Mơ
mộng cổ xưa trong trầm tích nông nghiệp
TS.
Nguyễn Thanh Tâm
Nguyễn
Thanh Tâm
Mai
Văn Phấn là một tác giả quan trọng của thơ Việt Nam đương đại. Điều ấy, ở thời
điểm hiện tại có thể xem như một xác quyết mang đến nhiều sự đồng thuận.
Trên
hành trình thơ của mình, Mai Văn Phấn tỏ ra là người luôn có ý thức rốt ráo
trong việc kiến tạo những giá trị mới, nhằm thỏa mãn nhu cầu được sống đầy đủ,
trọn vẹn hơn với tư cách thi sĩ. Có một sự thật là chúng ta không bao giờ cảm
thấy mình được sống đủ, sống tận với thời gian của mình. Thi sĩ lại càng không.
Do đó, liên tục sáng tạo, liên tục đổi mới, nhận ra giới hạn và vượt qua các
giới hạn là cơ hội làm đầy hơn quỹ sống của nhân gian.
Mai
Văn Phấn xem việc “vong thân” - rời bỏ chính mình - vừa là thử thách, vừa là
phương cách để kiếm tìm một trải nghiệm sống đời-sống thơ khác. Thế nên, với
hơn 30 năm đi, tìm, gặp, rời bỏ, dấn bước và quay về (quay về trong một cảm
niệm khác), Mai Văn Phấn đã dựng nên một thế giới nghệ thuật thi ca rất đáng để
chúng ta chiêm ngưỡng.
Quan
sát một thi giới, người đọc sẽ phát hiện ra những góc, cạnh, chiều kích khác
nhau làm nên kiến trúc nghệ thuật. Với ý nghĩ đó, trong nhiều lần bước vào thế
giới thơ của Mai Văn Phấn, tôi nhận ra những ám ảnh mùa màng nông nghiệp ở
chiều sâu của ký ức, được hiểu như là một tín hiệu căn cước, một chỉ dấu tâm
tính, một di chỉ văn hóa, khảm lên từng mảnh khuất tỏ của thơ ca.
Thơ
Mai Văn Phấn trầm tích một lớp ký ức nông nghiệp khá sâu. Trầm tích đó tỏa lên
hình tượng, thấm vào câu chữ, tái sinh hoặc đầu thai vào những biểu đạt đa
nghĩa của thơ. Thử hình dung đôi chút về những trầm tích ấy: "Gieo giống/
Vào bùn ngấu/ Mới đi được mươi bước/ Cánh đồng đã mọc đầy sương mù; Thoáng thu/
Nỗi nhớ biến thành sương khói/ Lá khô thoát xác bay lên/ Tôi thì nồng nàn như
đất/ Để em linh ẩn chùa chiền"; ... "Những mùa tái sinh trổ đòng chín
rục/ Sấm nổ vang trong lòng tay mầm hạt/ Vòng phù sa tươi ròng ấp ôm thớ đất/
Em cúi xuống và dòng sông ùa đến bất ngờ"...
Nếu
bảo rằng Mai Văn Phấn viết về nông nghiệp thì e là hơi vụng về. Ở đây, ký ức
mùa màng hay những tượng hình mang chỉ dấu nông nghiệp như một ám ảnh vô thức,
một “cổ mẫu” trong sâu thẳm tinh thần của cư dân nông nghiệp. Đất đai, dòng
sông, nước, hạt mầm, ẩm ướt, nồng nàn, tơi xốp, chăm bón, vun trồng, thụ phấn,
trổ đòng, hương thơm trái chín... đã hóa thân vào anh và em, vào da thịt, vào
yêu đương, luyến ái. Ký ức nông nghiệp trở thành chất liệu, thành một tín hiệu
dẫn người đọc trở về với không gian của những mùa màng phồn thực sinh sôi.
Việc
chỉ ra lớp trầm tích nông nghiệp trong thơ Mai Văn Phấn không đơn giản chỉ là
dẫn lại những bài thơ, những hình ảnh nhắc về không gian nông thôn hay các hoạt
động sản xuất nông nghiệp. Điều thực sự quan trọng nằm trong những mộng mơ cổ
xưa đầy thiêng liêng của con người, mà chắc hẳn Mai Văn Phấn không thể nào bứt
mình đoạn tuyệt. Khắp từ Đông sang Tây, suốt chiều dài đằng đẵng của lịch sử
nông nghiệp, con người sống trong những mùa màng vừa bình dị lại cũng vô cùng
thiêng liêng như thế. Đâu phải ngẫu nhiên mà tín ngưỡng phồn thực trở thành một
nhịp điệu quan trọng của thực hành nông nghiệp. Đàn bà, các nghi lễ hiến tế,
giao hoan, thờ cúng sự màu mỡ, nâng niu, chờ đợi sự sinh sôi đã tạo nên vùng
khí hậu đặc biệt của đời sống nông nghiệp.
Có
ai đọc những trích dẫn thơ của Mai Văn Phấn ở trên mà không mơ tưởng đến những
niềm luyến ái? Ký ức mùa màng trở thành một hoạt lực của vô thức và từ trong vô
thức, những biểu đạt cổ xưa nhập vào thi sĩ, làm cựa mình những nghi lễ sinh
sôi.
N.T.T
(Nguồn:
Báo Quân đội nhân dân)
Tranh của Thành Chương