. Tác phẩm này là lời tri ân dành cho cội nguồn, là sự xác tín vào tình yêu Thiên Chúa – Đấng soi dẫn và gìn giữ đoàn dân Người trong mọi nẻo đường dương thế.

Bàn về đời sống của người Công giáo Việt Nam, có thể nói gia đình là tổ ấm mà cũng là một "hội thánh thu nhỏ", nơi mỗi thành viên được nuôi dưỡng trong đức tin và tình yêu thương. Điều này thể hiện rõ qua việc kết hợp bàn thờ Chúa với bàn thờ tổ tiên trong gia đình Công giáo. Hình ảnh ấy phản ánh lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ – một giá trị cốt lõi trong văn hóa dân tộc, đồng thời thể hiện sự tín thác vào Thiên Chúa, Đấng cội nguồn của mọi sự sống. Nếu như trong nhiều gia đình truyền thống Việt Nam, bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất thì trong các gia đình Công giáo, bàn thờ Chúa đặt nơi chính giữa, kế bên là bàn thờ tổ tiên. Đây là sự khác biệt lớn với các nước châu Âu, nơi khởi nguồn Công giáo và là nơi không có phong tục thờ cúng tổ tiên, nó cho thấy sự hòa nhập uyển chuyển của Công giáo với thuần phong mĩ tục của ta, vì Chúa dạy rằng: "Hãy tôn kính cha mẹ con như tôn kính Chúa là Thiên Chúa của con đã truyền cho con, để ngày đời con được kéo dài và con được hạnh phúc trong xứ sở Chúa là Thiên Chúa ban cho con" (Sách Đệ Nhị Luật, chương 5, câu 16, Cựu Ước).

Tùy bút “Nghe trong chiều Ba Mươi" của Nguyễn Tham Thiện Kế là một thí dụ rất hay về sự hòa nhập đó: bằng trí nhớ tỉ mỉ đến kinh ngạc và giọng kể nhấn nhả rất sinh động, tác giả dẫn ta vào miền ký ức về cái Tết truyền thống trong gia đình Công giáo của chính tác giả, cái cách một gia đình Công giáo tiếp nhận và duy trì những giá trị truyền thống của dân tộc: "Nhà Tôi theo đạo Chúa, nhưng gia luật định lễ cúng Gia Tiên chiều Ba mươi thì mọi người phải hội đủ cùng nhau làm bữa cỗ thiêng liêng nhất một năm. Bởi nó kết tụ li ti những vui buồn của thầy mẹ và các chị em tôi suốt 365 ngày. Nó dừng lại những rủi ro và nhen kết cho hy vọng mới. Nếp tục từ thuở Hùng Vương theo chân thầy mẹ từ làng Hoàng đồng bãi lên vùng núi khẩn hoang như một hành trang tinh thần hợp dung với đạo Chúa." (tr. 374). Quan niệm của mẹ ông "Thờ kính Chúa mà không giữ lễ với Tổ Tiên thì cũng bằng nước lã ra sông" (tr. 374) là một triết lý sống dung hòa, tôn trọng cả hai niềm tin. Từ hình ảnh bàn thờ tổ tiên đặt bên dưới tượng Chúa và Đức Mẹ Maria, đến những nghi thức chuẩn bị bữa cỗ Tất niên, có thể thấy tinh thần đạo Chúa được tiếp nhận trong văn hóa dân tộc. Đây cũng là minh chứng cho quan niệm của người Công giáo Việt Nam: tôn thờ Thiên Chúa không đồng nghĩa với việc quên đi cội nguồn, tổ tiên. Khoảnh khắc cả gia đình cùng đọc lời tạ ơn trước bữa ăn vừa thể hiện lòng thành kính với Đấng-Hằng-Sống vừa giữ trọn đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt là tết Nguyên đán đã mang thêm ý nghĩa không kém phần quan trọng trong đời sống đức tin. Tết vừa là dịp đoàn viên vừa là thời điểm để con người nhìn lại một năm đã qua, tạ ơn Chúa và cầu xin phúc lành cho năm mới. Hình ảnh người mẹ cẩn thận gói từng chiếc bánh chuẩn bị tươm tất cho ngày Tết trong tùy bút "Mẹ ơi, gói chiếc nữa bánh chưng" in đậm phong cách đón Tết của người Việt trong một gia đình Công giáo. "Bánh chưng làm dấu kết vui buồn một năm mỗi phận người mỗi đận nhà. Gói bánh chưng, nấu bánh chưng, mời bánh chưng, biếu bánh chưng, sêu Tết bánh chưng ông bà ông vải... ơn cha Trời, mẹ Đất." (tr. 33). Điểm đặc biệt của vùng bên kia sông Đà họ hàng nhà mẹ tác giả là việc luộc bánh chưng bằng nước mưa tinh khiết. Đây không chỉ là một nét đẹp trong việc trân trọng những gì Chúa ban qua thiên nhiên mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng. “Mấy thôi mưa, mặt chum phẳng căng thứ nước u huyền, hút cái nhìn tưởng xuống cửa âm ti. Thầy vẩy lớp dầu lạc giữ hương, niêm kín nắp gỗ. Chúng chỉ được mở ra dùng pha trà khi ông nội ông ngoại đến thăm. Và nữa dành vào lễ Phục sinh, Giáng sinh nấu cơm nếp, nấu rượu cẩm và dành tận Tết luộc bánh chưng...” (tr. 34, 35). Tết trong gia đình Công giáo là thời điểm vui chơi, lễ hội, cũng là dịp để sống đạo một cách sâu sắc hơn – từ việc kính nhớ tổ tiên đến việc tạ ơn Thiên Chúa, từ những nghi lễ dân gian đến những giờ phút cầu nguyện trong âm thầm.

