Về một cuốn sách lớn

PGS.TS Trần Hoài Anh
Mai Văn Phấn
Trong dòng chảy văn học Việt Nam, văn học miền Nam
giai đoạn 1954 – 1975 là một mảng hiện thực phong phú, đa dạng, phản ánh những
xu hướng sáng tác và phê bình với dấu ấn đặc thù. Tuy nhiên, do nhiều lý do
lịch sử giai đoạn này chưa được nghiên cứu một cách toàn diện và khách quan.
Cuốn sách chuyên luận "Lý luận – phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975: Tiếp nhận và ứng dụng" (Nxb. Hội Nhà văn, 2023) của PGS.TS Trần
Hoài Anh là một công trình quan trọng, góp phần hệ thống hóa và luận giải những khuynh hướng lý luận – phê bình nổi bật trong thời kỳ này,
đồng thời đánh giá sự tiếp biến và ảnh hưởng của nó đối với văn học Việt Nam
đương đại.
Về cuốn sách của Trần Hoài Anh, đã có những bài
phân tích sâu rộng và toàn diện của PGS.TS Cao Thị Hồng: "Trần Hoài Anh với lý luận – phê bình văn học trong đời sống văn học đương
đại" qua hai khía cạnh: "Hành trình dấn thân “đi tìm ẩn ngữ văn
chương” từ di sản văn học miền Nam 1954 – 1975; và, Hành trình dấn thân “đi tìm ẩn ngữ văn chương” trong văn học thời
kỳ đổi mới". Tác giả Võ Quốc Việt cũng có bài viết khá tỉ mỉ về tác phẩm
này, nhấn mạnh vào tinh thần dân tộc, nhân bản, khai phóng trong cuốn sách, coi
đây là một đóng góp lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân tộc. Những bài
viết trên đều mang tính chuyên môn cao, rất giá trị. Riêng tôi khi đọc tác phẩm
này lại tiếp nhận dưới góc độ của một người làm thơ, xem đây là một nguồn tư
liệu học thuật quan trọng, giúp tôi phản tư và khám phá những khả thể mới của
thơ ca.
Điểm nổi bật trong công trình của Trần Hoài Anh là cách
ông hệ thống hóa các khuynh hướng lý luận – phê bình, đồng thời đặt ra những
câu hỏi gợi mở về mối quan hệ giữa diễn ngôn nghệ thuật và diễn ngôn phê bình.
Cách ông nghiên cứu và lý giải từng đối tượng văn học, từ trung đại đến hiện
đại, dựa trên phương pháp tiếp cận khoa học, thể hiện tư duy sắc bén, khách
quan, đồng thời kết hợp với trực cảm thẩm mỹ tinh tế. Điều đó giúp chuyên luận
này vượt ra khỏi phạm vi một khảo cứu đơn thuần, phát triển thành những diễn
giải sâu sắc hơn, góp phần định hình lại cách tiếp cận và đánh giá về nền lý
luận – phê bình văn học của miền Nam trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Từ đó, Trần
Hoài Anh đặt ra những vấn đề mang tính liên ngành, liên thời đại, mở ra hướng
tiếp cận mới cho cả giới nghiên cứu và sáng tác trong việc tiếp cận và ứng dụng
lý luận – phê bình vào thực tiễn văn chương.
Lý luận – phê bình, theo tôi, không chỉ là công cụ kiến
giải mà cần trở thành cuộc đối thoại giữa tác giả, độc giả và nhà nghiên cứu.
Nhìn lại lý luận – phê bình văn học miền Nam trước 1975, có thể thấy một nền
phê bình đa dạng, cởi mở, đề cao tinh thần tranh biện và khơi gợi sáng tạo. Nó
khác biệt với những cách tiếp cận khuôn mẫu, vốn thiên về diễn giải hơn là khơi
gợi tranh luận, làm hạn chế khả năng khám phá giá trị mới của tác phẩm và thu
hẹp không gian sáng tạo.
