Thế giới thơ Francis Assisi Lê Đình Bảng (phê bình) - Mai Văn Phấn
Thế giới thơ Francis Assisi Lê Đình Bảng

Nhà
thơ Francis Assisi Lê
Đình Bảng
Mai Văn Phấn
"Tôi làm thơ, nghĩa là tôi cầu nguyện
Như chùm hoa tự trút hết hương thơm"
(Lê
Đình Bảng)
Francis Assisi
Lê Đình Bảng là một trong những nhà thơ Công giáo tiêu biểu, để lại dấu ấn sâu
đậm trong dòng chảy thi ca Việt Nam đương đại. Thơ ông hòa quyện đức tin kiên
vững, lòng đạo và chiều sâu giáo lý, vẻ đẹp mỹ học Kitô giáo và bản sắc văn hóa
dân tộc, thể hiện sự uyên bác về tri thức văn hóa Đông – Tây. Sự nghiệp thi ca
của ông như vùng đất phong nhiêu, với thổ nhưỡng và khí hậu riêng biệt, cất lên
tiếng nói sáng tạo, vừa khơi nguồn cảm
hứng cho những người yêu văn chương, vừa nuôi dưỡng khát vọng chiêm nghiệm đức
tin.
Nói
đến thơ của Lê Đình Bảng là nói đến những dòng mạch thơ về đức tin và tình yêu
Thiên Chúa, về hình tượng người mẹ và gia đình, về quê hương và ký ức tuổi thơ,
về triết lý nhân sinh và nỗi niềm nhân thế, về tâm tư trước thời cuộc và dấu ấn
lịch sử, về thiên nhiên và cái đẹp. Ở khuôn khổ bài này, tôi muốn đi sâu vào
những dòng mạch trên đồng thời khái quát đặc trưng thi pháp của ông, để thấy
được lực hấp dẫn và tầm ảnh hưởng của thơ Lê Đình Bảng.
"Chút gia tài của lòng đạo, đức
tin" – Đức tin và tình yêu Thiên Chúa
Lòng
đạo và đức tin là cốt lõi xuyên suốt hành trình thi ca của Lê Đình Bảng. Đức
tin Kitô giáo thấm đẫm trong từng câu chữ, trở thành ý hướng chủ đạo, kết tinh
thành những khúc tụng ca ngợi khen và tôn vinh tình yêu Thiên Chúa. Như mạch
suối ân sủng tuôn trào, thơ ông dẫn dắt tâm hồn người đọc đến với sự chiêm niệm
và niềm khát khao hướng thượng. Hình ảnh thiên nhiên sống động trong bài thơ
"Suối nguồn"
chính là biểu tượng cho ân tình Thiên Chúa – suối mát thiêng liêng luôn
tuôn đổ xuống lòng người:
"Suối nguồn, như gấm, như hoa
Mở phơi, thấm đẫm sương sa đất trời
Từ trong mạch giếng sâu khơi
Dấu yêu, ngọt mật. Chúa ôi, dịu
dàng."
Dòng
suối ấy biểu trưng cho ân điển của Chúa, tưới mát và thấm sâu vào đời sống, cho
tâm hồn tín hữu thêm vững vàng. Trong bài "Ơn Người quá đủ cho tôi",
Lê Đình Bảng bày tỏ lòng tri ân chân thành, giản dị:
"Lạy Chúa, bao giờ tôi cảm nhận
Mỗi người tôi gặp, mỗi buồn vui
Mỗi nơi, mỗi lúc, chiều, mai, sớm
Chúa ở cùng tôi, trong phận người
Là mạch nguồn thiêng liêng, máu thịt
Từ trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
Bây giờ, tôi sống hay tôi chết
Tôi được bình yên như khí trời"
Tứ
thơ biểu đạt niềm tin mạnh mẽ vào sự hiện diện của Chúa trong mọi khoảnh khắc.
Tình yêu Thiên Chúa bao dung là điểm tựa bền vững và sức mạnh tinh thần nâng đỡ
con người. Đến với Chúa là hành trình qua những khúc quanh của cuộc đời, nơi
thử thách trở thành phép rèn luyện đức tin.
"Kể từ nay, xác hồn tôi, tất cả
Được treo lên, được cứu rỗi đời đời
Lên ngọn sông đào, tắm mát thảnh thơi
Dưới đôi cánh từ bi, trong nhà
Chúa"
(Trong cõi đầy vơi)
Hình
ảnh "ngọn sông đào, tắm mát thảnh thơi" gợi sự thanh lọc, bình
an trong vòng tay Thiên Chúa. Một trong những giá trị cốt lõi của thơ Lê Đình
Bảng là đức tính khiêm nhường, thể hiện qua giọng điệu dung dị, lắng sâu, không
khoa trương mà chân thành, tha thiết.
"Con xin Chúa, một chỗ ngồi chót
hết
Bất cứ đâu đây, xa lạ, không tên
Chỗ muộn mằn còn sót lại, bỏ quên
Vụn bánh rớt rơi, chẳng ai thèm nhặt
...
Sao mòn mỏi? Sao gập ghềnh, chia cắt
Con chỉ là người đầy tớ vô duyên
Phận nữ tỳ, đâu dám đến gần bên
Nơi diên yến, đền vua trên Núi
Thánh"
(Ơi, người làng Sông)
Lời
thơ thể hiện trọn vẹn tinh thần phó thác và phụng sự Thiên Chúa, một sự tự
nguyện rèn luyện bản thân trong tinh thần khiêm hạ, sẵn sàng từ bỏ ý riêng, để
tâm hồn hoàn toàn thuộc về Đức Mến, như một chứng nhân sống của đức tin và ân
sủng.
“Nhiều khi, tôi hỏi
riêng tôi
Bát cơm nhà Chúa, hạt
vơi, hạt đầy
Hạt nào tôi giữ
trong tay
Của riêng, xin để
dành ngày cánh chung”
(Tự tình khúc)
Đó
là nỗi trăn trở mang màu sắc triết lý và tôn giáo, khi con người đối diện với
chính mình, tự vấn về ý nghĩa của sự sở hữu và dâng hiến. Nỗi băn khoăn của
nhân vật trữ tình hướng đến một viễn cảnh lớn hơn – "ngày cánh
chung". Ở đó, con người không còn bị ràng buộc bởi những toan tính trần
thế, mà đứng trước sự phán xét tối hậu, nơi mọi sự đều được cân nhắc theo ánh
sáng của lòng bác ái và đức tin.
Phần
lớn thơ của Lê Đình Bảng mang tinh thần đối thoại thiêng liêng giữa con người
và Thiên Chúa. Bằng giọng điệu thân mật, ông trò chuyện với Đấng-Tối-Cao như
với người Cha hiền hậu, Đấng yêu thương và che chở, cũng như một người bạn tri
kỷ luôn lắng nghe và đồng hành trên mọi nẻo đường.
"Cảm
ơn Chúa đã cho tôi tắm gội
Lớn dần lên trong
hương sắc của người
Ngày lại ngày hoa trái
cứ sinh sôi
Mỗi gieo vãi là một
lần đẫy hạt"
(Giữa bao la đất trời )
Sự
gắn bó với Thiên Chúa trong thơ Lê Đình Bảng không phải một huyền nhiệm xa vời,
mà là mối thân tình tràn đầy ân sủng, nhuộm thấm từng khoảnh khắc đời sống. Thơ
ông vang lên như lời kinh dâng hiến, trào dâng từ cõi lòng thành kính, ngợi ca
tình yêu thương bao dung và sự hiện diện nhiệm mầu của Chúa. Với đức tin vững
vàng, ông khơi dậy khát vọng sống đẹp, sống trọn vẹn trong tình yêu thương vô
biên của Thiên Chúa.
"Con mang ơn mẹ suốt đời" – Hình
tượng người mẹ và gia đình
Hình
tượng người mẹ và gia đình trong thơ Lê Đình Bảng được khắc họa với chiều sâu
cảm xúc, mang sắc thái tâm linh.
Người
mẹ hiện lên như biểu tượng thiêng liêng của sự hy sinh, lòng nhẫn nại và đức
tin bền bỉ, là kết tinh của vẻ đẹp cao cả. Mẹ là hiện thân của tình yêu thương
vô bờ, âm thầm gánh vác mọi nhọc nhằn, gian khó để con cái trưởng thành. Những câu thơ của ông về người mẹ rất
giàu sức lay động, phản chiếu triết lý nhân sinh và niềm tin tôn giáo:
“Con đâu dám, ngồi ở không, trông đợi
Mẹ gánh hàng rong tất tả mỗi ngày
Tuổi đã già, ai bắt phải luôn tay
Đêm rét buốt, ổ rơm không đủ chỗ”
(Lời mẹ ru)
Tứ
thơ này gợi nhắc công ơn sinh thành của mẹ, chạm tới tâm linh – nơi tình mẫu tử
tỏa sáng trong đức tin. Lòng biết ơn mẹ là một giá trị thiêng liêng, phản chiếu
tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa, cần được thấu hiểu sâu sắc và thể hiện qua
những hành động bác ái trong đời sống.
