Điều gì thật nhất trong thơ? - Phóng viên Hà Ngân thực hiện phỏng vấn
Điều gì thật nhất trong thơ?
(Phóng viên Hà Ngân thực hiện phỏng vấn)
Một số độc giả nhỏ tuổi của Văn học và Tuổi trẻ đã gửi câu hỏi đến ban biên tập tòa soạn với
mong muốn được kết nối và trao đổi với nhà thơ Mai Văn Phấn – tác giả bài thơ Con chào mào. Từ những câu hỏi của các độc
giả nhỏ tuổi, phóng viên (PV) Văn học và
Tuổi trẻ đã liên hệ và phỏng vấn nhà thơ Mai Văn Phấn (MVP) để đi tìm câu
trả lời cho những băn khoăn, thắc mắc: Liệu
có một “con chào mào đốm trắng mũ đỏ” thật không? Và điều gì mới là thật nhất
trong thơ?...
PV: Thưa nhà thơ Mai Văn Phấn, là một tác giả luôn cách
tân không mệt mỏi, luôn tìm kiếm những điều mới lạ trong thơ, có bao giờ ông
nghĩ rằng những thay đổi liên tục để tạo nên sự khác biệt ấy khiến cho những
bài thơ trở nên khó hiểu, khó cảm nhận đối với độc giả?
MVP: Sáng tạo là hành trình đi tìm những giá trị mới cùng những cách thể hiện mới
lạ, độc đáo. Hành trình ấy nhằm mở rộng, làm phong phú thêm thế giới nghệ thuật
thơ, đẩy xa hơn nữa đường biên của tưởng tượng, của cảm xúc. Mỗi bài thơ nên là
một cuộc lên đường, mở ra hành trình mới. Và, tôi mong mỏi độc giả cũng tiếp nhận
tác phẩm thơ bằng tinh thần ấy. Quá trình viết và đọc có thể giao thoa, cũng có
thể lệch nhịp. Tuy nhiên, với cả người viết và người đọc, thơ ca tạo cho chúng
ta cơ hội phát hiện, khám phá được điều kì diệu, mới mẻ trong một thế giới mà
ta tưởng rằng mọi thứ đã trở nên quen thuộc, hoặc nhàm chán. Do vậy, cả người
viết và người đọc nên cùng hướng về phía trước, chống lại những thói quen cũ kĩ.
Ngay cả với những bài thơ được gọi là truyền thống, là kinh điển, với mỗi người
đọc mới, với một lần đọc mới, cũng là một hành trình và thách thức mới. Với một
nhà thơ, cách tân là cuộc lột xác nhọc nhằn, thì với độc giả, tiếp nhận những
giá trị mới, khác lạ cũng là một hành trình không mấy dễ dàng. Cho nên, vượt
qua được nỗi sợ sự “khó hiểu”, “khó cảm nhận” rồi thì cả người viết và người đọc
đều chạm tới được những giá trị mới trong cảm xúc và nhận thức.
PV: Có ý kiến cho rằng “con chào mào đốm trắng mũ đỏ”
trong bài thơ Con chào mào là không
có thật, không có một con chào mào như vậy trong thiên nhiên. Phải chăng nhà
thơ đã từng nhìn thấy con chào mào như vậy? Hay đây chỉ là một sự tưởng tượng
phi thực tế?
MVP: Nếu ví thơ như cái cây,
thì rễ của nó nhất định phải bám vào đất - mảnh đất của hiện thực đời sống. Cái
cây kia sống nhờ đất mà đơm hoa kết trái, hoa trái lại mang hình hài, sứ mệnh
và giá trị của riêng nó. Thơ ca cũng tương tự như vậy, nó không sao chép, mô phỏng
lại đời sống mà thăng hoa, phát sáng từ hiện thực bằng nghệ thuật ngôn từ. Để
có được hình ảnh “con chào mào đốm trắng mũ đỏ”, tôi đã làm bạn với
không biết bao nhiêu con chào mào, với nhiều loài chim kể từ khi mới lớn. Rồi một
hôm nghe như có tiếng con chào mào nào đó hót vang giữa không trung, trong tôi
bỗng xuất hiện hình ảnh của câu thơ kia. Hình ảnh ấy đã sáng lên trong tưởng tượng
của tôi như một ngôi sao, như đốm lửa dẫn dắt tôi đến khi bài thơ kết thúc. Đơn
giản là tôi cảm nhận thấy vẻ đẹp đầy sức hút, rực rỡ và tươi mới trong hình ảnh
“con chào mào đốm trắng mũ đỏ”. Con chào mào đốm trắng mũ đỏ ở đây hay con phượng
hoàng lửa trong câu chuyện cổ, con rồng trong văn hóa phương Đông, nó vừa thực
vừa không thực... như mọi hình tượng thơ. Nó bay và hót để nối liền bầu trời thực
và bầu trời tưởng tượng trong đời sống của chúng ta.