Chính trong môi trường học thuật cởi mở ấy, tinh thần
canh tân đã trở thành động lực thúc đẩy việc khám phá những khả thể mới của thi
ca, giúp nó vượt ra khỏi những khuôn khổ quen thuộc. Với tôi, cách tân thi pháp
không phải là đoạn tuyệt với truyền thống mà là cuộc đối thoại không ngừng
nghỉ. Các nhà lý luận – phê bình văn học miền Nam trước 1975 đã đặt ra những
vấn đề về sự đổi mới thi ca, góp phần mở rộng biên độ biểu đạt của thơ. Điều đó
tiếp tục đặt ra một câu hỏi mà người làm thơ hôm nay luôn trăn trở: thơ ca sẽ
đi về đâu trong thời đại mới? Lịch sử lý luận – phê bình, những khuynh hướng tư
tưởng và tác động của nó đối với nền văn học Việt Nam được trình bày rất khúc
chiết trong cuốn sách của Trần Hoài Anh; những cuộc tranh luận mang tính lý
luận – phê bình ở miền Nam trước 1975 mà ông đề cập đến trong chuyên luận này
cho tôi một bức tranh rõ nét về tư tưởng của các tác giả lý luận – phê bình
thời đó, trong đó nổi bật lên tầm quan trọng của sự tiếp nối và sáng tạo trong
việc mở rộng biên độ tiếp nhận, đồng thời duy trì tinh thần phản tỉnh và khả
năng tương tác với những chuyển biến của văn học và đời sống.
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu, được xây
dựng trên nền tảng khảo cứu và tổng hợp một khối lượng tư liệu đồ sộ về lý luận
– phê bình văn học miền Nam trước 1975. Tác giả đã tiến hành phân tích và đánh
giá: "đây là một nền lý luận – phê bình mang tính ứng dụng, thể
hiện qua việc vận dụng lý thuyết văn học cả phương Đông lẫn phương Tây, đặc
biệt là ứng dụng tư duy mỹ học hiện đại phương Tây để luận giải, khám phá các
hiện tượng văn học,..." (tr. 6). Qua đó, Trần Hoài Anh làm sáng tỏ
cách thức mà các nhà lý luận – phê bình văn học miền Nam vận dụng vào thực tiễn
văn học miền Nam thời ấy và tạo ra những diễn ngôn học thuật có ảnh hưởng sâu
rộng. Những cây bút lý luận – phê bình văn học miền Nam trước 1975 được đề cập
đến hầu như toàn diện và đầy đủ trong cuốn sách này, với những tên tuổi lớn như
Quách Tấn, Nhất Linh, Vũ Bằng, Thạch Chương, Phạm Công Thiện, Tạ Tỵ... và rất
nhiều tên tuổi khác.
Bên cạnh việc tái hiện lịch sử lý luận – phê bình văn học
miền Nam, cuốn sách còn đưa ra những nhận định sắc sảo về tác động của các
khuynh hướng lý luận – phê bình đối với sự vận động và phát triển của văn học
Việt Nam, vai trò của nó trong định hướng sáng tác, khuyến khích tinh thần đổi
mới và mở rộng biên độ sáng tạo. Nhờ công trình này, nhiều người đọc trong đó
có tôi có thể nhìn nhận lại giai đoạn lịch sử ấy một cách khách quan hơn, đồng
thời tiếp cận được những giá trị học thuật vốn chưa được khai thác đầy đủ.