Hình tượng gia đình trong
thơ ông không chỉ là tổ ấm mà còn mang ý nghĩa văn hóa – tinh thần, là nơi lưu
giữ đức tin, các giá trị truyền thống, đồng thời kết tinh và lan tỏa tình yêu
thương giữa các thế hệ.
"Lời của tổ tiên,
ông bà, cha mẹ
Của xóm làng quê, của
hết mọi người
Từ trong bào thai, mẹ
hát ru nôi
Từ gồng gánh, nhịp
tang bồng, ra chợ"
(Di sản);
"Của cải mẹ cha
cho, có vậy
Để dành, khi con lớn,
con khôn
Những câu kinh sách,
phiên chầu lễ
Đã thấm vào da thịt,
máu xương"
(Chuyện những mùa hoa năm
ấy)
Trong
dòng cảm xúc về mẹ và gia đình, một trong những tác phẩm nổi bật của Lê Đình
Bảng là trường ca "Ca dao
mẹ", gồm 132 khúc thơ lục bát. Sử dụng thi pháp lục bát truyền
thống, tác giả rất thành công trong việc khắc họa vẻ đẹp của tình mẫu tử và giá
trị gia đình. Ngay từ câu thơ đầu tiên, hình ảnh người mẹ hiện ra với tình yêu
thương ấm áp, dịu dàng và bao dung:
“Hương cau, hương bưởi hiên nhà
Mẹ ngồi gom mẹt khoai hà, chờ con”
Trong
“Ca dao mẹ”, hình ảnh Người Mẹ sáng ngời đức tin, lo toan chu toàn mọi việc, kể
cả việc hậu sự của chính mình, dẫn dắt con theo tinh thần “tốt đời đẹp đạo”,
cần kiệm như truyền thống của các bà mẹ Việt Nam. Những câu thơ đọc lên khiến
lòng rưng rưng:
“Ngọt bùi, cay đắng cho cam
Nhớ, mai mẹ mất, đừng làm ma to
Chỉ đưa mẹ đến nhà thờ
Ăn mày các phép, đừng lo, tội tình”
Gia
đình trong "Ca dao
mẹ" phản ánh những nét đẹp trong văn hóa cộng đồng như
sự đùm bọc, che chở, lòng biết ơn và niềm tin tôn giáo. Các đoạn thơ miêu tả
phong tục tập quán của người Việt, từ bữa cơm quê giản dị đến phong tục sinh
hoạt, các nghi thức lễ giỗ tổ tiên, mở ra một không gian văn hóa đặc sắc và
phong phú.
“Mẹ bày ra bữa cơm quê
Khói thơm quanh cái chõng tre đầu hồi”
Tính
biểu trưng của hình tượng Người Mẹ trong bài thơ sâu đậm đến mức ta như thấy
hình bóng mẹ mình trong đó. Lê Đình Bảng dung hòa đạo lý truyền thống với đức
tin Thiên Chúa, cất lên khúc ca bất tận về tình mẫu tử thiêng liêng. Hình ảnh
người mẹ rất riêng mà cũng rất chung ấy gợi nhắc câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ
mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.”
“Cứ mỗi mùa Vu Lan,
cúng quả
Nghe chùa bên mở
huệ, tuần chay
Dọc đường ra nghĩa
trang, Em bảo
Mẹ ngủ trong gò đất
cỏ may
Thành bụi, thành
tro than lãng đãng
Vầng trăng tơ mọc
giữa ban ngày”
(Mùa trăng vu lan
nhớ mẹ)
Hình ảnh Người Mẹ được nhà thơ khắc họa bằng những nét
chấm phá vừa thiêng liêng, vừa dung dị, gợi lên nỗi nhớ thương sâu thẳm trong
mùa Vu Lan – mùa hiếu hạnh. Mẹ không còn hiện diện trong hình hài quen thuộc,
mà đã hòa vào thiên nhiên, vào đất trời, thành tro bụi, như một sự trở về với
cội nguồn vô tận. Nhưng dù đã khuất, Mẹ vẫn hiển hiện trong từng chi tiết đời
thường. Không gian thơ thấm đẫm sắc thái tâm linh và nỗi nhớ ngậm ngùi. Cỏ may
mọc trên nấm mộ không chỉ gợi lên sự hoang hoải, mà còn là dấu vết thời gian,
như một sự nhắc nhớ về sự mong manh của kiếp người. Đặc biệt, hình ảnh "vầng
trăng tơ mọc giữa ban ngày" gợi ra một ẩn dụ đẹp đẽ: dẫu Mẹ đã khuất,
tình yêu và sự che chở của Mẹ vẫn còn đó, nhẹ nhàng mà bền bỉ, như ánh trăng
hiển hiện giữa nhân gian dù không còn thuộc về cõi thế.
Hình
ảnh ấy không chỉ gợi nhớ về Mẹ, mà còn mở rộng ra nỗi mất mát trong đời sống,
nơi những người ở lại mãi khắc khoải trong niềm thương nhớ. Tình cảm vợ chồng
là nền tảng bền vững của mỗi gia đình Việt Nam, và khi một người ra đi, khoảng
trống để lại không gì có thể lấp đầy. Đoạn thơ là tiếng lòng đau đáu của người
chồng thương nhớ người vợ đã khuất.
“Từ hôm Em bỏ đi xa
Ngẩn ngơ, tôi cứ
vào ra, như là
Con tàu về cuối sân
ga
Chúa ôi, mưa nhạt,
mưa nhoà, vắng không
Cái ngày khăn gói
qua sông
Mênh mông một dải
quê chồng xa xôi
Quạt nồng, ấp lạnh
chưa vơi
Tóc tơ đã rối một
đời vào nhau”
(Requiem)
Nỗi
đau thấm vào từng khoảnh khắc thường nhật, trong những bước chân lặng lẽ, không
gian vắng vẻ, cơn mưa nhòa nhạt - tất cả nhuốm màu cô quạnh. Hồi tưởng về người
vợ, tác giả không chỉ nhớ đến bóng hình xưa mà còn cả chặng đường đời đã cùng
nhau đi qua, từ ngày nàng khăn gói theo chồng xa quê đến những tháng ngày sẻ
chia buồn vui, quạt nồng ấp lạnh. Đoạn thơ vừa là lời tiếc thương, vừa là sự
tri ân, lưu giữ dư âm của một tình yêu đã hóa vĩnh hằng.
Lòng
thành kính của nhà thơ đối với mẹ được thể hiện qua nhiều bài thơ, qua nhiều
tầng ý nghĩa, từ người mẹ trần gian – người đã nuôi dưỡng và che chở, đến mẹ
quê hương – biểu tượng của cội nguồn và sự gắn bó thiêng liêng, và đỉnh cao là
Đức Mẹ Maria – nguồn cội của yêu thương, lòng từ ái và đức hy sinh cho nhân
loại:
"Kính chào Mẹ Maria
Trăm muôn ríu rít chim ca đầu mùa
Con thường hỏi giữa vu vơ
Bao giờ mưa tạnh? Bao giờ nước
lên?"
(Con về xứ mẹ mùa hoa)
Nhà thơ đã dâng lời nguyện cầu thành kính hướng về Đức
Trinh Nữ Maria – biểu tượng thiêng liêng của lòng tin và sự che chở. Hình ảnh
thiên nhiên trong khổ thơ trên, với tiếng chim ca đầu mùa và khung cảnh tươi
mới, thể hiện niềm hân hoan của muôn loài trong sự chào mừng Mẹ Maria. Ẩn sau những câu hỏi tưởng chừng như vu vơ “Bao giờ mưa tạnh? Bao giờ
nước lên?” là nỗi trăn trở về cuộc đời, sự tìm kiếm ánh sáng dẫn lối trong
những giai đoạn mịt mù của kiếp người. Nhà thơ khẳng định niềm tin mãnh liệt và
sự trở về trong vòng tay yêu thương của Đức Mẹ, nơi tín hữu tìm thấy sự an ủi,
hy vọng và ý nghĩa đời sống.