PV: Hình như có một nhà thơ đã từng nói rằng khoảng cách
giữa ngôn từ và hiện thực là một vực thẳm trong thơ. Điều này có làm cho thơ trở
nên khó hiểu và khó đọc hay không?
MVP: Những ai đã từng thử làm một bài thơ đều thấy rằng thể hiện được hiện thực
đời sống (bao gồm cả thế giới bên ngoài và thế giới tâm hồn bên trong con người)
bằng ngôn từ là điều khó khăn, thách thức. Không phải lúc nào người viết cũng
tìm được hình thức ngôn từ phù hợp, đắc địa để biểu đạt được ý tưởng, hiện thực
đời sống, hiện thực tinh thần. Tìm kiếm và gắn kết được hiện thực và ngôn ngữ
thơ ca là một quá trình khổ công của người viết. Quả thực nếu người viết không
tìm kiếm được cách thể hiện cho hiện thực đời sống, hiện thực tâm hồn trong khi
viết thì việc làm thơ còn khó khăn hơn vượt qua một vực thẳm. Việc giảm bớt sự
ngăn cách của "vực thẳm" kia hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng, vào quan
niệm của người viết. Theo tôi, vươn tới sự giản dị, vận dụng tối đa cách nói đời
thường cũng là một trong những thủ pháp làm cho thơ hiện đại đến gần hơn với
người đọc. Vấn đề còn nằm ở sự tiếp nhận của người đọc nữa. Vì thế, rất cần sự
đồng điệu, sáng tạo, thậm chí là đột phá của người đọc trong tiếp nhận thơ ca.
PV: Vậy theo nhà thơ, điều gì mới là thật nhất trong thơ?
Cụ thể là trong bài thơ Con chào mào...
MVP: Trong sáng tạo thơ ca, ngoài chiều sâu văn hóa và bút pháp vững vàng, điều
quan trọng nhất với nhà thơ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, xuyên suốt trong khi viết.
Cảm xúc chi phối sự lựa chọn hình tượng, ngôn từ. Cảm xúc là điều thật nhất và
tác động mạnh mẽ nhất đến sự thể hiện hình tượng. Cảm xúc dẫn dắt và giúp nhà
thơ bộc lộ hết khả năng sáng tạo, khơi lộ được vẻ đẹp tâm hồn mình để dựng lên
một hình tượng thơ. Cảm xúc thật thì hình tượng thật, dù hình tượng ấy được thể
hiện bằng bút pháp nào. Bài thơ Con chào mào của tôi được viết trong trạng
thái như vậy. Nó là sự kết tụ vẻ đẹp, sức sống bất diệt của thiên nhiên mà tôi
đã được trải nghiệm, và giờ đây càng muốn gìn giữ, bảo vệ nó. Vì thế, “con chào
mào đốm trắng mũ đỏ”, “khung nắng khung gió”, “nhành cây xanh...” và cả cái trạng
thái “hối hả đuổi theo”... với tôi, đều là thật, đó là tình yêu mà tôi dâng tặng
cho thiên nhiên, cho những vẻ đẹp tự do, như nó vốn có, không sở hữu và không
thể trói buộc, dù dưới bất kì hình thức nào. Nhưng nó vẫn là trong tôi, vẫn ngân
lên như tiếng hót và bay vút trong không gian xanh...
PV: Những điều nhà thơ chia sẻ thật ý nghĩa và thú vị. Những chia sẻ này sẽ
giúp độc giả nhỏ tuổi sẽ cảm thấy bài thơ bớt khó hiểu hơn, cảm nhận rõ rệt hơn
thế giới tự do, phóng khoáng của “con chào mào đốm trắng mũ đỏ” để từ đó biết
trân trọng hơn vẻ đẹp của sự sống, của thiên nhiên quanh ta. Xin trân trọng cảm
ơn nhà thơ!
(Nguồn: Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, 1/2024)
Tranh của Gürbüz Doğan Ekşioğlu (Thổ Nhĩ Kỳ)