Những vấn đề mà các nhà phê bình văn học miền Nam đặt ra
– như tự do sáng tạo, bản sắc dân tộc trong tiếp biến văn hóa, ảnh hưởng của
văn học thế giới, nhất là phương Tây đối với văn học Việt Nam – vẫn mang tính
thời sự đối với người viết hôm nay. Trong một nền văn học hiện đại không ngừng
vận động, các câu hỏi về đổi mới thi pháp, về ranh giới giữa truyền thống và
cách tân, hay về mối quan hệ giữa cá nhân sáng tạo và thời đại vẫn tiếp tục
được đặt ra. Thông qua việc phân tích các trường
phái mà các nhà lý luận – phê bình văn học miền Nam đã ứng
dụng, như Chủ nghĩa hiện sinh, Phân tâm học, Cấu trúc luận, Hiện tượng luận, Mỹ
học tiếp nhận…, cuốn sách của Trần Hoài Anh giúp soi chiếu những vấn đề này dưới
góc nhìn lịch sử, đồng thời mở ra hướng tiếp cận mới cho sáng tác đương đại, mang đến những gợi mở quan trọng cho những ai đang tìm kiếm phương thức
biểu đạt mới trong sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học. Như tôi
thấy, việc sáng tác thơ không nhất thiết phải bám vào những mô hình cũ mà có
thể kế thừa và vận dụng những tư tưởng lý luận – phê bình văn học từ miền Nam
trước 1975 để phát triển theo hướng rộng mở hơn. Sự liên kết giữa quá khứ và
hiện tại trong nghiên cứu của Trần Hoài Anh giúp người đọc thấy rõ hơn những
dòng chảy tư tưởng đã và đang ảnh hưởng đến thơ Việt Nam đương đại như thế nào.
Cuốn sách này là công trình học thuật có giá trị, một
nguồn tham khảo quan trọng, giúp thế hệ sáng tác hôm nay kết nối với quá khứ để
tiếp tục đổi mới, sáng tạo. Bằng việc nhận diện lại các khuynh hướng phê bình
văn học miền Nam trước 1975, nó góp phần mở ra những triển vọng mới cho sáng
tạo văn chương, đặc biệt trong bối cảnh văn học Việt Nam đang từng bước hội
nhập với thế giới.
Từ tinh thần cởi mở của lý luận – phê bình văn học miền
Nam trước 1975, tôi nhận thấy sự cần thiết của một nền phê bình hôm nay phải
năng động, đa chiều, không bị giới hạn bởi định kiến. Những cuộc tranh luận học
thuật cởi mở, công bằng sẽ làm phong phú đời sống văn học, thúc đẩy sáng tạo,
mở ra nhiều hướng đi mới cho nghệ thuật ngôn từ. Đó là bài học thiết thực cho
nền phê bình đương đại: đồng hành với sáng tác, không ngừng đặt ra những câu
hỏi lớn về bản sắc, thi pháp và khả năng đổi mới của thơ ca. Một nền lý luận –
phê bình thực sự có sức sống không dừng lại ở việc diễn giải tác phẩm, mà còn
góp phần tạo ra những không gian thẩm mỹ mới, giúp người sáng tác mở rộng biên
độ ngôn ngữ và hình thức. Cuốn chuyên luận này của Trần
Hoài Anh là tác phẩm đầu tiên cho ta một bức tranh bao quát để thấy rõ vai trò
quan trọng của lý luận – phê bình trong việc thúc đẩy sự vận động sáng tạo.
Thơ ca vốn không chỉ là cảm xúc, mà còn là ý niệm, là sự
tìm kiếm những hình thức biểu đạt mới. Một bài thơ không đơn thuần ghi lại trạng
thái tinh thần của người viết, mà còn là sự thể nghiệm không ngừng về cấu trúc,
nhịp điệu, ngôn ngữ và tư duy nghệ thuật. Trong quá trình đó, việc tiếp cận lý
luận – phê bình, đặc biệt là những nền lý luận – phê bình giàu tinh thần khai
phóng và tự do, sẽ giúp kẻ sáng tạo mở rộng tầm nhìn và khám phá những khả thể
đa dạng hơn. Những vấn đề như tự do sáng tạo, ranh giới giữa truyền thống và
hiện đại luôn được các nhà thơ và nhà phê bình miền Nam tranh luận trước 1975
vẫn đang tiếp tục được đặt ra trong thơ ca hôm nay. Cuốn sách của Trần Hoài Anh
giúp tôi nhận ra rằng những cuộc tìm kiếm này không phải là mới mẻ hay đơn lẻ,
mà là một phần của dòng chảy tư duy nghệ thuật, nơi mỗi thế hệ sáng tác và phê
bình đều góp phần định hình, làm phong phú thêm diễn ngôn văn học.