"Đền Vàng Quỳ Trước Dâng Hoa
Trông lên tháp bảo, thấy toà Ba Ngôi
Mười Hai Nhân Đức gương soi
Kính thân Đức Mẹ, đời đời ngửa trông.”
(Quỳ trước đền vàng)
Tâm hồn Lê Đình Bảng luôn chan chứa lòng tôn kính và
yêu mến sâu sắc dành cho Đức Mẹ Maria. Hình ảnh Đức Mẹ trong thơ ông bao trùm
toàn bộ đời sống tinh thần, trở thành bầu trời, mặt đất, và cả bầu khí quyển để
ông được hít thở và hân hưởng trong tình yêu thương bao la của Mẹ.
"Đội ơn Đức Mẹ Môi Khôi
Cho con yêu cả nắng nôi, giãi dầu
Cũng đành áo rách thương nhau
Cái duyên cam quýt vừa sâu, vừa đằm"
(Con về xứ bưởi Năm Roi)
Đó là một đức tin thuần khiết, một tình yêu thẳm sâu
không chút nghi ngại, khi Lê Đình Bảng đặt trọn niềm cậy trông vào Đức Mẹ. Ông
cảm nhận được sự chở che của Mẹ ngay trong những khốn khó, để từ đó biết yêu cả
những gian nan, tìm thấy sự an ủi trong từng biến cố. Chính tình yêu ấy đã làm
nên sức mạnh nội tâm, giúp ông giữ vững đức tin và tiếp tục hành trình thi ca
của mình trong niềm phó thác trọn vẹn.
Đức Mẹ Maria đã hiển hiện trong đời sống thiêng
liêng và cả trong thế giới trần thế. Lê Đình Bảng
tuyên xưng Đức Mẹ như “hoa đồng trinh” – một hình ảnh quen
thuộc trong thần học và nghệ thuật Công giáo. Hoa đồng trinh không chỉ biểu
trưng cho sự thanh sạch, mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng về sự sinh nở thánh
thiện, nhắc đến biến cố Truyền Tin khi Đức Mẹ đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể: "Có phải hoa đồng
trinh Đức Mẹ/ Đương vào mùa bụi phấn bay bay" (Trong khu vườn rào kín).
Nhà thơ luôn thể hiện lòng tin tưởng và cậy trông vào Đức Mẹ. Cách cầu
nguyện trong thơ của Lê Đình Bảng hết sức giản dị nhưng đượm đầy tâm tình của
người con ngoan đạo – tín hữu tìm về nơi trú ẩn an toàn nhất của lòng tin: "Lạy xin Đức Mẹ ban
ơn/ Qua mùa đói khổ, gặp cơn yên bình" (Về cõi trời mênh mang).
Hay, câu thơ "Mẹ về trời, nhưng chẳng rời mặt đất/ Kính mừng Maria, Đức
Mẹ Chúa Trời" (Về Carthage, nhà Mẹ yên vui) vang lên tiếng kinh
nguyện, gợi nhớ Thiên thần Gabriel truyền tin cho Mẹ Maria là biến cố độc nhất
vô nhị trong lịch sử nhân loại. Đó không chỉ là lời tụng ca, mà còn xác tín vai
trò của Đức Mẹ trong lịch sử cứu độ: Người là Mẹ Thiên Chúa, là Đấng chuyển cầu
đầy quyền năng cho nhân loại.
"Thì ra, thuở
ấy, chưa xa" – Quê hương và ký ức tuổi thơ
Trong thơ Lê Đình Bảng, quê hương và ký ức tuổi thơ là
miền nhớ nhung da diết, là cội nguồn của yêu thương và sức mạnh tinh thần. Thơ
ông vừa chân chất, ấm áp, vừa nhắc nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Quê hương
trong thơ ông không chỉ là điểm tựa mà còn là nguồn cảm hứng vô tận, là niềm an
ủi và chốn nương tựa tinh thần.
Nhà thơ sinh ra tại
vùng Kinh Bắc, có nguyên quán ở Thái Bình - mảnh đất lưu giữ những giá trị
truyền thống nghìn năm, tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc và độc đáo: “Mẹ là cổ tích, ca dao/
Câu kinh, nguyện ngắm chảy vào hồn con” (Ca dao mẹ). Đất mẹ,
nguồn cảm hứng thiêng liêng, đã khắc sâu dấu ấn vĩnh cửu trong từng nhịp đập
trái tim người nghệ sĩ.
Thơ Lê Đình Bảng mang đậm dấu ấn quê hương ông, đặc biệt
khắc họa sinh động không gian văn hóa Kinh Bắc, gắn liền với những lễ hội dân
gian, tập quán lâu đời và vẻ đẹp thiên nhiên. Một không gian phản chiếu ngàn
năm văn hiến.
"Ai về
Kinh Bắc xa xôi
Nhớ câu
quan họ, nhớ người mình thương"
(Rước tình về với
quê hương)
Kinh Bắc – mảnh đất gắn liền với những di sản văn hóa lâu
đời, từ những làn điệu dân ca quan họ đến các lễ hội dân gian truyền thống, đã
được Lê Đình Bảng tái hiện một cách sinh động với những hình ảnh quen thuộc của
làng quê: con sông hiền hòa, cánh đồng lúa vàng, ngôi đình làng cổ kính, tiếng
trống hội vang vọng, và những mái nhà tranh giản dị, ấm cúng.
"Lúc
trưa nắng,về dừng chân nghỉ mát
Nghêu ngao lời ca quan họ tang
bồng"
(Một khúc tang bồng);
"Liền anh liền chị vãn hát đêm qua
Mớ bảy, mớ ba, hội Lim quan họ"
(Về La Vang, nhà mẹ trăm gian)
Làn
điệu quan họ trong thơ Lê Đình Bảng vừa là di sản văn hóa đặc sắc của Kinh Bắc,
vừa biểu trưng cho sự thăng hoa của văn hóa dân gian. Những câu hát quan họ
ngọt ngào biểu đạt tình yêu và sự gắn kết cộng đồng, trở thành yếu tố văn hóa
độc đáo, là nhịp điệu của đời sống qua các thế hệ.
"Chờ câu quan họ tình tang
Là đi về chốn mình đang thuộc về"
(Nghêu ngao hát thương hồ)
"Ngồi nghe quan họ, giờ lâu
Mái ngoài, văn miếu, áo chầu lạnh tanh
Tràng An ngày trước, như tranh
Những con phố cổ Hà Thành rêu phong"
(Có ai về Tràng An)
Lê Đình Bảng tái
hiện những hình ảnh giàu màu sắc và âm điệu của làng quê Bắc Bộ, qua các lễ hội
tôn vinh tình yêu và sinh hoạt cộng đồng. Thơ ông gửi gắm thông điệp bảo tồn
giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện đại.
Làng quê tuổi thơ của ông hòa quyện giữa hoài niệm về
những ngày tháng gieo neo vất vả và lòng biết ơn đối với cha mẹ, gia đình, làng
xóm. Đó là nỗi lòng da diết của những ai đã từng lớn lên trong cảnh nghèo khó
nhưng tràn đầy tình yêu thương, nơi những bữa cơm đạm bạc vẫn ấm áp tiếng cười,
nơi từng mái nhà đơn sơ chất chứa bao kỷ niệm.
"Con
đâu dám, ngồi ở không, trông đợi
Mẹ gánh
hàng rong tất tả mỗi ngày"
(Lời mẹ ru)
Quê hương trong thơ Lê Đình Bảng là không gian lưu giữ
"hồn cốt" một cộng đồng, là nơi con người luôn mong muốn trở về. Ký
ức tuổi thơ với những hình ảnh giản dị là điểm tựa vững chắc, giúp kết nối cội
nguồn và kế thừa những giá trị truyền thống.
"Qua
lối ngõ, mãi gập ghềnh đá dặm
Nhìn hai
bên sông, điên điển rực vàng
Chuyến phà
bên kia, đợi khách quá giang
Mấy đọt dừa reo trong chuông nhựt
một"
(Một miền ký ức)
Quê
hương là dòng chảy trong mỗi trái tim, nơi ký ức là điểm tựa vững chãi, là nơi
chốn để ta cảm nhận bình yên và tình yêu thương.
“Giữa hai mùa, Nam bộ, nắng và mưa
Đâu có Mẹ, là quê hương con đó”
(Mẹ và quê hương)
Quê hương không chỉ là miền đất, một địa danh cố định, mà
là nơi có tình yêu thương của Mẹ. Câu thơ mở ra một cách nhìn rộng hơn về khái
niệm quê hương: đó không chỉ là nơi ta sinh ra, mà còn là nơi trái tim ta thuộc
về, nơi có người thân yêu nhất. Với những ai xa quê hương, nếu có Mẹ bên cạnh,
dù ở bất cứ đâu, nơi ấy vẫn là chốn yên bình nhất.