Bên cạnh Tết, những đại lễ như Phục Sinh và Giáng Sinh cũng hòa vào dòng chảy văn hóa dân tộc. Trong tùy bút "Phục Sinh im tiếng chuông", Nguyễn Tham Thiện Kế mô tả bầu không khí làng quê rộn ràng trong niềm hân hoan mừng Chúa Phục Sinh: "Thế là đã Chủ nhật, 5 giờ sáng, bồng bó huệ sáng mát sương tháng Tư, bõ Ngời vén vạt áo chùng thâm vốn chỉ linh mục, phó tế hoặc chủng sinh mới được mặc." (tr. 203); “con gái cụ trùm Sạch, người lĩnh xướng ca đoàn Mân Côi, đang lựa cắt những bông huệ chín. Cô cũng thức khuya dậy sớm cùng giờ anh Ngời ra tháp chuông tập kèn.” (tr. 244).

Trong một tùy bút khác là "Mùa thương Mù Cang Chải", hiển hiện lên khung cảnh vùng núi Tây Bắc với những con người bình dị, nhẫn nại, chất nỗi niềm. Trên hành trình của nhân vật Tôi, có một chi tiết đầy ám ảnh: "Bao lâu nữa phận số thôi cay nghiệt để Tôi gặp lại bé Sùng Su Ni giữa ngược ngàn dốc đá nói lời xin lỗi vì món quà sơn nguyên đã không chuyển kịp đến cha em." (tr. 267). Bé Su Ni trong tâm khảm của người kể chuyện là hình ảnh biểu trưng cho sự nghèo khó, thiếu thốn của đồng bào miền núi, là nỗi niềm day dứt khôn nguôi của nhân vật Tôi. Nỗi niềm trăn trở đó được truyền tải qua từng dòng chữ của Nguyễn Tham Thiện Kế, tuy thấm thía nỗi buồn nhưng cũng đầy sự sẻ chia và cảm thông. Con người nơi đó có tấm lòng rộng lượng và nhân ái, khoáng đạt như vùng sơn cước trập trùng những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng bên những dòng suối biếc xanh quê hương họ. "Bao lâu nữa Tôi trở lại rừng nguyên sinh La Pán Tẩn vật mẻ xôi ngắt lá chuối rừng mặc áo tấm bánh dày gọi sương thu mùa thương Mù Cang Chải?" (tr. 267). Đó là nỗi nhớ da diết của tác giả về La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, với thiên nhiên hoang sơ, phong tục vùng cao và những ký ức thân thương gắn liền với mùa thu Tây Bắc. Đó là hành trình tìm kiếm ý nghĩa của lòng trắc ẩn, sự san sẻ của tác giả, một người Công giáo.