Một nền thơ ca sôi sục sức sống không thể thiếu một nền
lý luận – phê bình sắc bén, có khả năng đặt ra những câu hỏi lớn về nghệ thuật
và đời sống. Phê bình không chỉ làm nhiệm vụ nhận diện, lý giải, mà còn góp
phần thúc đẩy sáng tác phát triển theo những chiều kích mới. Sự thiếu vắng một
nền lý luận – phê bình có chiều sâu sẽ khiến thơ ca dễ rơi vào tình trạng tự
lặp lại, thiếu sự phản tỉnh cần thiết để bứt phá khỏi những giới hạn cũ.
Cuốn chuyên luận của Trần Hoài Anh là minh chứng cho giá
trị của phê bình mang tính học thuật trong việc thúc đẩy sáng tạo. Không chỉ hệ
thống lại một giai đoạn phê bình giàu năng lượng, tác phẩm còn cho thấy cách lý
luận văn học tác động trực tiếp đến sáng tác, làm thay đổi tư duy nghệ thuật
của cả người viết lẫn người đọc. Cuốn chuyên luận này mang tính gợi mở lớn đối
với những ai quan tâm đến sự vận động của văn học Việt Nam, đồng thời khẳng
định vai trò của lý luận – phê bình trong việc đổi mới sáng tác; nó khẳng định
giá trị học thuật và vai trò của phê bình trong việc soi rọi, thúc đẩy sáng tác
đương đại. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi cuốn sách này đoạt Giải thưởng
Hội Nhà văn Việt Nam 2024: một ghi nhận thật xứng đáng với tầm vóc của nó. Qua
đó, ta không chỉ hiểu rõ hơn về di sản lý luận – phê bình văn học miền Nam
trước 1975 mà còn nhận thấy sự tiếp nối của những khuynh hướng ấy trong văn
chương đương đại. "Văn chương bao giờ cũng là văn chương của mọi thời
chứ không phải là văn chương của một thời" (tr. 375).
Bên cạnh giá trị học thuật, tác phẩm
còn giúp người sáng tác như tôi soi chiếu lại con đường nghệ thuật của mình.
Khi đọc những biện giải của Trần Hoài Anh về cách tiếp cận tác phẩm lý luận –
phê bình văn học miền Nam trước 1975, ta dễ nhận ra tinh thần tìm tòi, khám phá
ấy vẫn tiếp diễn trong thế hệ hôm nay. Tôi kỳ vọng vào một nền phê bình hôm nay
có thể tiếp tục đào sâu, không ngại tranh luận, tạo diễn đàn mở để văn chương
Việt Nam phát triển trong tinh thần khai phóng và sáng tạo. Một nền lý luận – phê bình với "tư duy năng động, cởi mở, đa diện, đa chiều"
(tr. 512) sẽ không chỉ định hình thẩm mỹ mà còn khơi nguồn cảm hứng, thúc đẩy
văn học tiến về phía trước.
Tôi tâm đắc với nhận định của PGS.TS Trần Hoài Anh khi ông khẳng định rằng "lý
luận – phê bình văn học ở miền Nam mặc dù có những giới hạn nhất định,
nhưng xét cả hai phương diện khoa học và thực tiễn, lý luận – phê bình văn học
miền Nam vẫn là một nền lý luận – phê bình văn học có diện mạo riêng, có
đời sống riêng, có những đóng góp vào quá trình vận động và phát triển của lý
luận – phê bình văn học dân tộc và là một bộ phận không thể thiếu trong
nền lý luận – phê bình văn học dân tộc." (tr. 512, 513)".
Nhìn từ góc độ đó, có thể thấy rằng việc tiếp cận di sản lý luận – phê bình văn
học miền Nam, giai đoạn 1954 – 1975, với tinh thần cởi mở và khách quan không
chỉ cho phép nhận diện rõ hơn những đóng góp của lĩnh vực này đối với tiến
trình vận động của nền lý luận – phê bình văn học dân tộc, mà còn tạo tiền đề
mở ra những triển vọng mới cho nghiên cứu và sáng tác văn học đương đại.
Hải Phòng, 3/3/2025
M.V.P