Thơ
của Lê Đình Bảng khắc họa ký ức tuổi thơ và quê hương nghèo khó qua những hình
ảnh thiên nhiên bình dị nhưng đậm chất trữ tình. Tác giả không chỉ vẽ nên bức
tranh quê nhà quen thuộc với những khu vườn rào kín, hoa nở rộ và những góc nhỏ
chứa chan kỷ niệm, mà còn gửi gắm tình cảm sâu nặng của một tâm hồn luôn hướng
về cội nguồn. Những dấu ấn của tuổi thơ – sự mộc mạc, thuần khiết và chan chứa
niềm nhớ – được hiện lên qua hình ảnh của thiên nhiên thay đổi theo mùa, gợi
nhớ đến những ngày xưa bình dị, nơi mà từng khoảnh khắc dường như chứa đựng cả
niềm khát khao yêu thương và khát vọng sống.
"Người về, nẻo khuất, canh thâu
Nhớ nhung, xin gửi ơn sâu, nghĩa dày
Hỏi mùa xanh lá, xanh cây
Em ơi, nụ biếc, cành đầy măng tơ
Nhà em sau bụi ô rô
Đứng trên bậc đá nhà thờ ngó
nghiêng"
(Quê nhà)
Đoạn
thơ dưới đây mở ra một
không gian ký ức tuổi thơ mộng mơ, nơi những hình ảnh thiên nhiên thấm đượm
tình yêu, nhớ nhung và khát khao sống, trở thành biểu tượng cảm xúc sâu sắc
vượt thời gian:
"Suốt mùa hoa, dưới chân đê, thả
nghé
Tuổi thơ ta ru vời vợi cánh diều
Ở quê, mình những trộm nhớ, thầm yêu
Con nhện giăng tơ, chờ hoa, chờ
nụ"
(Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ)
Những giá trị tinh thần được nuôi dưỡng qua ký ức càng
trở nên thiêng liêng và trân quý. Không gian quê hương và ký ức tuổi thơ trong thơ Lê Đình Bảng là nơi lưu
giữ những kỷ niệm ngọt bùi, là nguồn động lực giúp con người vượt qua khó khăn
và tìm lại chính mình mỗi khi lạc lối giữa dòng chảy thời gian. Qua đó, nhà thơ
đã thể hiện niềm tin vào sức mạnh của ký ức – một sức mạnh có thể thắp sáng cả
những con đường mịt mờ, gợi mở những ước mơ giản dị nhưng đầy ý nghĩa.
“Con bé bỏng suốt
đời trong mắt Mẹ
Và măng tơ, vừa
xanh nụ, xanh chồi
Cứ ngỡ bầu trời là
mảnh sân chơi
Một ông sáng sao,
hai ông sao sáng
….
Câu hát ấy của một
thời xa vắng
Những đêm trăng
tuổi mọn ở quê nhà
Ai khôn thì về, ai
dại thì xa
Thả đỉa ba ba, nhớ
cha, nhớ Chúa”
(Những mùa trăng
tuổi mọn)
Trong
thơ Lê Đình Bảng, quê hương là nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ trong trẻo, hồn
nhiên; đó là thế giới của những trò chơi con trẻ, của bầu trời rộng lớn tưởng
chừng chỉ là một mảnh sân vui đùa, nơi từng ánh sao cũng trở thành người bạn
đồng hành trong những đêm tuổi thơ. Nhưng sâu thẳm hơn, quê hương đã hóa thân
vào hình ảnh Người Mẹ - một biểu tượng dịu dàng, chở che và mãi mãi dang rộng
vòng tay yêu thương. Nỗi nhớ quê nhà là sự trở về với cội nguồn, với tình yêu
thương vô bờ bến của mẹ và đức tin đã nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ. Trong dòng
chảy ký ức ấy, quê hương không chỉ là nơi chốn, mà trở thành một phần tâm hồn,
một miền thiêng liêng không thể phai mờ, nơi tình mẹ hòa quyện cùng tình Chúa,
nâng đỡ con người suốt hành trình cuộc đời.
"Triết lý, nhân sinh gửi lại đời"
– Triết lý nhân sinh và nỗi niềm nhân thế
Thơ Lê Đình Bảng thấm đẫm triết lý nhân sinh, phản ánh
những trăn trở về thân phận con người, thời cuộc và lịch sử. Tác phẩm của ông
vừa tái hiện những biến động xã hội vừa gợi mở những suy tư về bản chất của sự
sống, tính vô thường của thời gian và nỗi lênh đênh của phận người; đồng thời
biểu đạt nền tảng của đức tin, là điểm tựa tinh thần giúp con người đối diện
với thế sự xoay vần, vượt qua thử thách và tìm kiếm ý nghĩa cứu rỗi trong dòng
chảy lịch sử và vận mệnh cá nhân.
"Mỗi
ngày, tập đi đàng nhân đức
Bằng cả
trăm năm ở thế gian"
(Một ngày ở trong nhà Chúa)
Trong
sáng tác của Lê Đình Bảng, thể loại trường ca giữ vai trò quan trọng để biểu
đạt đức tin, đồng thời kết tinh tư tưởng và hệ hình thẩm mĩ. Các trường ca như
"Nghêu ngao hát thương hồ" (gồm 130 khổ thơ), "Nhật nguyệt
hành" (541 khổ), "Những cơn bão muộn" (670 khổ), và "Trong
cõi vô ngôn" (162 khổ) đã khắc họa chân thực thân phận con người trong dòng
thời gian và những biến động thời cuộc. Những bão tố trong cuộc đời và hành
trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong sự chiêm nghiệm đã tạo nên những tác
phẩm mang vẻ đẹp trầm lặng, giàu suy tưởng.
Câu
hỏi về sự vô thường của cuộc đời và vai trò của con người trong dòng chảy thời
gian được đặt ra trong trường ca "Nghêu ngao hát thương hồ". Tác giả
trăn trở về kiếp người phiêu dạt, một đời sống gắn liền với sông nước, con đò,
nơi con người dường như bị cuốn theo sự vô định và không thể làm chủ số phận
mình:
"Quanh năm, làm kiếp thương hồ
Nước sông, gạo chợ, con đò lênh đênh
Ai về bờ bãi chông chênh
Tình tang, qua mấy những bềnh bồng
thôn"
(Nghêu ngao hát thương hồ)
Trường
ca "Nhật nguyệt hành"
thể hiện triết lý về thời gian và sự thăng trầm của cuộc đời qua hình tượng
nhật nguyệt – biểu trưng cho sự xoay vần không ngừng của vũ trụ. Tác phẩm khắc
họa dấu ấn thời cuộc, phản ánh những biến động của con người và xã hội. Thời
gian, với quy luật tuần hoàn, đặt con người trước những đổi thay bên ngoài lẫn
những biến chuyển nội tâm. Trong vận hành của "nhật nguyệt", mỗi cá
nhân bị cuốn vào dòng chảy sự sống, buộc phải đối diện với những đấu tranh nội
tại và tìm cách hòa nhập vào cuộc thế. Ở
trường ca này, Lê Đình Bảng thể hiện sự giằng xé khi đối diện với sự thay
đổi không ngừng của vạn vật. Quá khứ, như dòng sông lùi mãi về xa, khiến con
người cảm thấy lạc lõng và bơ vơ trong một thế giới đầy biến động. Con người
trong cơn biến động ấy phải đối diện với nỗi sợ bị lãng quên, bị tách khỏi quá
khứ và quê hương. Đây là không gian đầy khắc khoải, phơi bày những nỗi cô đơn,
mất mát, và khát vọng khôi phục, nối kết với quá khứ.
"Để lưu giữ vững bền một quá khứ
Lục bình trông tím ngắt cả dòng sông
Hỏi quê nhà, còn nhớ, nhớ ta không
Thuở trước, nhìn nhau, đầm đìa nước
mắt"
(Nhật nguyệt hành)
Những
biến động của thời cuộc và con người trong các thập kỷ đầy xáo trộn cũng được
khắc họa rõ nét trong trường ca "Những cơn bão muộn". Hình ảnh cơn
bão, ngoài sức mạnh tàn phá thực tế, còn tượng trưng cho những dông tố trong cuộc
đời, những vật lộn tranh đấu ngoại tại và nội tại, những ước mơ và khát vọng
chưa thành.
"Vẫn biết ở bên bờ sóng gió
Bồn chồn, ai biết thuở nào khuây
Chờ thêm mùa lũ, sau cơn bão
Để đất bồi lên những luống cày
...
Nước mắt chực rơi, rồi chững lại
Ra sông và ra biển, bao giờ
Mẹ vun lại vồng, sau cơn bão
Từng khúc sông sạt lở, vỡ bờ"
(Những cơn bão muộn)
Nhà
thơ bày tỏ tâm tư về sự biến thiên của thời cuộc, về quá khứ và hiện tại, về
những mất mát và hy vọng; đó là những chìm nổi mà con người phải trải qua trong
hành trình tìm lại sự bình yên. Dẫu có cả những bồn chồn và những giọt nước mắt
hoang mang trước nghịch cảnh, nhưng qua hình ảnh "đất bồi lên những
luống cày" hay "mẹ vun lại vồng", cho thấy sự kiên
trì và khát vọng tái sinh, mong chờ sự phục hồi sau những bão tố. Song những
vần thơ này cũng gói ghém cảm giác ngậm ngùi thế sự của tác giả, như một nỗi
trăn trở trước dòng chảy vô thường của cuộc đời, nơi mà mất mát và hy vọng luôn
đan xen.
Ở
trường ca "Trong cõi vô ngôn", Lê Đình Bảng vẽ lên bức tranh sống
động về cuộc đời con người qua những giai đoạn thử thách, tìm kiếm sự cứu rỗi,
và đối diện với bi kịch nhân sinh. Dưới vẻ trầm lắng, mỗi câu thơ tự sự như
những dấu tích của đời sống, đồng thời cũng phản chiếu khát vọng giải thoát và
niềm tin vững chắc vào sự trở về.
"Lặng thầm trong cõi vô ngôn ấy
Như luống cày trên ruộng nẻ khô
Chúa bảo con đi, đừng ngoái lại
Làm sao nước lã vã nên hồ
Nhưng không, ơn Chúa ban nhiều quá
Mặt đất này sinh sôi tốt tươi
Con được trầm mình trong giếng thánh
Làm hoa, con lại được làm người"
(Trong cõi vô ngôn)
Trường
ca "Trong cõi vô ngôn" cho ta thấy cảm giác bất định và khiêm nhường
trong mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Nhà thơ dẫn ta vào cõi vô ngôn,
nơi tình yêu của Thiên Chúa không đến với ta bằng ngôn từ, mà lan tỏa trong sự
thinh lặng thiêng liêng, trong những rung động sâu thẳm của tâm hồn, nơi con
người lắng nghe và cảm nhận bằng đức tin và trái tim hơn là bằng lý trí. Tác
phẩm thấm đẫm triết lý nhân sinh này phản ánh nỗi day dứt trước cuộc sống đầy
bất công và thách thức, đồng thời cũng dẫn đến hành trình tìm kiếm sự cứu rỗi.
Dòng tự sự này khắc họa quá trình lạc lối, đấu tranh với bản thân và thế giới,
rồi cuối cùng sự cứu rỗi của Chúa chính là hy vọng, là điểm tựa giúp con người
vượt lên số phận, khổ ải và nguy nan.
Thơ
Lê Đình Bảng cũng phản ánh những biến động xã hội, những nỗi đau chiến tranh và
khát vọng hòa bình. Nhà thơ đề cập đến những sự kiện lớn của dân tộc, những
cuộc chiến tàn khốc và những mất mát mà con người phải gánh chịu. Tuy nhiên,
thơ ông không chỉ phản ánh những khía cạnh u ám, buồn thương mà còn thể hiện
khát vọng mạnh mẽ về sự hồi sinh.
"Nhưng làm sao cấm tôi chờ đợi
Trong chiến tranh, mới hiểu ngậm ngùi
Cây khế đầu hồi đương nhú quả
Hình như ai đến, báo tin vui"
(Ngược dòng)
Một
trong những đặc điểm nổi bật trong thơ ông là sự hòa quyện giữa triết lý nhân
sinh và hình ảnh thiên nhiên. Những dòng sông, cơn bão, cây cối, chim muông…
không chỉ là cảnh vật mà còn mang tính triết lý, ẩn chứa những suy tư về cuộc
đời. Thơ ông thấm đượm một nỗi buồn trầm lắng, man mác trước sự không hoàn hảo
của kiếp nhân sinh, nhưng đồng thời cũng khơi dậy niềm hy vọng vào hành trình
tìm kiếm ý nghĩa giữa dòng chảy vô thường.
"Tiếng của thiên nhiên, mùa màng,
thời vụ
Tiếng của đồng xanh, bóng cả, cây cao
Tiếng gió reo vui như mận, như đào
Vội ghi chép, để truyền đời, san
sẻ"
(Di sản)
Nhà
thơ không né tránh những vấn đề xã hội mà thay vào đó, ông sử dụng thơ như một
công cụ mạnh mẽ để khám phá và diễn giải những biến động của thời gian và ngoại
cảnh. Thơ của ông vừa phản ánh hiện thực vừa gợi mở những suy ngẫm sâu sắc về
những chuyển biến không ngừng của thời cuộc, thiên nhiên và vũ trụ. Những hình
ảnh và tình huống trong tác phẩm của ông gợi mở suy tư về mối quan hệ giữa con
người và vũ trụ, giữa hiện tại và quá khứ, giữa hữu hạn và vô tận.
"Chuyện vũ trụ, chuyện nhân sinh,
thời cuộc
Cây cỏ muôn loài, bờ bãi, khe truông
Sợi tóc trên đầu, dâu bể, tang thương
Quy luật tuần hoàn, hoá sinh, trụ diệt
Việc của Chúa, Chúa làm, nào ai biết
Bởi thiên nhiên là bàn tiệc ê hề
Dọn bày ra, cho ăn uống thoả thuê
Để nếm trải đủ ngọt bùi thế sự"
(Kinh Cáo mình)
Thơ
Lê Đình Bảng mở ra không gian rộng lớn, khơi gợi những chiêm nghiệm về sự vô
thường, đồng thời mời gọi con người sống có ý nghĩa trong dòng chảy bất tận của
thời gian. Đây là hành trình khám phá bản thể con người khi đối diện với thời
gian và những biến động lịch sử, nó giúp người đọc tìm thấy những bài học quý
giá về sự sống, cái chết và những giá trị tinh thần.
"Đợi cả thiên nhiên nở một lần"
– Thiên nhiên và cái đẹp
Trong
thơ Lê Đình Bảng, ánh sáng Thiên Chúa luôn chiếu rọi cuộc sống con người, làm
rạng rỡ vẻ đẹp thiên nhiên và ban cho nó khí sắc thiêng. Vẻ đẹp ấy biểu lộ tình
yêu vô biên và sự quan phòng của Thiên Chúa, khiến mỗi hình ảnh thiên nhiên trở
thành minh chứng sống động cho sự hiện diện của Đấng-Sáng-Tạo.
"Con hát lời hoan ca, thánh vịnh
Hàng hàng châu ngọc, những thi thiên
Cùng muông chim, cỏ hoa, trời đất
Là nhã ca và sách Khải Huyền"
(Về suối miền Nam)
Thiên
nhiên mở ra những suy tưởng về sự hòa hợp giữa con người và Thượng Đế. Vẻ đẹp
thiên nhiên hiển lộ trong ánh sáng bao phủ, kết nối thế giới trần gian với
thiên đàng, nơi con người tìm thấy hạnh phúc trong Đức Mến.
Thơ ông cũng
khơi mở một miền ký ức thiêng liêng, nơi con người cảm nhận sự yên bình và hòa
hợp:
"Bằng lăng rợp hai bờ kinh thăm
thẳm
Ấy là nơi, sông chia nhánh, cắm sào
Hai vai đầy cành lá mướt lên cao
Tiếng cá quẫy dưới ao nhà tanh
tách"
(Một miền ký ức)
Những
thi ảnh đó in dấu sự thân thuộc, hòa quyện trong ánh sáng và thanh âm kỳ diệu
của sự sống.
Hình
ảnh thiên nhiên trong thơ ông mang tính biểu tượng, mở ra không gian an bình,
chan chứa tình yêu thương của Chúa. Vẻ đẹp do Đấng Sáng Thế tạo nên trở thành
lời mời gọi con người quay về với lòng bác ái, sự tha thứ và khát khao ơn cứu
rỗi, hòa hợp trong nhịp điệu của vũ trụ.
"Về suối miền Nam, bên mé nước
Của trời cho, vô tận, vô vàn
Một ngày được ở trong nhà Chúa
Con sẽ đàn ca lên, hát vang"
(Về suối miền Nam);
"Chúa đến với tôi, như một làn gió
Cứ phiêu diêu và ẩn hiện, không chừng
Dặm thẳng, đường quanh, uốn khúc, vòng
cung
Đất và nước, cùng cỏ cây, hoa lá"
(Khi Chúa đến với tôi)
Vẻ đẹp thiên nhiên trong
thơ Lê Đình Bảng là lời ngợi ca công trình kỳ diệu của Thiên Chúa. Mỗi hình
ảnh, dù bé mọn hay tráng lệ, đều mang dấu thiêng, gợi mở suy tư về đức tin và
khát vọng hòa quyện trong tình yêu của Đấng Tối Cao. Qua đó, tác phẩm tạo nên
một giai điệu tâm linh, nơi sự huyền nhiệm của vũ trụ hòa quyện với ánh sáng
Kitô giáo, mở ra không gian thiêng liêng đầy cảm nghiệm.
Khái quát đặc trưng thi pháp
Thơ
Lê Đình Bảng chịu ảnh hưởng của thi pháp Thơ Mới, với khuynh hướng đề cao cảm
xúc cá nhân và khắc họa cái tôi trữ tình trong sự giao thoa giữa nội cảm và suy
tưởng. Ông khai thác đa dạng miền tâm trạng, từ nỗi buồn, sự cô đơn đến khát
vọng yêu thương và niềm vui sống, tạo dựng một thế giới thi ca giàu tính triết
lý và chiều sâu nội tâm.
Thơ ông là sự kết hợp hài hòa giữa nhạc điệu và hình ảnh tượng trưng, đồng thời
là sự giao thoa giữa tinh thần lãng mạn và tư tưởng Kitô giáo, định hình nên
một phong cách riêng giàu tính thiêng.
Lê
Đình Bảng vận dụng phong phú các biểu tượng Công giáo như Kinh Thánh, Kinh
Nguyện, Thánh Giá, dòng suối, ngọn nến, ánh sáng, đại dương cùng những biểu tượng trong văn hoá dân gian Việt Nam đã khắc họa sự màu nhiệm của Thiên Chúa mà
không cần nói đến phép màu. Những biểu tượng này vừa mang ý nghĩa trực quan vừa gợi
mở suy niệm về đức tin, ân sủng và hành trình cứu độ. Thơ ông khiến người đọc cảm nhận Thiên
Chúa gần gụi hơn và thế giới thiện lành hơn.
"Suối nguồn, như gấm, như hoa
Mở phơi, thấm đẫm sương sa đất trời
Từ trong mạch giếng sâu khơi
Dấu yêu, ngọt mật. Chúa ôi, dịu
dàng"
(Suối nguồn)
Biểu
tượng Thánh Giá trong thơ Lê Đình Bảng thể hiện sự hy sinh cao cả của Chúa và
lòng thương xót vô biên dành cho nhân loại:
"Chúa vẫn treo mình trên thánh giá
Máu còn nhuộm đỏ thắm hồn con
Đội ơn lòng Chúa luôn thương xót"
Từng bước con đi, dẫu mỏi mòn"
(Nguyện thầm)
Thánh
Giá không chỉ gợi nhắc nỗi đau và sự cứu chuộc, mà còn trở thành điểm tựa tâm
linh, nâng đỡ con người trong hành trình đức tin. Đó là dấu ấn của tình yêu
thiêng liêng, truyền sức mạnh và niềm an ủi cho những ai đang đối diện với thử
thách, giúp họ kiên vững tiến bước dù cuộc đời đầy gian nan.
Biểu
tượng Kinh Nguyện thể hiện niềm tin và sự kết nối thiêng liêng giữa con người
với Thiên Chúa. Hình ảnh thiên nhiên hòa quyện với lời kinh tạo nên không gian
thiêng liêng, nơi tâm hồn tìm thấy sự che chở, bình an và hy vọng:
“Con về đây, ngước trông lên
Mẹ - ngôi sao sáng giữa đêm tối trời”
(Kinh Nguyện La Vang);
"Chim non ríu rít
lời kinh nguyện
Ta,
kẻ chầu nhưng
đọc thánh thư
(Cõi thiêng)
Trong
thơ Lê Đình Bảng, các biểu tượng văn hóa dân gian Việt Nam mang đậm sắc thái
tôn giáo và lịch sử. Những hình ảnh quen thuộc như sông, núi, giếng nước, sân
đình, cây đa, bến nước, cây tre, cây lúa, hoa sen... đều hiện diện trong thơ
ông, tạo nên một không gian văn hóa đa tầng và đặc sắc. Cảm hứng tôn giáo kết
hợp với cảm nhận về quê hương và lịch sử được thể hiện rõ qua những câu thơ
giàu hình ảnh:
"Muôn
dân nước, đủ màu da, tiếng nói
Nhưng
cùng chung một Mẹ Maria
Mẹ
ở đầu làng, bến nước, cây đa
Mẹ
tít trên non, Mẹ trong hốc đá"
(Mẹ
và quê hương)
Những
hình ảnh giản dị mà thiêng liêng ấy thể hiện sự gắn kết sâu sắc giữa con người,
tín ngưỡng và thiên nhiên, mang đến một cảm thức về sự bình dị và vĩnh hằng của
Mẹ Maria, gắn liền với những không gian quen thuộc trong đời sống văn hóa của
người Việt.
Một trong những hình ảnh gây ấn tượng mạnh với tôi trong
thơ Lê Đình Bảng là "đóa từ tâm"
– biểu tượng cho tình yêu, lòng nhân ái và sự thanh tịnh. "Từ tâm" không chỉ gợi lên ý nghĩa
lòng từ bi, vị tha mà còn hàm chứa tình yêu thương trọn vẹn noi gương Đức Kitô và Đức Mẹ Maria, trong khi "đóa" tượng trưng cho sự nở rộ của
ân sủng, vẻ đẹp tinh thần được nuôi dưỡng bởi đức tin. Hình ảnh này gắn liền
với đời sống đạo hạnh, sự an lạc nội tâm và khát vọng dâng hiến. Trong bài thơ
"Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ",
"đóa từ tâm" trở thành biểu
tượng của tình yêu thuần khiết, bền bỉ và thầm lặng, không vội vàng mà kiên
nhẫn chờ đợi, tựa như lòng mến dâng đầy sự khiêm nhường và tin tưởng. Đây chính
là biểu trưng của tình yêu dâng hiến, hòa quyện với đức tin và ánh sáng thiêng
liêng:
"Em
vẫn thế, là con chiên của Chúa
Trong vườn
thiêng, rào kín rất lặng thầm
Ôi, ước gì,
Em là đoá từ tâm
Tôi an trú một đời yên ấm mãi"
(Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ)
Đến
bài "Ngọc lan hương",
"đóa từ tâm"
khắc họa hành trình chuyển hóa tinh thần - từ những cảm nhận trần thế đến sự
giác ngộ trong tình yêu Thiên Chúa - nơi con người tìm thấy bình yên và viên
mãn trong đức tin:
"Lệ mùa rơi đóa Thu phong ấy
Hương ngọc lan ủ dưới gối nằm
Chợt nửa khuya, mơ hồ tỉnh giấc
Đêm thơm như là đoá từ tâm"
Sự gian giao thoa
giữa trần gian và cõi thiêng, nơi tình yêu con người chuyển hóa thành tình yêu
Thiên Chúa là những nết đặc sắc trong
thơ Lê Đình Bảng.
“mùa thương, mùa
nhớ, mùa vui đấy
Mùa của bồ câu yêu
thóc phơi
Cơm bạc, cơm vàng
rơi vãi hết
Từ Em như cây cải
về trời
….
Chợt nhớ, mỗi lần
lên rước lễ
Tôi bâng khuâng một
thoáng, Em nhìn
Trời ơi, đôi mắt
buồn u ẩn
Hai trái tim cùng
một đức tin”
(Lời tự tình của
bến trần gian)
Những hình ảnh thân thuộc như "bồ câu yêu thóc
phơi" hay "cơm bạc, cơm vàng" mang hơi thở cuộc sống đời thường,
nhưng đồng thời cũng gợi đến sự buông bỏ, dâng hiến, như một hành trình
"về trời". Tình yêu trần thế không mất đi mà chuyển hóa thành một
trạng thái tinh khôi hơn, nơi sự gắn kết giữa con người được soi rọi bởi ánh
sáng đức tin. Khoảnh khắc "lên rước lễ" trở thành giây phút nhận thức
sâu sắc về sự hiện diện của nhau không chỉ trong đời sống tình cảm mà còn trong
hành trình tâm linh. Cái nhìn bâng khuâng của nhân vật trữ tình trước đôi mắt
"buồn u ẩn" của người mình thương không còn thuần túy là cảm xúc nhân
gian, mà đã mang một sắc thái thiêng liêng. Hai trái tim vẫn rung động, nhưng
giờ đây không chỉ hướng về nhau, mà cùng hòa chung một đức tin, một tình yêu
lớn lao hơn. Ở đó, tình yêu con người được nâng lên một tầng ý nghĩa cao hơn - trở
thành sự đồng điệu trong đức tin, hòa trong ánh sáng thiêng liêng.
Điểm
nổi bật nữa trong thơ Lê Đình Bảng là sự phong phú của chất liệu văn hóa dân
gian Việt Nam. Ông thường sử dụng thể lục bát – thể thơ truyền thống quen
thuộc, gắn bó với tâm hồn người Việt, đồng thời khéo léo đưa vào đó những hình
ảnh, điển tích và phong vị dân dã. Ngôn ngữ trong thơ ông giản dị mà tinh tế,
tạo nên những câu thơ nhẹ nhàng, mượt mà như làn điệu quan họ “Người ở đừng
về”, lại rưng rưng một thứ chia xa, khiến người ta phải ngậm ngùi
"Thôi người ở lại dương gian
Có đem nhung nhớ đời dan díu này
Để gieo hết hạt trong tay
Phơi phong hết nắng những ngày đương
xuân"
(Ta còn để lại gì không)
Sự
kết hợp giữa văn hóa Công giáo và chất liệu dân gian truyền thống tạo nên một
thế giới thơ vừa có chiều sâu tâm linh, vừa khắng khít, thân thuộc. Giọng thơ của Lê
Đình Bảng thường mang âm hưởng nguyện cầu, thể hiện sự khiêm cung trước Thiên
Chúa và tự thấy mình không xứng đáng để nhận ân điển của Ngài.
"Tôi đâu dám ngửa tay, xin điềm
lạ
Bởi biết mình, loài cỏ rác vãi vương
Có là chi mà đáng để Chúa thương
Tôi rách rưới và ăn đong từng
bữa"
(Tôi đâu dám xin)
Thơ
ông mở ra cảnh giới vừa thực vừa mộng, với những hình ảnh thân quen giàu sức
gợi. Ông không dụng chữ
cầu kỳ hay bóng bẩy, mà chọn lối diễn đạt chân tình, chạm tới trái tim người
đọc. Sự giản dị này giúp những ý tưởng lớn lao về đức tin và tình yêu trở nên
gắn bó. Những câu thơ như "Chúa dạy con giục lòng ăn năn tội/ Vì bẩm
sinh, mang trăm nỗi đoạn trường/ Ôi, tội hồng ân đã sớm đau thương/ Phải ra
sức, tập đi đàng nhân đức" (Cho con theo dấu bước của Người) mang tính
triết lý sâu sắc nhưng vẫn dễ đi
vào lòng người. Thi pháp đặc sắc này
của Lê Đình Bảng không chỉ làm phong phú thêm diện mạo thơ Công giáo đương đại
mà còn là gợi ý quý giá cho những cây bút trẻ muốn dấn thân vào con đường thi
ca tâm linh.
*
* *
Thơ Lê Đình Bảng
đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy văn chương Công giáo, và có chỗ đứng
xứng đáng trong thơ Việt Nam đương đại. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Bùi Công Thuấn đã nhận xét: "Lê Đình Bảng vẫn làm thơ truyền thống,
nhưng đã nâng phẩm chất nghệ thuật của thơ truyền thống Việt lên một bước mới,
đó là sự kết hợp mỹ học truyền thống với mỹ học Thiên Chúa giáo đậm chất
Việt.". Tác giả góp phần
làm phong phú và khẳng định vị trí của thơ Công giáo trong nền thi ca nước nhà.
Nếu như thế hệ trước có các nhà thơ Công giáo tiêu biểu như Hàn Mặc Tử, Xuân Ly
Băng, Xuân Văn... thì Lê Đình Bảng tiếp nối và mở rộng biên độ sáng tạo, ca
ngợi đức tin và đào sâu những suy tư triết học, nhân sinh. Những tác phẩm của
ông khơi dậy ý thức về đức tin, không chỉ dành riêng cho tín hữu mà còn lan tỏa
đến những ai trăn trở về ý nghĩa cuộc đời, về sự hiện hữu và lòng biết ơn
Thượng Đế. Bên cạnh đó, thơ Lê Đình Bảng tạo ra cầu nối giữa văn thơ Công giáo
và văn hóa dân tộc, nó không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn góp phần bảo
tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh sáng tạo mới.
Nhiều bài thơ của Lê Đình Bảng được phổ nhạc, trở thành những bài
thánh ca vang lên trong đời sống phụng vụ và tâm hồn tín hữu Công giáo Việt Nam. Chính sự kết hợp
hài hòa giữa thi ca và âm nhạc đã làm cho thơ ông vượt ra khỏi giới hạn của một
thể loại văn học đơn thuần, trở thành một phần của đời sống tâm linh, đồng hành
cùng những giờ cầu nguyện và suy niệm của tín hữu. Với những đóng góp lớn lao
đó, thơ Lê Đình Bảng trở thành một phần quan trọng trong dòng chảy thơ ca Việt
Nam đương đại, mở ra những hướng đi mới cho thơ Công giáo trong thời đại hôm
nay.
*
* *
Thơ của Francis Assisi Lê Đình Bảng là thế giới của đức
tin, nơi mỗi vần thơ là lời nguyện ca dâng lên Thiên Chúa. Đó là hành trình suy
niệm về ân sủng, tình yêu và ơn cứu độ, qua đó khẳng định và củng cố mối hiệp
thông giữa con người với Đấng-Tối-Cao cũng như tình huynh đệ trong cộng đoàn tín
hữu. Không chỉ mang chiều kích tâm linh, thơ ông còn khắc họa đời sống bình dị,
nơi ký ức tuổi thơ, tình yêu gia đình và quê hương trở thành những giá trị vĩnh
cửu, nuôi dưỡng tâm hồn con người. Nhà thơ cũng đồng thời mở ra cuộc đối thoại
với thời gian, con người và lịch sử. Hành trình thi ca của ông là sự dâng hiến,
nơi mỹ học tôn giáo giao thoa hài hòa với mỹ học dân tộc. Thơ Lê Đình Bảng đang
tiếp tục lan tỏa, trở thành nguồn cảm hứng cho những thế hệ sau.
Những bài thơ của ông đã và sẽ tiếp tục vang lên, không
chỉ trong lòng tín hữu mà còn trong tâm hồn những ai kiếm tìm ý nghĩa và sự cứu
rỗi trong cuộc sống. Cá nhân tôi luôn dành cho thơ ông sự yêu mến và ngưỡng mộ.
Qua những vần thơ ấy, tôi học được cách kết hợp nhuần nhị giữa đức tin và nghệ
thuật, giữa chiêm nghiệm tâm linh và sáng tạo thi ca. Xin kính chúc ông luôn
tràn đầy ơn phúc, tiếp tục sáng tạo và để lại cho đời thêm nhiều di sản thiêng
liêng.
Nhà thơ Francis Assisi Lê Đình Bảng là cây bút
Công giáo. Ông sinh ngày
17/9/1942 tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Nguyên quán: Thọ Cách, Thụy Anh(
Thái Thụy), Thái Bình. Học Tiểu chủng viện Thái Bình,
Phan Rang (1954-1957); Tiểu chủng viện Phan-xi-cô Xavie Bùi Chu (1957-1960);
Đại chủng viện Lê Bảo Tịnh, Sài gòn; Đại Học Văn Khoa Sài gòn (1961-1965,
1967-1975); Cử nhân Giáo Khoa Văn Chương Việt Hán, Đại Học Sư Phạm Ban Việt
Hán; Cao Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Ông từng là thành viên, ủy
viên các Ban thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam: Ủy Ban Thánh Nhạc, Ủy Ban Phụng
Tự, Ủy Ban Giáo Dân, Ủy Ban Văn hóa, Ủy Ban loan báo Tin Mừng. Lê Đình
Bảng là cây bút đa tài, hiểu biết sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Ngoài sáng tác
thơ, ông còn viết văn xuôi, tùy bút, nghiên cứu, sưu tầm, phê bình văn học, Thánh Nhạc Thánh Ca, biên
soạn giáo trình văn học, gia phả học, báo chí… Ông đã xuất bản: "Những
dặm dài hành hương" (Trường ca lục bát về cuộc di cư từ Thái Bình, Nam
Định, Hà Nam, Phủ Lý, Hà Nội và Hải Phòng, Sài gòn, 1954-1955); "Lưu
đày" (Thơ nguyện cầu. Phan Rang, 1956-1957. Bút hiệu: Mạc La Đình);
"Lời con dâng" (Thơ nguyện cầu. Phan Rang, 1957. Bút hiệu: Mạc La
Đình); "Lộc trời" (Thơ nguyện cầu. Sài gòn, Gia Định, 1958-1961. Bút
hiệu: Mạc La Đình); "Bước chân người Giao Chỉ" (Thơ. Bút hiệu Đỳnh
Bảng. Sài gòn, 1967); "Đêm Rất Thánh" (Tuỳ bút. Quà tặng học trò,
1969); "Kinh Sầu" (Thơ nguyện cầu. Long Xuyên, Cần Thơ, Mỹ Tho, Đà
Lạt, Nha Trang, 1965-1969); "Hiện tượng lục bát trong thi ca Việt
Nam" (Tiểu luận. Sài gòn, 1970); "Giảng văn - Văn học sử Việt Nam -
Phương pháp nghị luận" (Giáo trình giảng dạy Quốc văn các lớp Đệ Nhất và
Đệ Nhị cấp, ban ABCD. Sài gòn, 1963-1975); "Chuyên Hóa - Sinh hoạt học
đường" (Giáo trình giảng dạy các lớp 10,11,12. Sài gòn, 1972-1975. Giảng
khoá Giáo chức Tư thục Công giáo Việt Nam tại Sài gòn, Mỹ Tho và Ban Mê Thuột,
1970-1974.); "Dưới cờ" (Thơ, 1972); "Gia phả Lê tộc" (Điền
dã và ghi chép tại Sài gòn, Gia Định, Đồng Nai, Long Xuyên, Thái Bình, Nam
Định, Hải Dương, Hưng Yên, 1976-1986); "Vòng quanh xứ đạo" (Bút hiệu
Lê Quán Thư. Bút ký lịch sử các xứ đạo – nhà thờ tại Sài gòn, Chợ Lớn, Gia
Định, 1988-1991); "Hành hương" (Thơ, Sài gòn, 1994); "Ngôn ngữ
Nhà Đạo" (Bút hiệu: Mộ Dung, Thuỵ Anh, Người Sông Hoá, Nhất Kiếm, Quốc
Chính, Ngũ Kinh. Tạp bút chuyện văn hoá nhà đạo, 1988-1995); "Thánh ca
Hoài Đức – Một thời để nhớ" (Biên khảo, 1994-2002); "Chuyện đất và
người làng Thọ" (Bút ký gia phả học, 2005); "Thiên đường của loài
chim sâu" (Tuyển tập truyện ngắn, bút hiệu Thuỵ Anh, Lại Thị Hương Nhu,
Sài gòn, 1963-2007); "Hành hương" (Thơ tái bản, Nxb. Tôn Giáo, 2006);
"Những tháng ngày không quên" (Sổ tay Hát Lên Mừng Chúa - Bút hiệu Lê
Quán Thư. Ghi nhận mọi sinh hoạt lịch sử, sáng tác, hội thảo, biểu diễn, giảng
dạy Thánh nhạc Thánh ca qua những chặng đường lịch sử từ 1990); "Kinh
trong sương" (Tuyển tập thơ Công giáo. Hợp soạn với Trăng Thập Tự, Phan xi
cô, Cao Huy Hoàng, 2007); "Các giám mục nước ngoài phục vụ tại Việt
Nam" (Biên khảo lịch sử Công giáo. Hợp soạn với Lê Ngọc Bích và Lê Thiện
Sỹ, Nxb. Tôn Giáo, 2009); "Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam"
(Sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu thi ca Công giáo Việt Nam từ khởi thuỷ (thế kỷ
XVI) đến hiện đại. Toàn bộ gồm 6 Tập, trên 4000 trang, với 6 chủ đề: Thơ trong
Kinh nguyện; thơ cầu nguyện; thơ Phúc Âm diễn ca; thơ Huấn ca; thơ Ký Ức dòng
đời và thơ trong Thánh nhạc thánh ca. Nxb. Tôn Giáo, Đông Phương, 2009); "Quỳ
trước đền vàng" (Thơ. Nxb. Tôn Giáo, 2010); "Văn học Công giáo Việt
Nam – Những chặng đường" (Biên khảo lịch sử văn học Công giáo Việt Nam từ
khởi thuỷ (thế kỷ XVI) đến hiện đại. Nxb. Từ Điển Bách Khoa, 2010); "Như
hương trầm bay lên" (Biên khảo về Hàn Mạc Tử. Hợp soạn với Võ Long Tê và
Phạm Đình Khiêm, 2010); "Nhã ca La Vang" (Tuyển tập thi ca về Đức Mẹ
La Vang (1901-2014); "Gặp gỡ những dòng sông" (Tạp bút, Nxb. Tôn
Giáo, 2012); "Về bên mẹ – Vào đời – Nói với những người đang yêu"
(Bút ký, tâm tình với khách hành hương La Vang (1998-2014); Giáo trình giảng
dạy các lớp Vào Đời, Nhân Bản và Giáo Lý Hôn Nhân (1988-2016) tại các nhà thờ
giáo xứ tại Sài gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Xuân Lộc, Đà Lạt, Bình Dương, Long
Xuyên, Nha Trang, Qui Nhơn, Huế... "Lời tự tình của bến trần gian"
(Thơ. Nxb. Tôn Giáo, 2012); "Đội ơn lòng chúa bao dung" (Thơ, 2012);
"Lời khấn nhỏ chiều chúa nhật" (Thơ, Nxb, Tôn Giáo 2012); "Về
cõi trời mênh mang" (Thơ, Nxb. Tôn Giáo, 2012); "Hành trình một trăm năm
(1908-2008) Báo chí công giáo Việt Nam" (Biên khảo về Lịch sử Báo chí Công
giáo Việt Nam từ khởi thuỷ đến hiện đại. 2008-2012); "Nửa vòng trái đất
vừa xa vừa gần" (Tạp bút du ký Hoa Kỳ, Nxb Tôn Giáo, 2014); "Ơn đời
một cõi mênh mang" (Thơ, Nxb Tôn Giáo); "Đồng dao Nước Trời"
(Tuyển tập Thơ và Nhạc với Nhạc sỹ Hồ Đăng Tín, Nxb Tôn Giáo, 2014); "Vè
vãn ca ngâm Công giáo Việt Nam" (Biên khảo, Nxb. Đồng Nai, 2015). Lê Đình
Bảng đã hoàn tất một số tác phẩm như "Quê Người" (Thơ), "Dâng
Hoa Toàn Tập" (Biên khảo), "Lục Bát Thương Hồ" (Thơ); "Dặm
Dài Nghêu Ngao" (Thơ), "Ca Dao Mẹ" (Thơ); "Văn Hoá Lễ Hội
Công giáo Việt Nam" (Biên khảo), "Ở Một Cõi Nào" (Thơ),
"Tản Mạn Chuyện Văn Hoá Công giáo" (Tạp bút), "Lòng Đạo Dân Gian
Của Người Công Giáo Việt Nam" (Biên khảo) và dự định sẽ xuất bản trong
tương lai. (Tư liệu do tác giả cung cấp).
Hải
Phòng - Ninh Bình, 9/2/2025
M.V.P
___________________________
Vì mục đích của bài viết này, một số câu thơ của Lê
Đình Bảng được dùng làm tiêu đề cho từng tiểu mục (chữ in đậm). Câu tiêu đề này
trích này từ bài thơ "Về Lưu Phương, xứ mẹ" của Lê Đình Bảng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn
Thị Kim Hồng (2018), Giọng điệu giãi bày trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại,
Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Nguyễn
Thị Kim Hồng (2018), Biểu tượng trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại, Tạp chí
Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn
Vy Khanh (2023), Sơ thảo Văn học Công giáo Việt Nam, Nguyễn Publishing,
Toronto, Canada.
4. Cảm
thức hiện sinh hữu thần trong tập thơ "Hành hương" của Lê Đình Bảng.
Hội dòng Nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Trinh Vương.
5. Khải
Triều (2022), Những nhà thơ Công giáo Việt Nam hiện nay, Lưu hành nội bộ, Thư
viện Mân Côi.
6. Bùi
Công Thuấn (2020), Những mùa vàng văn học Công giáo Việt Nam, NXB Hội Nhà văn.
7. Bùi
Công Thuấn (2022), Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, NXB Hội Nhà văn.