Ta cũng sẽ thấy lòng bác ái và tình yêu thương không chỉ ở những người Công giáo mà còn mở rộng đến những người xa lạ cùng cảnh ngộ giúp đỡ lẫn nhau, được biểu đạt rõ nét trong tùy bút "Xưa mưa ướt mãi mái gồi". Từ hình ảnh “Một đêm mưa lạnh, trong lúc mấy chị em co kéo khoảng chiếu khô, Mẹ lập cập thốt lên: ‘Nếu được Chúa thương, thì Mẹ sẽ cất cho các con ngôi nhà mới. Ngôi nhà không bao giờ thấm dột...’”, đến hình ảnh những người trai Nam bộ góp sức dựng ngôi nhà che mưa che nắng: "Ngôi nhà kiêm hàng quán, được những người trai Nam bộ chưa nếm trải mưa nắng xứ Bắc góp sức tạo dựng, nên họ lợp mái thưng vách chỉ phong phanh lớp cỏ tranh chẳng khác những ngôi nhà dừa nước bên dòng kênh. Thầy mẹ được túp lều đã vui, nữa là hẳn một ngôi nhà..." (tr. 269); cho đến hình ảnh những người thợ Mường tận tâm làm việc, hay cụ cả Trầm với sự tận tụy trong từng thớ gỗ để dựng cho gia đình tác giả ngôi nhà gỗ xoan mái gồi: “Nhưng ngôi nhà của thầy mẹ, đẫm hương đắng ngăm của gỗ xoan mùa hoa tím xạc xào mái gồi khi rừng cọ vẫy gió thu thơm, mãi chốn bình yên vẻ đẹp lam phiêu diêu của hồn Tôi lênh đênh trong dòng chảy Việt.” (tr. 280, 281); ôi lời văn cũng đẹp như tình người!    

Không gian gia đình trong tùy bút "Trân phẩm trong tay mẹ" được kiến tạo với sắc thái thiêng liêng và ấm áp, thể hiện qua hệ thống biểu tượng tôn giáo giàu ý nghĩa. Hình ảnh Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng, cây thánh giá bạc và chai nước thánh được đặt trang trọng trên chiếc hòm gỗ không chỉ phản ánh đức tin Kitô giáo mà còn gợi lên chiều sâu tâm linh, nơi niềm tin và tình mẫu tử hòa quyện, tạo nên một không gian thánh thiêng trong đời sống gia đình. Chính niềm tin vào Thiên Chúa đã trở thành điểm tựa vững chắc, giúp người mẹ chu toàn bổn phận trong yêu thương và kiên nhẫn, để rồi từ nơi mẹ tỏa ra ánh sáng của lòng nhân hậu và sự chở che. Ánh đèn tọa đăng trong đêm khuya, soi đường cho mẹ xuống bếp, tựa như ánh sáng của Chúa luôn hiện diện, soi rọi và nâng đỡ con người trong những chặng đường gian truân của kiếp nhân sinh. Trong từng hạt thóc, từng tấm bánh, từng hơi ấm gia đình, ánh sáng ấy vẫn âm thầm ẩn hiện, nhắc nhở mỗi người về tình yêu vĩnh hằng, sự bao dung và ân sủng vô biên. Tôi xác quyết với riêng mọi thức món tự Mẹ làm, thức nào cũng là trân phẩm. Nghĩ tới một tên thức đã nghẹn cười nhẩm khẽ gọi thương yêu. Từ niêu cá kho tiêu tương quyến luyến, bát nước chấm nem rán chua cay mặn ngọt tưởng đồng mà mỗi vị một sắc chẳng chịu chung, đĩa rau muống luộc xanh vân vi, búp lá cũng bở giòn như cọng, vắt cơm nắm thơm lẩn gạo mùa cũ, ríu hương bẹ ủ hoa cau mát ngọt đặt sẵn góc bàn chờ Tôi ấn vào cặp sách những hôm học cả ngày trường huyện.” (tr. 326)

Trong tùy bút "Ngôi Lời của Tháng Giêng", Nguyễn Tham Thiện Kế diễn tả tinh thần bác ái thông qua những hình ảnh gần gũi, chân thực về gia đình, làng xóm và những con người bình dị. Đức tin Công giáo thấm nhuần trong đời sống thường nhật, được thể hiện qua từng chi tiết nhỏ trong tương quan giữa con người, đặc biệt qua những cử chỉ yêu thương và sẻ chia trong thời khắc đầu xuân. Những hành động ấy phản ánh tinh thần bác ái, cho thấy sự gắn kết giữa niềm tin tôn giáo và sinh hoạt văn hóa, nơi đức tin trở thành nguồn mạch nuôi dưỡng các giá trị nhân văn trong đời sống cộng đồng. Cảnh người mẹ sắp xếp lại thức ăn – không chỉ cho gia đình mình mà còn để chia sẻ với những người xung quanh – làm nổi bật tinh thần san sẻ theo giáo lý Kitô giáo. Đỉnh điểm của lòng bác ái trong tùy bút là khi mẹ chuẩn bị món quà đặc biệt cho anh Thiện – người lính trẻ trốn về thăm nhà giữa Tết: "Mẹ lật bật mở nắp chiếc rương gỗ lim đựng thóc giống. Chiếc thẩu thủy tinh đựng món bánh gạo nếp trộn nguyên lòng đỏ trứng gà, chao mỡ lợn ỉ, thắng đường củ cải vốn chỉ để bày đón ông nội ông ngoại được san vội một nửa vào tờ bìa báo ảnh Việt Nam quấn bồ kề." (tr. 9). "Ngôi Lời của Tháng Giêng" là câu chuyện về trái tim một người mẹ Công giáo và nó chạm đến trái tim người đọc, khiến ta chẳng khỏi rưng rưng. Nguyễn Tham Thiện Kế đã để tinh thần bác ái len lỏi vào từng câu chữ, như một lời nhắc nhở rằng đức tin không phải điều gì cao xa, trừu tượng, mà là những hành động yêu thương giữa người với người.

Ấn tượng nhất với tôi trong cuốn sách là tùy bút "Phục sinh im tiếng chuông", có kết cấu như một truyện ngắn. Ngân vọng suốt chiều dài câu chuyện là tiếng chuông của bõ Ngời, một trong hai nhân vật chính. Tiếng chuông, dĩ nhiên là biểu trưng của một xứ đạo bất kỳ, nhưng trong tùy bút – truyện ngắn này, nó biểu trưng cho một đời người sau rất nhiều sóng gió đã tìm thấy an vui trong Chúa. Thế nhưng, đến một mùa lễ Phục sinh, chuông ấy im tiếng. Sự im tiếng này báo hiệu một thay đổi lớn, khi bõ Ngời phát hiện dây chuông quen thuộc bị tháo đi, thay vào đó là “hệ thống giật chuông tự động” – một chi tiết đầy tính biểu tượng. Tiếng chuông từng mang tinh thần của người kéo, của niềm tin và sự sống, nay bị thay thế bởi một cơ chế vô hồn, mất đi sự linh thiêng vốn có. Sự kiện này phản ánh sự thay đổi trong đời sống tinh thần xứ đạo: con người dần phụ thuộc vào máy móc, sự thành tâm bị lãng quên, những giá trị thiêng liêng bị thay thế bởi tiện nghi và công nghiệp hóa. "Phục sinh im tiếng chuông" – một ẩn ý về sự thiếu vắng nhịp cầu nối giữa con người và thế giới linh thiêng. Phần nổi của câu chuyện là tình yêu của hai người trẻ tuổi trong xóm đạo yên bình bỗng bị chia cắt bởi chiến tranh, nhưng nó mang ẩn ý tình yêu trần thế như tiếng chuông ngân lên rồi tắt lịm, mà âm hưởng của nó vang vọng mãi. Cái kết buồn của một mùa "Phục sinh im tiếng chuông" phản ánh rõ nét sự tàn khốc mà chiến tranh đã để lại: chia rẽ lứa đôi này vĩnh viễn; những sang chấn về tâm lý sau chiến tranh đã khiến họ ẩn náu vào tình yêu Thiên Chúa một cách cực đoan, "Ngày ấy, Nội còn tại thế, nghe chuông ngân, đan ngón khô vào tóc Tôi, người hướng vu vơ vào sắc mây hoa huệ: Thành tín quá, tự trọng quá. Vì đâu nên nỗi. Chúa có bắt họ phải hy sinh hư huyễn theo cách ấy đâu.” (tr. 249). Khi soeur Nhẹ trở về làng sau nhiều năm, giữa họ không còn là tình yêu của tuổi trẻ mà là sự cảm thông, thấu hiểu – một tình yêu dâng hiến không lời, như chính những gì họ đã hy sinh vì đức tin. "Sau khi nhắc đến vò rượu cúc, soeur bước lững thững tiến đến taxi, nhưng bà từ từ quay lại, trong khi ông già vẫn đứng dõi theo. ‘Này... ông... Ông có giận vì tôi đã cưới Chúa không?’” (tr. 248).

Dù mang nỗi buồn về sự lụi tàn của những giá trị xưa cũ, tùy bút này vẫn để ngỏ niềm hy vọng. "Phục sinh im tiếng chuông" là lời nhắc nhở về sự chuyển mình của thời gian, về sự cần thiết của việc gìn giữ những giá trị thiêng liêng trong dòng chảy hiện đại. Bõ Ngời dù không còn kéo chuông, nhưng đức tin luôn vững vàng. Ông tin rằng dù tiếng chuông bị thay thế, nhưng tiếng gọi của Chúa thì không bao giờ ngừng. "Sự sống người kéo chuông ngừng một ngày nào đó, nhưng tiếng chuông Chúa gọi thì không bao giờ ngưng. Nếu như chỉ kéo bằng sức thì có lẽ bõ Ngời không trụ nổi mấy ngày, nhưng khi bõ kéo chuông bằng niềm tin tâm hồn, thì đến kiếp sau, Chúa cho trở lại thế gian, bõ vẫn sẵn lòng làm người kéo chuông. Mỗi lần kéo chuông là một lần thử thách giữ đúng nhịp, ngắt đúng tiếng, để người Cơ đốc dọn mình lựa việc đến với Chúa. Mỗi một tiếng chuông ngân là một lần bõ được nâng lên, được ru rín quên những ưu phiền mệt nhọc của kiếp người." (Phục sinh im tiếng chuông, tr. 246).

"Phục Sinh im tiếng chuông" chứa đựng nhiều tầng nghĩa, vừa là hoài niệm về những giá trị đã mất, vừa là tiếng vọng suy tư về đời sống đức tin, về sự chuyển biến của xã hội và con người. Tiếng chuông nhà thờ, từ chỗ là linh hồn của xứ đạo, nay chỉ còn là một thanh âm vô hồn. Đây là một tùy bút buồn và đẹp, lan tỏa tinh thần Kitô giáo, cũng là một bài ca về thân phận con người trong dòng chảy của thời gian.

Nguyễn Tham Thiện Kế là một nhà văn có kinh nghiệm trong việc kết hợp tự sự, trữ tình và triết lý trong tùy bút. Ông không chỉ thuật lại sự kiện mà còn dẫn dắt người đọc vào một không gian suy tưởng, nhiều gợi mở. Ngôn ngữ của ông tinh tế, giàu hình ảnh và sức gợi. Ví dụ, khi mô tả không gian tháng Giêng, ông vừa tái hiện sự sống động của ngày xuân, vừa nhuốm lên đó nét mộng mị, mở ra những tầng nghĩa thiêng liêng. "Hồng điều xác pháo vùi cát lấm bùn, giẫm đạp bước chân. Mắt người lơ ngơ vo vòng khói nến khói nhang phơ phất hơi men. Tuy đã Xuân nhưng rét nàng Bân đón đợi chưa thôi cắn cấu cơn hờn da thịt. Giống loài hoa dâng hương cho sắc tận hiến chưng phô thân phận tất thảy dịp Tết giờ đang trở lùi quá vãng. Chỉ còn mấy cữ hoa của cây cho trái bắt đầu trút bớt lá già chìa nụ... Rình rang hội làng còn đâu đó phía trước dùi trống nửa tuần trăng." (Ngôi Lời của Tháng Giêng, tr. 5). Câu văn của Nguyễn Tham Thiện Kế có nhịp điệu riêng, biến chuyển linh hoạt giữa các vế câu, như dòng suy tưởng liền mạch và mang sức nén rất mạnh. Ông khai thác triệt để sự tương phản của hình ảnh, tạo cảm giác hoài niệm về một khoảnh khắc rực rỡ đã qua. Văn của ông là sự hòa quyện giữa chất thơ và triết lý, giữa cảm thức về sự phai tàn và niềm mong đợi một khởi đầu.

Trong tùy bút "Nghe trong chiều Ba Mươi", Nguyễn Tham Thiện Kế khẳng định giá trị thiêng liêng và tính dung hợp của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, xem đó như một “đạo mở” hài hòa với mọi tôn giáo. Tư tưởng này đề cao lòng hiếu kính – giá trị đạo đức phổ quát, đồng thời nhấn mạnh sự giao thoa giữa tín ngưỡng truyền thống và các hệ thống niềm tin, tạo nên sự gắn kết bền vững giữa đạo lý dân tộc và đức tin tôn giáo: "Thờ cúng Tổ Tiên –  Ấy là mĩ tục quốc gia như một thứ "đạo mở" tiếp nhận mọi tôn giáo của nhân loại. Bởi chẳng tôn giáo nào lại không răn dạy con cháu biết ơn, cung kính Tổ Tiên..." (tr. 374).

Điều đặc biệt trong tập tùy bút là Nguyễn Tham Thiện Kế không áp đặt tư tưởng tôn giáo, mà để đức tin thấm nhuần vào từng chi tiết nhỏ của đời sống, tự nhiên như hơi thở, phản chiếu vẻ đẹp của ân sủng và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thực tại thường ngày. Trong một đoạn văn tràn đầy chất thơ, ông viết về sự giao hòa giữa đức tin và văn hóa: "Người hay cây đều phải đặt đúng thổ ngơi, vị trí mà Thượng đế đã tạo sắp dành cho riêng mới mong được là mình phát trội phẩm tính... Dễ đâu cảm nghiệm vị ngọt sâu dày trong đắng chát trái xanh tinh chiết từ sỏi đá và tro than. Trung châu Đất Tổ, chừng nào Hồng Hạc còn nảy nụ, kết hoa dưới trời Xuân Xoan Ghẹo thì cá Anh Vũ vẫn còn quẫy sóng hợp lưu và người đời chẳng thể nguôi nắc nỏm miếng ngon Phú Thọ." (Hồng Hạc miền Bạch Hạc, tr. 373). Tư tưởng về sự sắp đặt của Thượng đế được lồng ghép tự nhiên vào triết lý nhân sinh và quy luật sinh trưởng của vạn vật, tạo nên một dòng chảy dung hợp, hài hòa.

Đặc biệt, câu văn của Nguyễn Tham Thiện Kế mang dáng dấp văn biền ngẫu, với từng ý, từng âm, từng nhịp đối xứng hài hòa, gợi nhớ đến văn chương bác học cổ điển. Chính nhịp điệu trang trọng mà giàu cảm xúc ấy tạo nên phong cách riêng của ông - vừa cổ kính, uyên thâm, vừa gần gũi, lắng đọng: "Lớp lá dong bọc bánh chưng phai diệp lục ngả màu trắng bạc trên bàn thờ và dưới móc treo sào tre. Vò rượu tăm nếp cái hoa vàng còn đôi cút eo óc láng đáy sành trên kê cạnh bộ trường kỷ gỗ gụ mộc đánh sáp ong. Cành đào lộc trổ lộc từng mắt mấu, hình hoa bỗng mỏng tựa tàn tro hóa vàng..." (Ngôi Lời của Tháng Giêng, tr. 5).

Đọc tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế, ta nhận ra đức tin không chỉ đồng hành mà còn nâng đỡ, soi sáng, làm phong phú đời sống tinh thần, đồng thời hòa quyện sâu sắc với bản sắc văn hóa dân tộc. Sống đức tin trong văn hóa Việt không đơn thuần là việc thực hành đạo trong khuôn khổ nghi lễ, mà còn là hành trình hội nhập, gìn giữ và làm thăng hoa những giá trị truyền thống dưới ánh sáng Thiên Chúa. Sự hòa quyện giữa đức tin và văn hóa trong tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế được thể hiện qua phong tục, nếp sống gia đình, cung cách ứng xử, và trong cả lời ăn tiếng nói. Khi được soi chiếu bởi giáo huấn Kitô giáo, những giá trị truyền thống như lòng hiếu thảo, tinh thần bác ái, tình nghĩa xóm giềng càng được củng cố và thánh hóa, trở nên dấu chứng sống động của tình yêu Thiên Chúa giữa lòng dân tộc.

Giá trị của tập tùy bút "Xuân thì trong chén đắng" của Nguyễn Tham Thiện Kế không chỉ nằm ở vẻ đẹp nghệ thuật ngôn từ mà còn lan tỏa như một dòng chảy ký ức và suy tư về thân phận con người dưới ánh sáng đức tin. Những trang viết của ông trầm lắng và suy tư, thấm đượm hơi thở đời thường, chạm đến những chiều sâu tinh tế của tâm hồn, mở ra khoảng lặng thiêng liêng để con người chiêm nghiệm chính mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Được viết trong tinh thần mĩ học Kitô giáo, tập tùy bút này thấm đượm lòng bác ái, sự hy sinh và khát vọng cứu rỗi. Mỗi trang viết vừa tái hiện hoài niệm hay chiêm nghiệm nhân sinh vừa mang theo lời chứng về tình yêu và ân sủng, giúp con người nhận ra ánh sáng của Chúa giữa những thử thách. Tác phẩm là sự hòa hợp đức tin Kitô giáo và văn hóa Việt Nam, làm chứng cho một Giáo hội hiệp hành giữa lòng dân tộc. Đây cũng là nhịp cầu đưa độc giả đến với những tác phẩm của Nguyễn Tham Thiện Kế, nơi mỗi con chữ tiếp tục dệt nên những lớp nghĩa sâu sắc, khơi gợi niềm tin, hy vọng và tình yêu thương.

 

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, sinh năm 1961 tại Phú Thọ. Ông từng đoạt Giải thưởng Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ 2010 với tập truyện ngắn “Tiếng kêu của ngôi nhà thủng mái”. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 với tập truyện ngắn "Một mùa hè dưới bóng cây”. Các tác phẩm chính của Nguyễn Tham Thiện Kế: “Nơi con tàu không trở lại” (tập truyện ngắn – 1980). “Nhà của Mẹ” (tập truyện ngắn – 1985). Tiểu thuyết “Miền đời quên lãng” (1989-1996-2003). Tiểu thuyết “Người cha ở trên trời” (2003-2006-2010). “Khuôn mặt đẹp” (tập truyện ngắn – 2003). “Tiếng kêu của ngôi nhà thủng mái” (tập truyện ngắn – 2007). “Dặm ngàn hương cốm Mẹ” (Tập tùy  bút – 2001). “Miền lưu dấu Văn nhân” (Chân dung văn nghệ –  2013). “Đợi Chị về tưới rượu bến sông” (tập du ký  –  2017). “Một mùa hè dưới bóng cây” (tập truyện ngắn – 2023. Và “Xuân thì trong chén đắng”  (tập tùy bút – 2024).

 

Hải Phòng, 24/2/2025

M.V.P

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị